* Năm Nhâm Dần 42, mùa Hè, lực lượng đàn áp của nhà Đông Hán từ Trung Quốc kéo sang bị quân đội Hai Bà Trưng chặn đánh mãnh liệt và vây chặt tại Lãng Bạc (Bắc Ninh).
* Năm Bính Dần 546, tháng 9, vua Lý Nam Đế đau yếu, trao lại toàn bộ binh quyền và nhiệm vụ chống giặc Lương cho tướng Triệu Quang Phục.
* Năm Bính Dần 906, ngày 7 tháng 2, trước phong trào đòi độc lập của nhân dân Giao Châu lãnh đạo bởi Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, nhà Đường buộc phải phong thêm cho ông chức Đồng bình chương sự, thừa nhận người Việt làm chủ đất Việt, chấm dứt về cơ bản thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm của dân tộc ta.
* Năm Bính Dần 966, triều đình trung ương suy yếu, các thủ lĩnh địa phương nổi dậy, mỗi người chiếm giữ một vùng riêng, tạo ra hiện tượng cát cứ độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam: loạn 12 sứ quân.
* Năm Nhâm Dần 1002, tháng 4, vua Lê Đại Hành thực thi hàng loạt biện pháp chấn chỉnh và cải cách chính trị: đổi tên đơn vị hành chính lãnh thổ, ban hành pháp luật, chia quan hiệu làm hai ngạch (văn - võ), tổ chức và trang bị lại cho quân đội...
* Năm Mậu Dần 1038, tháng 3, đích thân vua Lý Thái Tông ra cày tịch điền ở cửa Bố Hải (Thái Bình) để làm gương cho dân chúng. Tục lệ đẹp này được các triều đại sau đó duy trì và phát huy.
* Năm Nhâm Dần 1182, tháng 2, vua Lý Cao Tông xuống chiếu cầu người hiền tài, đồng thời cho chấn hưng nền văn hóa giáo dục và an ninh trật tự trong nước.
* Năm Nhâm Dần 1242, tháng 3, triều Trần thực hiện cải cách hành chính địa phương với quy mô lớn: chia lại đơn vị hành chính lãnh thổ, cơ cấu lại hệ thống quan chức địa phương, làm sổ hộ khẩu, phân loại dân đinh, ấn định cụ thể mức tô thuế...
* Năm Giáp Dần 1374, tháng 3, nhà Trần bắt đầu tổ chức thi Đình cho các tiến sĩ, lấy đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ, tất cả 50 người (lệ cũ là thi Thái học sinh cứ 7 năm một lần, lấy đỗ 30 người). Tháng 11, áp dụng nhiều biện pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: cấm nhân dân mặc áo kiểu người phương Bắc, cấm bắt chước tiếng nói các nước Chiêm, Lào...
* Năm Mậu Dần 1398, tháng 4, Thái sư Hồ Quý Ly giữ quyền nhiếp chính và tiến hành cải cách ruộng đất toàn diện.
* Năm Bính Dần 1506, triều Lê tổ chức cuộc thi quân dân (với 2 môn: viết và toán) rất lớn ở sân điện Giảng Võ, hơn 3 vạn thí sinh dự, lấy đỗ 1.519 người.
* Năm Giáp Dần 1614, chữ quốc ngữ Việt Nam (do các giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo ra) bắt đầu hình thành.
* Năm Nhâm Dần 1782, khởi nghĩa Tây Sơn lớn mạnh, tấn công mãnh liệt vào cả chính quyền chúa Nguyễn trong Nam lẫn triều đình Lê-Trịnh ngoài Bắc, giành thế chủ động trên khắp các chiến trường. Chúa Nguyễn đại bại, phải chạy trốn và cầu viện nước ngoài.
* Năm Bính Dần 1806, tháng 6, Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi Hoàng đế (Gia Long), trở thành vị vua đầu tiên của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
* Năm Canh Dần 1830, nhà Nguyễn cử nhiều đoàn sứ thần đến các nước để thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao.
* Năm Giáp Dần 1854, tháng 9, Cao Bá Quát nổi dậy chống sự áp bức của nhà Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng và được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ.
* Năm Bính Dần 1866, nghĩa quân Trương Quyền liên kết với nghĩa quân Pokum Pao chống Pháp xâm lược, làm nên nhiều chiến thắng vang dội ở Việt Nam và Campuchia.
* Năm Mậu Dần 1938, tổng điều tra dân số và nước ta khi đó được ghi nhận là có 19.510.000 người. Ngày 25 tháng 5, Hội Truyền bá Quốc ngữ chính thức ra mắt. Ngày 15 tháng 6, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đặt Quần đảo Hoàng Sa thành một đơn vị hành chính riêng trực thuộc tỉnh Thừa Thiên (Thừa Thiên-Huế).
* Năm Canh Dần 1950, tháng 1 và 2, Việt Nam được các nước xã hội chủ nghĩa công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Mùa Thu và Đông, chiến dịch Biên giới thắng lợi, quân ta giải phóng miền biên cương Việt - Trung dài 750 km, phá tan hành lang chiến lược và thế bao vây của giặc Pháp. Ngày 19 tháng 11, thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam.
* Năm Giáp Dần 1974, ngày 1 tháng 4, tổng điều tra dân số và miền Bắc khi đó có 23.787.375 người. Cũng năm này, quân dân ta giành toàn quyền chủ động trên chiến trường miền Nam nên ngày 30 tháng 9, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp duyệt kế hoạch, quyết định phương án hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Năm Bính Dần 1986, tháng 12, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khởi động công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện đất nước.
* Năm Mậu Dần 1998, tháng 1, khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất (Quảng Ngãi). Ngày 18 tháng 2, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ngày 14 tháng 11, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
* Năm Canh Dần 2010, đưa vào hoạt động hai công trình trọng điểm nhất quốc gia là Thủy điện Sơn La và Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngày 19 tháng 8, Giáo sư Ngô Bảo Châu trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Toán học Fields - giải thưởng toán học danh giá nhất thế giới. Tháng 9, Liên Hợp Quốc ghi nhận Việt Nam là quốc gia đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Tháng 10, tổ chức thành công Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tháng 10 và 11, mưa lớn gây lũ lụt khủng khiếp ở miền Trung, khiến 198 người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế hơn 13.500 tỷ đồng. Cũng năm 2010, nhiều di sản văn hóa Việt Nam (Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội Gióng, 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Cao nguyên đá Đồng Văn) được UNESCO công nhận và vinh danh.
* Năm Nhâm Dần 2022 này, cả nước bước vào xuân mới với những thành tựu to lớn, chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ. Cũng năm nay, chúng ta phấn khởi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai các chương trình lớn và đón mừng nhiều lễ kỷ niệm trọng đại.