CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG

Thứ tư - 30/10/2024 23:02 28 0
Sản xuất vụ đông ở Nghệ An có từ những năm 1985, 1986 của thế kỷ 20. Từ đó, sản xuất vụ đông ngày càng được mở rộng về quy mô diện tích, đem lại một khối lượng nông sản phẩm hàng hóa ngày càng lớn, đáp ứng nhu cầu dân sinh, chăn nuôi và các nhu cầu khác của xã hội đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Vì vậy, sản xuất vụ đông được xác định là vụ sản xuất chính trong năm kể từ sau năm 1990 lại nay.
Diện tích gieo trồng ngày giảm

Đề án sản xuất vụ đông năm 2024 toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 34.690 ha cây trồng các loại. Trong đó, cây ngô 19.000 ha, bao gồm ngô lấy hạt 15.000 ha, ngô sinh khối làm thức ăn gia súc 4.000 ha; cây lạc 1.000 ha, rau đậu các loại 13.200 ha, khoai lang 1.240 ha, khoai tây 230 ha.
Kế hoạch là như vậy, nhưng có đạt được như mục tiêu đề ra hay không đang là một dấu hỏi lớn. Bởi trong thực tế sản xuất những năm gần đây diện tích gieo trồng các cây trồng vụ đông ngày càng giảm. Cụ thể: Từ những năm 2010 về trước mỗi vụ đông toàn tỉnh gieo trồng từ 60.000 – 62.000 ha cây trồng các loại, trong đó cây ngô 30.000 – 33.000 ha (riêng ngô trên đất 2 vụ lúa 13.000 – 14.000 ha), khoai lang 16.000 – 18.000 ha, rau đậu các loại 8.000 – 9.000 ha ... Thật khó mà quên được những cánh đồng ngô và khoai lang bạt ngàn trải dài trên đất 2 vụ lúa ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn ... Sau năm 2010 đến 2015, diện tích sản xuất vụ đông giảm xuống 40.000 – 43.000 ha mỗi vụ. Đặc biệt từ sau năm 2015 trở lại đây, diện tích sản xuất cây trồng vụ đông càng giảm mạnh, chỉ còn lại từ 33.200 – 33.700 ha mỗi vụ. Trong đó, cây ngô (cả ngô lấy hạt và ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi) chỉ gieo trồng được 18.000 – 19.000 ha, cây khoai lang 1.300 – 1.350 ha, rau củ quả các loại 12.300 – 12.500 ha.
Vì sao diện tích sản xuất cây trồng vụ đông ngày càng giảm nhiều như vậy? Có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng, theo phản ảnh của nhiều địa phương và bà con nông dân có mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Việc tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp (SXNN) nói chung sản xuất vụ đông nói riêng không hoàn toàn do ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm, mà đó là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị xã hội từ tỉnh xuống huyện, xã, làng, bản cùng vào cuộc. Thời kỳ sản xuất vụ đông mới ra đời, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thì những năm đó đã đưa vụ đông thành vụ sản xuất lớn với quy mô lên đến 60.000 – 62.000 ha mỗi vụ.
Bây giờ tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ đông của nhiều cấp ủy, chính quyền còn buông lỏng, thiếu kiên quyết, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chưa đủ mạnh, nên phong trào sản xuất vụ đông giảm dần.
Thứ hai: Hiệu quả sản xuất vụ đông thấp, do chạy theo phong trào mở rộng diện tích vì sức ép trên xuống, vì để lấy thành tích mà quên rằng: Thà làm ít, trồng cây gì thâm canh tốt cây đó để có năng suất cao, hiệu quả lớn. Trong khi đó, thời tiết trong vụ sản xuất này thường xuyên có mưa to, gió lớn, bão nhiều gây ngập úng làm thiệt hại trung bình mỗi vụ đồng từ 2.000 – 3.000 ha cây trồng các loại không có thu hoạch hoặc thu hoạch không đáng kể do thời tiết gây ra. Mặt khác giá cả vật tư đầu vào, như phân bón, giống quá cao làm tăng chi phí sản xuất, nên hiệu quả sản xuất thấp, thậm chí thua lỗ và từ đó không mặn mà với sản xuất vụ đông.
Thứ ba: Quỹ đất để gieo trồng cây vụ đông an toàn, ăn chắc không thiếu, bao gồm từ 36.000 – 38.000 ha đất 2 vụ lúa và đất màu đồng có địa hình cao, ít khi bị ngập lụt khi có mưa to, gần 11.000 ha đất cát pha ven biển từ thị xã Cửa Lò ra đến Quỳnh Lưu, Hoàng Mai và 10.600 ha đất bãi phù sa ven sông Lam, sông Con, sông Hiếu. Nhưng việc chỉ đạo gieo trồng thiếu quy hoạch, manh mún, nhỏ lẻ, không thành vùng, vùng nào nên trồng cây gì, trồng khi nào là tốt nhất, nhất là trên đất 2 vụ lúa, lại không có hệ thống mương máng thoát nước đầy đủ. Vì vậy, gặp năm mưa to, mưa kéo dài gây ngập úng, cây trồng bị hỏng nặng hoặc kém phát triển, từ đó “chán” vụ đông.
Thứ tư: Sự kết nối, liên kết sản xuất thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất chưa nhiều. Toàn tỉnh vụ đông 2023 chỉ có 27 cơ sở sản xuất có liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu các sản phẩm, như khoai tây, dưa chuột, bí xanh, dưa lưới, rau củ quả các loại, ngô sinh khối ... nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đa phần từ 0,5 đến 5 ha, chỉ có ngô nếp thị xã Cửa Lò 45 ha, ngô sinh khối ở Nghĩa Đàn 700 ha. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì số lượng sản phẩm không nhiều nên hiệu quả sản xuất hạn chế.
Thứ năm: Lực lượng lao động trong nông nghiệp hiện tại không thiếu. Nhưng phần lớn lao động trẻ, khỏe đi làm ăn xa có thu nhập cao hơn, còn lại là những người nhiều tuổi, phụ nữ, bệnh tật ... Nên việc sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nơi gần như không làm được vụ đông.

Xóa bỏ “tư duy lối mòn”

Cách nhìn nhận sản xuất vụ đông và sản phẩm vụ đông ngày nay không như những năm trước đây. Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, các loại cây trồng trong vụ đông ít nhiều có sự thay đổi, việc tiêu thụ các sản phẩm trong vụ đông yêu cầu nhiều về chất lượng, an toàn về vệ sinh thực phẩm ... Vì vậy, sản xuất vụ đông ngày nay cần sớm chuyển nhanh, chuyển mạnh từ tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị để tăng hiệu quả kinh tế. Tư duy SXNN là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần (bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh và tiện ích ...). Thực tế trong sản xuất hiện nay, người nông dân ít khi tính toán tới chi phí đầu vào, mà chú trọng nhiều vào giá bán, thấy sản phẩm cây trồng gì vụ trước, năm trước bán được giá thì vụ sau, năm sau đua nhau sản xuất nhiều và từ đó khó tránh khỏi trường hợp được mùa mất giá. Giá cao hay thấp chỉ phản ảnh sự khan hiếm tạm thời của sản phẩm đó, sau đó bàn tay vô hình của thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cả ngay lập tức từ vùng này sang vùng khác, thậm chí nhập khẩu từ nước ngoài về theo cơ chế thị trường tự do.
Để sản xuất vụ đông thực sự đem lại hiệu quả, chúng ta cần thay đổi cách làm, cách nghĩ trước đây, cụ thể cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:
Một: Không sản xuất chạy theo phong trào để lấy thành tích hoặc sản xuất tự do, tự phát chạy theo giá cả; sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún gây ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Hai: Diện tích sản xuất vụ đông phải được quy hoạch trên những vùng đất cao, ít bị ngập úng và có hệ thống mương thoát nước nhanh khi có mưa to.
Ba: Chỉ nên tập trung gieo trồng những cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn để thu hoạch xong trước thời vụ gieo trồng cây vụ xuân trên đất đó, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ và cho hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Những cây trồng vụ đông 2024 được ngành nông nghiệp giới thiệu trong đề án sản xuất, các cơ sở sản xuất cần lưu ý mở rộng diện tích những cây trồng vừa ngắn ngày, vừa đầu tư thâm canh ít, vừa dễ tiêu thụ, vừa có thể bảo quản sản phẩm được lâu, vừa đem lại giá trị kinh tế cao như các cây: Khoai lang, khoai tây, lạc, ngô sinh khối ... xét về hiệu quả kinh tế, cây khoai lang hiện nay đang có thị trường rất lớn cả trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó đất có thể trồng được khoai rất nhiều và kinh nghiệm trồng khoai lang ở Nghệ An có sẵn. Giá cả khoai lang củ ở thị trường trong nước từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản giá cao gấp đôi. Năng suất khoai lang trong vụ đông đạt bình quân 75 – 80 tạ/ha, có thể cho thu nhập trên dưới 130 triệu đồng/ha không khó. Cây khoai tây thời gian sinh trưởng hơn 90 ngày, năng suất đạt từ 200 – 210 tạ/ha, giá bán sau khi thu hoạch 7.700 đồng/kg củ, được công ty Oryon Hàn Quốc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và cho nông dân ứng trước giống khoai để sản xuất. Với giá thu mua nói trên, trung bình 1 ha khoai tây cho thu nhập trên dưới 150 triệu đồng/ha. Nếu trồng lạc như ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Phong, Diễn Mỹ, Diễn Kỷ ... huyện Diễn Châu cũng cho thu nhập từ 90 – 93 triệu đồng/ha.
Ba: Trước khi bước vào sản xuất vụ đông, các cơ sở sản xuất và chính quyền các địa phương cần giúp dân tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên kết với doanh nghiệp, hãy coi doanh nghiệp là người đỡ đầu. Đồng thời sản xuất phải theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường (Viet GAP, Global GAP) hoặc theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đặt hàng.
Bốn: Đối với sản xuất vụ đông gieo trồng được càng sớm càng tốt. Nhưng để cây con không bị hỏng khi có mưa to, như các cây: Su hào, cải bắp, cà chua, cải củ, cải ăn lá, bầu bí các loại, ngô ... nên có vườn ươm cây giống có mái che, làm ngô bầu, gieo ngô trên nền đất cứng sau đó 12 – 15 ngày mới đưa ra ruộng trồng. Riêng cây khoai lang có thể trồng trên nền đất ướt, sau đó đất khô ráo cày xả luống, bón phân thúc, vun cao luống.
Năm: Mỗi một địa phương cần có một ban chỉ đạo sản xuất vụ đông. Trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong sản xuất vụ đông năm nay ở địa phương để phân công rõ trách nhiệm cho từng người, từng việc cụ thể, thời gian thực hiện, khối lượng công việc hoàn thành ... Tuyệt đối không chịu trách nhiệm chung chung sẽ thất bại.
 

Tác giả bài viết: TT-TN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây