Năm 2018, một tờ báo nổi tiếng của Anh (Telegraph) đã công bố 12 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Trong đó, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong hai đại diện của Việt Nam được lọt vào danh sách này. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN
Đắm mình trong “biển vàng” bao la
Vào tháng 9 - 10 hàng năm là lúc lúa chín trên khắp những thửa ruộng vùng cao phía Bắc, cả một vùng rộng lớn trên non cao được bao phủ bằng một màu vàng rực tựa như bức tranh tuyệt tác. Cảnh sắc ấy làm mê hoặc biết bao du khách với mong muốn một lần được đắm mình trong biển vàng lúa bao la. Theo kinh nghiệm của các đơn vị lữ hành và “dân phượt”, một số điểm đón mùa vàng vùng cao không nên bỏ qua là: Sa Pa (Lào Cai); Mù Cang Chải (Yên Bái); Hoàng Su Phì (Hà Giang); Y Tý (Lào Cai),...
Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải nằm trên các sườn núi, lớp nọ nối tiếp lớp kia với diện tích khoảng 2.200 ha đã Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2029. Trước đó, tờ báo nổi tiếng của Anh (Telegraph) đã công bố 12 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới, trong đó, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một đại diện của Việt Nam lọt vào danh sách này. Những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải không chỉ giúp người dân ở đây có cuộc sống ổn định, còn là nét văn hóa bản địa độc đáo, giúp nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Nhiều đơn vị đã xây dựng tour đến khám phá, săn ảnh mùa vàng Mù Cang Chải và trải nghiệm nét sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Trong tour này, du khách chắc chắn sẽ đặt chân đến thị trấn Tú Lệ để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang trải dài màu vàng tuyệt đẹp; tham quan bản Lìm Thái, Lìm Mông ẩn mình trong mây, nhìn ngắm những ngôi nhà sàn hai bên đường. Cùng đó là hành trình khám phá đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo ở miền Bắc, đèo dài nhất với độ cao trên 40km, thường xuyên có mây bao phủ, uốn lượn quanh những dãy núi điệp trùng. Điểm đến La Pán Tẩn là nơi có nhiều ruộng bậc thang nhất ở Mù Cang Chải với 700 ha xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Đặc biệt nơi đây có ruộng mâm xôi vàng rất nổi tiếng thu hút du khách tham quan, chụp ảnh,...
Mặc trang phục dân tộc, chụp ảnh với ruộng bậc thang là trải nghiệm không thể thiếu của du khách khi đến với Mù Cang Chải. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN
Nhằm phát huy giá trị của ruộng bậc thang, từ năm 2015, tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, nâng cao ý thức bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch. Trong đó phải kể đến, Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ” hàng năm đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hoạt động này góp phần giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm đặc sắc, nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông đến với du khách trong nước và quốc tế.
Một màn biểu diễn dù bay của các phi công tại Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Đồng bào nơi đây được nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Yên Bái vẫn kêu gọi đầu tư vào Mù Cang Chải nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế, tạo sinh kế, đem lại thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông. Bên cạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, Yên Bái đang phát triển loại hình du lịch mạo hiểm như leo núi, dù lượn, chèo thuyền,...
Nhiều dòng sản phẩm hấp dẫn
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các cụm ruộng bậc thang tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã được xếp hạng di sản danh lam thắng cảnh cấp quốc gia với hơn 2.076ha nằm trong vùng bảo vệ. Ruộng bậc thang tại Lai Châu hiện đã nằm trong danh mục kiểm kê di sản, tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng di sản danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung không chỉ là một vựa lúa, một một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN
Nhờ liên kết phát triển du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất một số tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng đã được đầu tư, nâng cấp. Dịch vụ đa dạng, phong phú hơn với nhiều dòng sản phẩm mới hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước, bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc được giữ gìn.
Di sản ruộng bậc thang ngày càng được khai thác theo hướng bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Sản phẩm du lịch từ ruộng bậc thang ngày càng trở thành sản phẩm chủ đạo, có thế mạnh, đa dạng, kết hợp khai thác nhiều loại hình sản phẩm. Có thể kể đến du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, di lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, thu hút đông đảo lượng khách du lịch và nhiều dự án đầu tư đến với các địa phương.
Nét văn hóa đặc sắc của vùng Tây Bắc (Việt Nam) có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách nước ngoài. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN
Mới đây nhất là chương trình "Qua những miền di sản ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì 2023 ở Hà Giang. Tham dự sự kiện này, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa lúa chín, khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa với những lễ hội, nghi thức truyền thống đậm bản sắc văn hóa.
Du khách có thể hòa mình vào Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn huyện lần thứ III, Ngày hội Bản em tại xã Bản Phùng, Ngày hội bản Dao, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao; tham dự phần trình diễn Lễ cúng cơm mới của dân tộc Dao. Cùng với đó là tour du lịch tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, bắt cá chép ruộng tại đồi mâm xôi,...
Tại đây còn trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, hàng nông lâm sản, dược liệu, thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Du khách còn được trực tiếp xem trình diễn quy trình chế tác sản phẩm nghề truyền thống như rèn đúc, đan lát, chạm bạc, thêu thổ cẩm; trải nghiệm không gian chợ phiên vùng cao và nhiều môn thể thao tnhư bắn nỏ, đánh yến, thi đan quẩy tấu, thi thêu thổ cẩm, múa võ cổ truyền dân tộc,...
Bà con dân tộc Cờ Lao ở Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Đặc biệt, các xã vùng trọng điểm du lịch của huyện Hoàng Su Phì đều tổ chức sự kiện, tour du lịch tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, làng nghề truyền thống, trình diễn lễ hội, tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho chương trình.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đã nêu rõ, các tỉnh Tây Bắc mở rộng cần tiếp tục phát huy sức mạnh của chương trình liên kết, tranh thủ cơ hội phát triển sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, các địa phương tập trung khai thác hệ thống ruộng bậc thang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, có thương hiệu riêng trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.
Du khách tham quan, lưu trú tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Mới đây, nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố hai sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023. Đó là sản phẩm “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” kết nối Hà Nội - Phú Thọ - Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái) - Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang). Cùng với đó, sản phẩm “Hùng vĩ Tây Bắc” kết nối Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Ngất ngây với vẻ đẹp của ruộng bậc thang Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Những thửa ruộng bậc thang trải dài, cao vút lên chín tầng mây đã khẳng định, đánh dấu sức lao động bền bỉ, sự sáng tạo trong lao động của cộng đồng các dân tộc vùng cao. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng canh tác ruộng bậc thang góp phần ổn định lương thực và phát triển du lịch. Đây là hướng đi đúng góp phần cải thiện đời sống đồng bào, mở rộng hợp tác, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi, tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng.
Tác giả bài viết: PVTH
Ý kiến bạn đọc