“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Thắng lợi của sức mạnh toàn dân bằng thế trận lòng dân

Thứ năm - 05/10/2023 03:38 390 0
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tròn 50 năm trước là chiến thắng vĩ đại của lòng yêu nước, của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là thắng lợi có ý nghĩa vô cùng to lớn về chính trị, ngoại giao và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến thắng này đã tạo bước ngoặt và đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Thắng lợi của sức mạnh toàn dân bằng thế trận lòng dân

Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược đường không Linebacker II (Ảnh: TTXVN)

Hà Nội chủ động đối phó với mọi tình huống
Với tư duy nhạy bén và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ, quân và dân miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội luôn đi đầu và chủ động trong mọi tình huống trước mọi âm mưu và hành động đánh phá của địch trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Ngày 19/7/1965, khi đến thăm một đại đội pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh.Mà đánh là nhất định thắng”. Đến ngày 19/12/1967, Người đã giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân Phùng Thế Tài: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị...Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Năm 1972,  sau thất bại trên chiến trường miền Nam, Mỹ điên cuồng  leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai với mục tiêu đánh phá miền Bắc nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán ở Paris.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân đã gấp rút hoàn chỉnh phương án tác chiến, bố trí lực lượng đánh địch với tư tưởng chỉ đạo phát huy cao độ truyền thống toàn dân, toàn quân đánh giặc, vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu.
Về phía thành phố, Hội đồng phòng không nhân dân đã chỉ đạo  các khu phố, cơ quan, xí nghiệp , trường học kiên quyết sơ tán nhân dân. Do vậy, Thủ đô đã hạn chế được mức thấp nhất thiệt hại do bom Mỹ gây ra, tạo điều kiện cho các quân binh chủng  của bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ Hà Nội bám trụ trận địa, chiến đấu kiên cường.
Hà Nội là thủ đô nhưng cũng là hậu phương lớn, vừa là nơi tập trung đầu mối giao thông quan trong tiếp nhận  hàng hóa chi viện từ các nước anh em và các địa phương từ miền Bắc vào miền Nam. Vì vậy, luôn đảm bảo giao thông thông suốt là đảm bảo cho thành phố duy trì các hoạt động, chiến đấu và chi viện chiến trường.

Thông tin liên lạc là một nhiệm vụ quan trọng để Hà Nội luôn ứng phó sẵn sàng với mọi tình huống. Hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng cho nhân dân phòng tránh máy bay địch. Một mạng lưới đài quan sát, còi báo động dày đặc và rộng khắp từ xa vào gần được hình thành. Đầi Tiếng nói Việt Nam tại Mễ Trì trước và trong 12 ngày đêm đã liên tục, kịp thời thông báo, phát lệnh báo động, hướng dẫn đồng bào kịp thời xuống hầm trú ẩn tránh bom và kịp thời thông báo tin chiến thắng từng ngày, từng giờ cho nhân dân thành phố.
Như vậy, chúng ta đã chủ động chuẩn bị chu đáo. Đêm 18/12/1972, khi không quân Mỹ bắt đầu ném bom vào Hà Nội, chúng ta đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ.
Chuẩn bị thế trận phòng không nhiều tầng, nhiều lớp
Xây dựng lưới lửa phòng không của quân và dân thủ đô là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên địa bàn Hà Nội, nơi đất không rộng, người không đông. Nhưng, bằng trí tuệ sáng tạo cùng với ý chí, quyết tâm cao, sự cải tiến vũ khí, khí tài, làm chủ trận địa, chúng ta đã làm thất bại âm mưu đưa Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ, đám đánh, dám thắng, bắn hạ “Siêu pháo đài bay” B52 nhiều nhất so với các địa phương khác của miền Bắc.
Cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12 năm 1972  của Mỹ là cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ nhưng không thể đánh bại bởi lưới lửa phòng không độc đáo, dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp.
Ở phương diện sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, thành phố đã chủ động phối hợp với các lượng phòng không quốc gia và nhân dân các tỉnh phụ cận để xây dựng lưới lửa phòng không nhân dân của ba thứ quân với mọi vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giắc lái và phục vụ chiến đấu. Lực lượng tự vệ chiến đấu đã chỉ huy các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố là lực lượng nòng cốt chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Các đơn vị pháo cao xạ trong mỗi khu phố phối hợp với bộ đội tên lửa phòng không quốc gia đã tạo thành thế trận phòng không đan xen dày đặc, nhiều tầng nhiều lớp.

Phụ nữ, trẻ em và người già tạm rời Thủ đô đi sơ tán trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972

Chính thế trận phòng không nhân dân độc đáo đó đã làm cho mọi tính toán của Mỹ đều bị đảo lộn. Ý chí của quân và dân thủ đô đã không hề bị đè bẹp trước sức mạnh của “Không lực Hoa Kỳ”. Hà Nội đã vượt lên sự hy sinh, mất mát để bừng lên khí thế sục sôi, quyết đánh và quyết thắng B52 Mỹ.
Trong 12 ngày đêm của “Vòng cung lửa”, Hà Nội đã sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, 21 chiếc F4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7,... và mất gần 100 phi công (bị chết, bị bắt). Tướng Giooc Ết-tơ, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ đã phải thú nhận trên “Tạp chí Không lực Hoa Kỳ” rằng: “Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu năm góc”. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Ních Xơn viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”.
Thành quả của “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” 12 ngày đêm của 50 năm trước là buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ Vỹ tuyến 20 trở ra và ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Vẹn nguyên giá trị làm nên những bài học kinh nghiệm
Tròn 50 năm qua, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”- chiến thắng của quân và dân thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị và để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ nhất, sự thống nhất, đồng lòng, đồng sức dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, tài thao lược của Quân ủy Trung ương. Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội trong mối quan hệ máu thịt.
Thứ hai, xây dựng khu vực phòng thủ thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong khu vực phòng thù, đối phó với mọi tình huống nếu chiến tranh xảy ra.
Thứ ba, xây dựng lực lượng vũ trang, quán triệt sâu sắc chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc bầu trời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Thủ đô và đất nước Việt Nam.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, chúng ta nghiêng mình trước những gian khó, hy sinh vô bờ bến cảu các thế hệ cha anh, chúng ta càng thiết tha quý trọng và nâng niu hòa bình, tiếp thêm hành trang tự hào để xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta, trái tim của cả nước, xứng danh “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây