Theo báo cáo của Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước mới có vài chục cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố với tổng diện tích khoảng 4.000 ha. Trong số đó, Bến Tre có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất với hơn 3.000ha, chủ yếu là dừa. Các mô hình chăn nuôi khá hiệu quả như nuôi cá ba sa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ khoảng 10.000 ha xuất khẩu sang EU.
Việc xây dựng các Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn nước của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật và các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để bà con nông dân thực hành nông nghiệp hữu cơ và căn cứ vào đó, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng hữu cơ trong thời gian tới.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ vừa được công bố quy định cụ thể về các lĩnh vực:
• Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
• Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ
• Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ
• Nông nghiệp hữu cơ – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.
Theo bà Hà, việc xây dựng các TCVN nêu trên thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (CODEX, IFOAM), quy định và tiêu chuẩn khu vực (EU, ASEAN), tiêu chuẩn nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản hay tiêu chuẩn của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…, đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến.
Bộ tiêu chí mới mở ra nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu rau củ quả VN. Ảnh minh họa
Mặt khác, để phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh của Việt Nam, Tiểu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia đã tổ chức khảo sát, khảo nghiệm tiêu chuẩn tại một số cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ và định hướng hữu cơ và có sự góp ý cho dự thảo TCVN cho các tiêu chuẩn này.
Riêng về tiêu chuẩn Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ, bà Hà cho biết, tiêu chuẩn này được xây dựng với mục tiêu chính là đưa ra các yêu cầu cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng nhận sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn TCVN về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế.
Việc ban hành bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia. Bộ tiêu chuẩn sẽ đóng góp một vai trò quan trọng cho nền sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ổn định, bền vững.
Các tiêu chuẩn này đều nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Bộ tiêu chuẩn này có hiệu lực bắt đầu từ 29/12/2017. Đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.
Cùng với hiệu lực của bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ, Bộ KH&CN cũng ra quyết định hủy bỏ tiêu chuẩn TCVN 11041: 2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiêp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.
Tin tổng hợp trên mạng
Ý kiến bạn đọc