TRẦN ĐÌNH PHONG VỚI TỤC THI DỌN CỖ TẾT

Thứ hai - 17/01/2022 07:14 715 0
Trần Đình Phong khi còn nhỏ gọi là Nho Bằng, Tự Uy Khánh, hiệu Mã Sơn, là mội trong những người nổi tiếng triều Nguyễn của tỉnh Nghệ An. Trong quá trình làm việc, cụ đi nhiều nơi giữ các chức vụ khác nhau. Cụ có mối quan hệ với cụ Nguyễn Sinh Sắc ở làng Kim Liên huyện Nam Đàn. Cuộc đời của tiến sĩ họ Trần để lại trong  vùng thôn quê có tục thi dọn cỗ Tết, được người đời ca tụng.
Trần Đình phong chào đời vào năm Quý Mão, Triều Thiệu Trị 1843 tại làng Yên Mã (xã Mã Thành, huyện Yên Thành), là con cụ Trần Đình Kiều và bà Nguyễn Thị Bình. Các con của Trần Đình Phong là Trần Đình Diễm, Trần Đình Phiên, Trần Đình Nam, Trần Đình Na đều là những nhà Nho, hoạt động chính trị có tiếng. Theo sách Thanh khê xã chí , lúc bấy giờ vùng dân này dân cư thưa thớt, vùng Yên Mã quê ông có truyền thống hiếu học.
Cụ Trần Đình phong cũng như bao trai làng, được cha mẹ cho đi học, vì cụ học giỏi nên đỗ hai lần Tú Tài (Tú Kép), đậu cử nhân năm 1878, rồi đậu Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa kỹ Mão- Tự Đức thứ 32 (1879). Cuộc đời làm quan của cụ  trải qua các chức vụ: Hàn lâm sơ thụ phụ trách biên tu lý lịch ở Kinh đô, tri phủ Kiến An, kiêm lý cả huyện Bình Giang (Hải Dương). Năm 1885 mẹ mất, cụ phải về chịu tang rồi mở trường dạy học. Năm 1891, cụ được bổ túc tri phủ Thọ Xuân Thanh hóa rồi đốc học Quảng Ngãi, đốc học Quảng Nam, thăng Tế tửu Quốc tử giám, kiêm biên tu Sử Quán.
Trần Đình Phong đã đào tạo cho nền giáo dục nước nhà nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng, cụ được các sĩ phu và nho sinh đương thời tôn vinh là danh sĩ, nhà giáo dục, nên được gọi là  đốc học Mã Sơn.Ông xây dựng văn chỉ của làng, tổ chức hoạt động tôn vinh đạo nho. Khi làm quan ở các địa phương hay ở triều đình cụ đều tỏ rõ quan điểm tư tưởng về giáo dục, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.
“ Học trò của cụ nhiều người thành danh, có người làm đến chức thượng thư, có người là yếu nhân, sĩ phu lãnh đạo cả phong trào yêu nước chống thực dân xâm lược như tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Phó bảng Phan Chu Trinh (1872-1936), tiến sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908), tiến sĩ Ngô Đức Kế (1878-1929)... Trong số học trò của cụ, có 5 người đỗ đạt Đại khoa được vua Thành Thái tặng tấm biển Ngữ phụng tề phi (năm con chim phượng cùng cất cánh bay một hàng) như tiến sĩ Phạm Liễu, Phạm Quang, Phạm Tuấn, phó bảng Dương Hiền Tiến, Ngô Chuẩn) (1)
Trong cuộc đời của tiến Sĩ Trần Đình Phong có một điểm ấy là tạo điều kiện giúp đỡ cụ Nguyễn Sinh Sắc- Thân Sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Khoa thi hội Tân Sửu (1901) với tấm lòng thương tiếc người vợ mới mất (Bà Hoàng Thị Loan) cụ đã quyết chí đi thi. Diễm Phúc lại đến với Nguyễn Sinh Sắc . “ Triều đình Huế bổ nhiệm cụa Cao Xuân Dục người làng Thịnh Mỹ huyện Diễn Châu làm Chánh chủ khảo, hồng lô từ khanh tiến sĩ Trần Đình Phong làm quan duyệt quyển. Cả hai người dốc lòng tận tình giúp đỡ Nguyễn Sinh Sắc. Qua ba kỳ thi hội, điểm của thí sinh Nguyễn Sinh Sắc cộng lại chỉ được 6 điểm, không đủ tiêu chuẩn vào thi Đình. Quan duyệt quyển tiến sĩ Trần Đình Phong đã trình lên hội đồng Bộ học xét để lấy thêm, cho vào thi đình. Kết quả Nguyễn Sinh Sắc đậu phó bảng” (2). Kỳ thi này cụ Nguyễn Sinh Sắc được cấp áo mũ trong lễ xướng danh và được cấp ngựa trạm về quê. Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với các sĩ phu có tư tưởng chống thực dân Pháp, để từ đó định hướng đúng đắn cho con trai Nguyễn Tất Thành trong hành trình đi tìm đường cứu nước mở ra kỷ nguyên mới làm rạng rỡ nom sông đất nước- Thời đại Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Trần đình Phong có công rất lớn trong việc xây dựng cơ sở cải cách giáo dục cho phù hợp với thời đại mới. Năm 1907 Triều đình cho lập thêm bộ mới là Bộ học và dao cụ Cao Xuân Dục làm Thượng Thư (Bộ trưởng), nhằm đào tạo một số quan chức phục vụ nền hành chính công trên toàn cõi Đông Dương. Tháng 1 năm 1909 ông bị bạo bệnh mất ở Huế.
Khi đang sống tại quê nhà với cảnh núi non và vui thú với cháu chắt, tiến sĩ Trần Đình Phong có tục thi dọn cỗ Tết. Bà vợ kế của tiến sĩ Trần Đình Phong là người nhân từ đã đành, ngoài ra trong công việc đơm cúng khi  có giỗ chạp hay làm cỗ Tết bà cũng rất chu đáo. Người ta kể lại rằng: Trước đây đồng ruộng vùng Yên Mã thường cấy được vụ chiêm, còn vụ mùa thường ngập úng phải bỏ hoang. Lúa nếp cũng phải cấy vào vụ chiêm. Muốn làm cỗ Tết với nếp rồng thơm ngon bà thường yêu cầu con cháu chăm bón chu đáo khi lúa trỗ và sắp chín. Đến lúc lúa bắt đầu chín, không để chín già thì đi lấy (dùng dao cắt từng bông lúa) đem về đập và phơi khô đem cất. Đến ngày tết Đoan Ngọ (05/5 ÂL) đem ra phơi lại và cất dấu chu đáo. Làm được như vậy thì khi gói bánh chưng hay bánh dày vẫn có hương vị riêng của nếp rồng. Khi đem nếp hông xôi thì xôi hông trong bếp nhưng người đi ngoài cổng vẫn nghe thấy mùi thơm.
Nhà đông con cháu nên thỉnh thoảng khi có giỗ phải dọn nhiều mâm, bà vẫn hô con dâu và con gái dọn cỗ thi. Nhiều năm cỗ thi được dọn nhiều mâm vào sáng 01 Tết, hôm đó con dâu, con rể đều phải về đông đủ. Gà đem làm cỗ Tết bà yêu cầu làm thịt gà thả vườn, không dùng gà mua ở chợ. Chọn những con chân vàng, mỏ vàng và mào có nhiều khứa nhỏ. Cá thu, cả thẩng dọn cỗ Tết phải chuẩn bị từ tháng 9, nước chấm cũng được quan tâm chọn loại nước mắm ngon cất từ nhiều tháng trước. Đến giờ cỗ dọn xong, bà yêu cầu cụ Nghè đứng ra chấm, mâm ai nấu ngon và có nhiều món lạ tự mình sản xuất thì được xếp thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư. Các mâm đạt giải nhất, nhì, ba thì được ông bà thưởng. Cùng với đại diện họ tộc, trai gái cháu chắt nội ngoại cũng ngồi ăn cỗ. Ăn xong thì ngồi đọc thơ, bình thơ với chủ đề chúc thọ ông bà, cha mẹ. Bài thơ nào hay được ghi vào gia phả. Bình thơ xong thì con cháu ra ngồi xung quanh gốc cây cổ thụ do cụ tổ trồng trước đó mấy năm. Con trai thì đánh cờ, con gái thì hát chầu văn. Theo các cụ truyền lại: Cụ Nghè rất thích hát chầu văn nên trong họ nhiều người trở thành nghệ nhân của làng (3).

Tác giả bài viết: Xuân Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây