Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO), đến năm 2050 dân số Thế giới sẽ là 9,1 tỷ người. Diện tích đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, phát triển giao thông, công nghiệp, xây dựng nhà ở… cùng với đòi hỏi ngày càng cao về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đang là những thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt. Không những thế, biến đổi khí hậu cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn biến phức tạp ngày càng gia tăng đang gây những ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sản xuất. Mặc dù vậy, để đáp ứng nhu cầu nuôi sống nhân loại, trong 30 năm tới sản xuất lương thực, thực phẩm của Thế giới phải tăng 60% so với hiện nay.
Các quốc gia trên Thế giới đã và đang nỗ lực hợp tác, tìm kiếm các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Đây là một trong những mục tiêu cơ bản nhất trong Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Theo ước tính của một số nhà khoa học , trên trái đất có khoảng 9000 loài côn trùng và nhện, 50.000 loài vi sinh vật và 8000 loài cỏ dại có thể gây hại và làm giảm đáng kể năng suất cây trồng . Trong đó, côn trùng và nhện hại là nguyên nhân làm giảm 14%; vi sinh vật có hại làm giảm 13% và cỏ dại làm giảm 13% năng suất cây trồng (Pimentel, 2009).
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính khả thi nhất để góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực Thế giới là áp dụng các giải pháp giảm thiểu thiệt hại năng suất cây trồng do các loài sinh vật hại gây ra. Chính vì vậy, công tác bảo vệ thực vật được tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Trong ngành trồng trọt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết. Ước tính khoảng trên 35% sản lượng ngành trồng trọt trên Thế giới hiện nay có được nhờ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì năng suất cây ăn quả, rau và ngũ cốc trên Thế giới có thể giảm 78%, 54% và 32% tương ứng. Thuốc bảo vệ thực vật đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra khoảng 35-42% (Cai, 2008).
Mặc dù thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng không thể phủ nhận, nhưng việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật lại đang là một vấn đề bức xúc, một thực tế đáng lo ngại, gây ra những hậu quả không mong muốn. Tại Trung Quốc, nông dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều gấp 3 lần mức bình quân của Thế giới. Tổ chức Hòa bình xanh công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 70% lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng tại Trung Quốc không được đưa trúng đích mà thay vào đó được đưa vào đất và nguồn nước ( Fan, 2017). Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật khoảng 40% nông dân sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ nguyên tắc “ 4 đúng”. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, bằng việc áp dụng các biện pháp IPM có thế cắt giảm 50% lượng thuốc BVTV hóa học mà vẫn đảm bảo được năng suất và chất lượng cây trồng.
Việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính, mạn tính và nhiều bệnh hiểm nghèo trên người do tiếp xúc với môi trường hoặc ăn phải thực phẩm có chứa dư lượng thuốc. Không những thế, tình trạng giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng xấu đến thiên địch và các sinh vật có ích, hiện tượng kháng thuốc của sinh vật hại và bùng phát dịch hại, ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí… đã được thực tiễn chứng minh có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thuốc BVTV hóa học trong sản xuất nông nghiệp.
Giải pháp bền vững và chủ động nhất trong công tác bảo vệ thực vật là áp dụng chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó coi trọng việc sử dụng giống cây trồng chống chịu sâu bệnh, các biện pháp kỹ thuật, canh tác chăm sóc cây khỏe, bảo vệ hệ sinh thái và thiên địch, chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết và sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế hóa chất BVTV.
Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học ngày càng nhiều, kể cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Theo dự báo của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế có uy tín, giai đoạn 2019- 2024 thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ tăng trưởng khoảng 15- 17%/năm với tổng giá trị khoảng 6,6 tỷ USD vào năm 2024. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ là nơi có mức tăng trưởng cao nhất. Cũng trong giai đoạn này, giá trị phân hữu cơ vi sinh trên thị trường cũng sẽ tăng trên 10%/ năm.
Tại Việt Nam, thị trường thuốc BVTV sinh học năm 2019 được ước tính có giá trị 30,7 triệu USD, đến năm 2024 sẽ đạt 65,7 triệu USD, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm.
Các chuyên gia đưa ra 5 nguyên nhân chính quyết định việc sử dụng ngày càng nhiều thuốc BVTV sinh học để thay thế thuốc hóa học như sau:
Sản xuất nông nghiệp Thế giới vừa phải quan tâm đến việc tăng năng suất, sản lượng để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực khi dân số tăng nhanh, vừa phải giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu có nghĩa là phải đảm bảo “ tăng trưởng xanh”. Để đáp ứng yêu cầu này, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ vi sinh là một sự lựa chọn hợp lý nhất.
Sử dụng thuốc BVTV sinh học trong bảo vệ thực vật phù hợp với xu hướng thị trường đang có nhu cầu ngày càng cao đối với thực phẩm sạch, an toàn, không bị ô nhiễm các chất độc hại. Diện tích đất canh tác theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn hữu cơ… đang ngày càng tăng nhanh. Riêng tại các nước EU, giai đoạn 2012- 2016 diện tích đất canh tác hữu cơ đã tăng 18,7%. Để sản xuất ra nông sản thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn này cần phải sử dụng phân hữu cơ vi sinh và thuốc BVTV sinh học.
Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm lớn trên thị trường như Tập đoàn Tesco, Wal-Mart… và nhiều doanh nghiệp khác đã có sự thay đổi lớn về chiến lược kinh doanh, chú trọng xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị thực phẩm sạch, thân thiện môi trường, không bị nhiễm các chất độc hại nhằm phục vụ và thu hút khách hàng ngày càng tốt hơn. Như vậy, người sản xuất cần phải sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân hữu cơ vi sinh để thay thế thuốc BVTV và phân hóa học mới đáp ứng được yêu cầu này và có thị trường tốt, ổn định có giá trị cao cho nông sản của mình.
Những năm gần đây, nhiều nước trên Thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như EU, Nhật, Mỹ… đang nhập khẩu nhiều nông sản đã đưa ra những quy định pháp luật nghiêm ngặt về mức tồn dư tối đa cho phép đối với các hoạt chất thuốc BVTV trong thực phẩm và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu. Với các phương tiện kiểm tra hiện đại, người ta có thể phát hiện nhanh, chính xác được hầu hết các chất thuốc BVTV hiện có dù chỉ với một lượng vô cùng nhỏ, nếu có mặt trong nông sản thực phẩm. Để vượt qua hàng rào kỹ thuật này, sự lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả nhất của người sản xuất và xuất khẩu nông sản là sử dụng các thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học.
Những năm gần đây, các nhà khoa học tại nhiều nước đã tập trung nghiên cứu, phát triển được nhiều loại thuốc BVTV sinh học chứa các vi sinh vật có ích, nguồn gốc tự nhiên, thảo mộc… không những có hiệu lực cao mà còn có giá thành sản phẩm thấp, dễ bảo quản, dễ sử dụng… Đây sẽ là động lực cho người sản xuất, người kinh doanh và người sử dụng thuốc BVTV sinh học .
Ngoài ra, thông qua các chương trình khuyến nông và truyền thông, nhận thức, hiểu biết của nông dân về vai trò và ưu điểm của thuốc BVTV sinh học trong bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, cộng đồng và môi trường sinh thái ngày càng được nâng cao cũng là một nguyên nhân quan trọng của việc sử dụng rộng rãi hơn, hiệu quả hơn thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới.
Hiện nay, trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có khoảng 1700 hoạt chất và hỗn hợp các hoạt chất với gần 4000 tên thương phẩm thuốc BVTV, trong đó có 236 hoạt chất và 745 tên thương phẩm thuốc sinh học. Hàng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 10 nghìn tấn, chiếm khoảng 10% lượng thuốc BVTV nhập khẩu. Tuy nhiên, các loại thuốc sinh học có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật có ích hầu hết được sản xuất trong nước với quy mô nhỏ lẻ. Trong thực tế, sử dụng thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là các chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng còn rất hạn chế, ước tính mới chỉ chiếm 8-10% tổng lượng thuốc. Trong số các chế phẩm vi sinh vật được sản xuất trong nước, đáng chú ý nhất là các chế phẩm chứa nấm có ích Trichoderma spp. được nông dân sử dụng phổ biến nhất và đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, dựa chủ yếu vào thuốc hóa học vẫn là điểm yếu nhất đối với công tác BVTV ở nước ta nhiều năm qua mà thời gian tới cần tập trung mọi nỗ lực để khắc phục.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thuốc sinh học, đặc biệt là các chế phẩm sinh học còn ít được sử dụng trong sản xuất so với các thuốc hóa học có thể tóm tắt như sau:
+ Nhận thức về vai trò của thuốc BVTV sinh học và hiểu biết về cách sử dụng để đạt hiệu quả cao của thuốc sinh học còn hạn chế;
+ Thuốc BVTV vi sinh phát huy hiệu lực chậm hơn và không thấy rõ ngay như thuốc hóa học;
+ Chi phí sử dụng thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là các chế phẩm vi sinh cao hơn và trong nhiều trường hợp khó bảo quản và khó sử dụng hơn so với thuốc hóa học;
+ Các chế phẩm sinh học càng sử dụng trên diện rộng hiệu quả càng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất manh mún tại Việt Nam không khuyến khích được nông dân sử dụng thuốc sinh học;
+ Điều kiện kinh doanh thuốc BVTV nhỏ lẻ cùng với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam làm giảm chất lượng các chế phẩm sinh học nhanh; công tác quản lý chất lượng thuốc BVTV còn lỏng lẻo ảnh hưởng đến lòng tin của người sử dụng thuốc sinh học.
+ Các doanh nghiệp cung ứng thuốc hóa học có các chương trình quảng cáo, khuyến mại và mạng lưới bán hàng rất bài bản mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc sinh học nhỏ lẻ không thể cạnh tranh được.
+ Các tiến bộ kỹ thuật về thuốc BVTV sinh học trong nước còn thiếu và rất hạn chế, chất lượng chưa cao; chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành về thuốc BVTV sinh học để có những kết quả nghiên cứu có tính đột phá. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng thuốc BVTV sinh học còn yếu.
+ Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, phát triển, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Bộ Nông nghiệp và PTNT và Cục Bảo vệ thực vật có chủ trương đến năm 2021 tăng sử dụng thuốc sinh học trong BVTV lên 30% và giảm tương ứng 30% lượng thuốc hóa học. Để thực hiện được kế hoạch này và tăng cường sử dụng rộng rãi hơn nữa thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học trong những năm tới, chúng tôi thấy cần phải có một số giải pháp mang tính đồng bộ như sau:
Yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ… ở trong và ngoài nước đang là một động lực và áp lực có hiệu quả khuyến khích người sản xuất sử dụng rộng rãi thuốc BVTV sinh học và phân hữu cơ vi sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đây là một xu thế khách quan, tất yếu của Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Và đây cũng là một cơ hội và động lực mạnh mẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất, cung ứng các loại thuốc BVTV sinh học và phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam ./.
Ý kiến bạn đọc