Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5-6,0%; nâng độ che phủ rừng lên 42%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 8,5 tỷ USD. Duy trì ổn định 25 triệu việc làm.
Sẽ triển khai hàng loạt dự án đầu tư
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần nguồn vốn cho cả giai đoạn là 59.600 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển 9.460 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 5.115 tỷ đồng. Vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 45.025 tỷ đồng.
Nội dung đầu tư tập trung vào đầu tư bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng; bảo tồn voi và một số loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Đầu tư phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng: Phát triển giống cây lâm nghiệp; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất; trồng cây phân tán; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; phát triển lâm sản ngoài gỗ. Đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng. Đến năm 2020, tăng thêm khoảng 100.000 ha rừng đặc dụng. Số lượng loài nguy cấp, quý, hiếm bị đe dọa tuyệt chủng và số lượng quần thể các loài được cải thiện.
Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nội vùng, công nghiệp chế biến gỗ, dịch vụ lâm nghiệp và nâng cao giá trị sản phẩm ngành Lâm nghiệp, cụ thể: Hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp cho các đơn vị, địa phương có vùng nguyên liệu tập trung ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và dịch vụ nhằm phục vụ công tác bảo vệ rừng tại các Ban Quản lý rừng.
Xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiếp thị lâm sản (1 miền Bắc, 1 miền Trung và 1 miền Nam); hỗ trợ đầu tư chế biến gỗ rừng trồng cho các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Đầu tư, tăng cường năng lực quản lý và điều phối, giám sát ngành lâm nghiệp: Bộ NN-PTNT trực tiếp xây dựng, triển khai các dự án.
Theo Bộ NN-PTNT việc triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết nhằm:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.
Thứ hai, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong đó phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42% vào năm 2020.
Thứ ba, tiếp tục chuyển đổi mạnh mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển lâm nghiệp toàn diện theo chuỗi giá trị, đảm bảo bền vững cả về KT - XH và môi trường.
Trên tinh thần đó, xét đề nghị của Bộ KH-ĐT và Bộ NN-PTNT, ngày 16/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 886 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng
Để ra đời được Quyết định này, trước đó, Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 57 ngày 9/1/2012 của Thủ tướng về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cũng như đánh giá hiệu quả chương trình 5 triệu ha rừng.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT đã đánh giá khá toàn diện các mặt được và những tồn tại hạn chế, đồng thời đề ra các giải pháp, kiến nghị Chính phủ với mong muốn có một chủ trương mạnh mẽ hơn cho chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trong giai đoạn mới.
Rõ ràng qua phân tích, đánh giá của ngành nông nghiệp, cho thấy việc Chính phủ ban hành Quyết định 886 thay thế Quyết định 57 với những mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung đầu tư là xác đáng và hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và đúng với Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trong báo cáo của Bộ NN-PTNT tập trung đánh giá, qua hơn 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng về bảo vệ và phát triển rừng, toàn ngành nông nghiệp đã đạt những thành tựu trên nhiều mặt.
Về giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 6,57%/năm, 6 tháng đầu năm 2017, tăng 5,29%. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 39,7% năm 2011 lên 41,19% năm 2016. Về giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần. Năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD; ước cả năm đạt 7,5 đến 7,6 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp tin tưởng, với quyết tâm của Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương và nhân dân thì công tác trồng, bảo vệ chăm sóc phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn tới sẽ đạt được nhiều thành công lớn như mục tiêu đề ra.
Theo Văn Hùng báo NNVN
Ý kiến bạn đọc