SỬ DỤNG VẮC XIN TIÊM PHÒNG CHO ĐỘNG VẬT NUÔI

Chủ nhật - 29/11/2020 21:21 656 0
Nghệ An là tỉnh có ngành chăn nuôi tương đối phát triển, các trang trại, gia trại cũng như các hộ chăn nuôi nhiều, có tổng đàn gia súc gia cầm lớn nhất nhì trong cả nước, đã có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, chăn nuôi ở Nghệ An vân chủ yếu là hình thức nhỏ lẻ, manh mún, thả rông…khó kiểm soát về dịch bệnh.
Để ngành chăn nuôi phát triển có hiệu quả, ngoài các yếu tố như con giống, thức ăn, chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng tốt…thì công tác tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi đặc biệt quan trọng, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
 
Vắc xin và nguyên lý sử dụng:
 
Cơ thể động vật tồn tại hệ thống phòng vệ chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai, trong đó có các loại vi sinh vật gây bệnh.
Hệ thống phòng vệ của cơ thể bao gồm 2 hệ thống miễn dịch:
- Các yếu tố miễn dịch không đặc hiệu bao gồm (lớp phủ, các chất tiết, đại thực bào, interferon....), loại này có tác dụng bảo vệ chung không phân biệt các tác nhân gây bệnh.
- Các yếu tố miễn dịch đặc hiệu (kháng thể, tế bào có thẩm quyền miễn dịch...), chỉ có thể chống lại kháng nguyên kích thích hoặc các kháng nguyên tương ứng.
Như vậy việc tiêm phòng vắc xin đóng vai trò hết sức quan trọng trong miễn dịch đặc hiệu.
 
Vắc xin là gì?
 
- Vắc xin là những chế phẩm chứa kháng nguyên vi sinh vật dùng để kích thích hệ thống miễn dịch đặc hiệu hoạt động.
Như vậy, sau khi tiêm vắc xin 2-3 tuần, tuỳ thuộc vào tính chất và phương pháp sử dụng vắc xin, các kháng thể hoặc tế bào miễn dịch (tế bào limphô T) được tạo thành, cơ thể động vật được miễn dịch.
Các kháng thể và tế bào miễn dịch được tạo ra lưu hành chủ yếu ở trong máu lúc đó con vật nhận được miễn dịch hệ thống, còn trường hợp chúng khu trú ở trên bề mặt một hệ thống nào đó trong cơ thể thì con vật có miễn dịch tại chỗ hay cục bộ.
 - Có hai lọai vắc xin: Vắc xin sống (nhược độc) và vắc xin chết (vô hoạt).
+ Vắc xin sống: được sản xuất từ vi khuẩn, vi rút… còn sống nhưng có độc lực thấp do (Chọn lọc tự nhiên, giảm độc nhân tạo hoặc chọn lọc từ các chủng vi sinh vật có độc lực thấp (lasota, marex...).
+ Vắc xin chết hay vắc xin vô hoạt: Được chế từ các vi khuẩn, vi rút... gây bệnh được giết chết bằng các phương pháp vật lý (nhiệt độ), bức xạ, tia cực tím, hóa chất ...
+ So sánh 2 loại vắc xin: vắc xin chết an toàn hơn, nhưng có hiệu lực kém hơn.
+ Để nâng cao hiệu lực của vắc xin vô hoạt, người ta thường trộn thêm các chất bổ trợ, những chất này có tác dụng tăng khả năng sinh kháng thể và kéo dài thời gian miễn dịch của các vắc xin chết, nhưng các chất bổ trợ cũng có thể gây phản ứng tại chỗ tiêm.
 
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng vắc xin:
 
Trong thực tế sản xuất đôi khi chúng ta sử dụng vắc xin không thành công, có nghĩa là sau khi têm phòng, bệnh vẫn có thể xảy ra. Để đảm bảo vắc xin sử dụng có hiệu quả, khi tiêm phòng cần chú ý mấy điểm sau:
-  Bảo quản tốt vắc xin, nhiệt độ đảm bảo từ 2-8oC.
- Nâng cao sức đề kháng của con vật.
- Xây dựng lịch tiêm phòng hợp lý.
- Làm chủ được kỹ thuật tiêm phòng và có kinh nghiệm thực tế.
- Quản lý đàn gia súc tốt.
 
1.   Vắc xin được dùng để phòng bệnh chỉ nên sử dụng cho động vật chưa mắc bệnh, nếu tiêm cho những con vật đã nhiễm bệnh thì bệnh có thể phát ra sớm hơn, nặng hơn.
 
2.   Vắc xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được bệnh đó, không phòng được bệnh khác. Ví dụ: vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn chỉ phòng được bệnh dịch tả lợn, không phòng được bệnh tụ huyết trùng lợn...
 
3.   Hiệu quả của vắc xin phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khoẻ của vật nuôi, vì đó là kết quả đáp ứng miễn dịch của chúng. Cần chú ý rằng, trong số động vật đạt tiêu chuẩn được tiêm, không phải đều sinh miễn dịch tốt, có một số đáp ứng miễn dịch kém hoặc không có đáp ứng miễn dịch, như vậy những con vật này vẫn có thể mắc bệnh mặc dù đã được tiêm phòng.
 
4.   Sau khi tiêm phòng 2-3 tuần, cơ thể vật nuôi có đáp ứng miễn dịch, ngoại trừ các vắc xin nhược độc. Trong thời gian đó động vật vẫn có thể mắc bệnh, tình hình đó có thể đưa chúng ta đến chỗ nhận định nhầm, cho rằng vắc xin gây ra bệnh hoặc vắc xin không có hiệu lực phòng bệnh.
 
5.   Một số vắc xin thường gây ra những phản ứng dị ứng, phản ứng này xảy ra nhanh sau khi tiêm, con vật có biểu hiện bị sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp. Nếu phản ứng nhẹ thì một thời gian ngắn khi tiêm con vật sẽ trở lại trạng thái bình thường, nếu nặng có thể dẫn đến chết. Phản ứng xảy ra có thể do đặc điểm di truyền của cá thể (cơ địa) dễ bị dị ứng. Để tránh được những phản ứng nặng, điều quan trọng nhất trong thực tế đó là sau khi tiêm phòng xong phải theo dõi vật cẩn thận trong khoảng 1-2 giờ. Nếu có phản ứng dị ứng thì phải can thiệp ngay bằng các thuốc chống dị ứng (kháng histamin) như: Phenecgan, Adrenalin, Ephedrin, Vitamin C...để tránh mọi tổn thất.
 
Một số phản ứng sau khi tiêm phòng vắc xin:Được chia ra 3 loại như sau:
 
- Phản ứng sinh lý bình thường.
- Phản ứng sốc (dị ứng).
- Gia súc phát bệnh.
 
a. Phản ứng sinh lý bình thường:
 
- Khoảng 1-2 % gia súc được tiêm vác xin có phản ứng nhiệt độ.
- Không có biểu hiện bỏ ăn và triệu chứng hô hấp.
- Sau 24 giờ gia súc trở lại bình thường.
 
b. Phản ứng quá mẫn (hay phản ứng sốc):
 
Một số động vật có thể bị phản ứng trong khoảng thời gian ngay sau khi tiêm đến 2 giờ.
Triệu chứng:Mắt đờ đẫn, sùi bọt mép, nghiến răng, thở khó, cơ co giật, lông dựng, nôn mửa. Toàn thân run rẩy, loạng choạng, chảy máu ở miệng, mũi, chướng hơi và có thể dẫn đến chết.
Nguyên nhân:
+ Có thể do đặc điểm di truyền (cơ địa) của cá thể dễ bị dị ứng.
+ Do gia súc đã tiếp xúc hoặc sử dụng những chất gây quá mẫn.
+ Có thể do vắc xin.
- Cách xử lý trong trường hợp gia súc bị sốc.
+ Để con vật ở nơi thoáng mát, tránh làm con vật hoảng sợ.
+ Khẩn trương tiêm các loại thuốc chống sốc, trợ tim, trợ lực…
Hiện nay, có nhiều phác đồ can thiệp khi gia súc bị phản ứng sau tiêm phòng. Tuy nhiên phổ biến nhất hiện nay thường dùng 2 loại thuốc chống sốc gồm:Vinathazin (của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương I) hoặc Dimedrol, Adrenalin (của người).
Ngoài ra còn tiêm thêm Cafein, VitaminB1, Calci-Mg-B6, tiêm chuyền đường Glucoz 5%-30%.
   *Vinathazin (Công ty cổ phần thuốc thú y trung ương 1):
+ Công dụng chống dị ứng, ngứa gây tê, giảm đau cục bộ, trị nhiễm độc, chống hạ huyết áp…
+ Cách dùng: tiêm tĩnh mạch, dưới da hoặc tiêm bắp
+ Liều dùng: Gia súc lớn: 1ml/10kg trọng lượng/1 lần; gia súc nhỏ: 1ml/5kg trọng lượng/1 lần.
Có thể tiêm 2-3 lần/ngày. Dùng liên tục 3-4 lần/ngày hoặc lâu hơn tuỳ theo trạng thái bệnh.
Quy cách: ống nhỏ 5ml/lọ, 10-20-50-100ml/lọ.
   * Cafein (Xí nghiệp thuốc thú y trung ương):
+ Công dụng: chữa suy tim, thần kinh suy nhược, giải độc khi ngộ độc bởi thuốc mê, …
+ Cách dùng: Tiêm dưới da hay tiêm bắp
+ Liều dùng: trâu bò, ngựa 10-20ml/ngày; dê cừu lợn: 2-5ml/ngày
+ Quy cách: 5ml/ống, 50 ống/hộp.
   * Vitamin B1:
   + Công dụng: chữa tê phù, đau dây thần kinh, cơ thể suy nhược lúc chửa đẻ, mới ốm dậy, kích thích tiêu hoá.
+ Cách dùng: tiêm bắp
+ Liều dùng: trâu bò ngựa: 4-6ml, Lợn dê cừu chó 2-5ml
* Calci-Mg-B6(Công ty TNHH thuốc thú y Việt Nam):
+ Công dụng: Bại liệt, co dật, táo bón, dị ứng, đặc biệt trong trường hợp nhiễm độc thần kinh do độc tố virút, vi khuẩn, sưng phù đầu, rối loạn hấp thu, nhiễm độc gan…
+ Cách dùng: tiêm bắp hoặc uống
+ Liều dùng: Trâu, bò: 30-50ml/con/ngày; Lợn, bê, nghé, dê, cừu: 10-20ml/con/ngày.
Sử dụng 1lần/ngày, dùng 3-5 ngày.  
* Glucôz:
  Là đương ffdơn 6 carbon, dùng theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để điều trị thiếu hụt đường và dịch.
* Dimedrol 10mg/1ml (thuốc của người).
+ Công dụng: Kháng Histamin H1, có tác dụng an thần, chống nôn và chống co thắt.
Chỉ định: Các bệnh do dị ứng. Sử dụng trong choáng phản vệ với vai trò hỗ trợ Adrenalin và các thuốc chống choáng phản vệ khác.
+ Cách dùng: Tiêm bắp sâu hoặc tĩnh mạch.
+ Liều dùng: Người lớn: 10-50ng/ngày; trẻ em: 5mg/kg/ngày.
* Adrenalin (thuốc của người)
+ Chỉ định: Cấp cứu sốc phản vệ, cấp cứu ngừng tim đột ngột.
+ Liều lượng: Có thể dùng 1mg/lần, 2mg/ngày.
+ Cách dùng: Tiêm dưới da hoặc chuyền tĩnh mạch.
* kích thích tất cả các cơ quan trong cơ thể: Tăng nhịp tim, kích thích hô hấp
Ngoài các loại thuốc trên, có thể dùng: Phenecgan, Adrenalin (của người), Ephedrin, Anagin, long não nước, Vitamin B1, C…
Liều lượng, đường tiêm: Theo hướng dẫn của Nhà sản xuất.
 
c. Gia súc phát bệnh:
 
- Thường gặp khi tiêm vác xin vào những gia súc mang mầm bệnh hoặc đang ở giai đoạn ủ bệnh.
- Bệnh thường xuất hiện sau khi tiêm 24 giờ hoặc 48 giờ, với các biểu hiện mệt mỏi, ăn ít hoặc bỏ ăn kèm theo sốt cao, thở khó, chảy nước mũi…
Cách xử lý khi gia súc phát bệnh:
- Cách ly ra khỏi đàn, tuỳ theo tính chất từng loại dịch bệnh mà có cách xử lý khác nhau. Bệnh do vi khuẩn thì trị bằng kháng sinh (streptomycin, penicillin hoặc các kháng sinh khác); bệnh do virus như LMLM, Dịch tả lợn thì xử lý như có dịch xảy ra.
- Kết hợp với chăm sóc nuôi dưỡng và công tác vệ sinh phòng bệnh triệt để.
 
 6. Không nên dùng vắc xin cho những động vật quá non vì cơ năng chưa hoàn chỉnh, đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin còn rất yếu. Mặt khác, những vật non còn có kháng thể của con mẹ truyền sang, những kháng thể đó có thể ngăn cản vắc xin phát huy tác dụng.
 
7.     Đối với động vật đang mang thai phải hết sức thận trọng khi sử dụng vắc xin. Nên sử dụng vắc xin trước khi phối giống 3 tuần hoặc vào khoảng 1/3 cuối của thời kỳ mang thai, nhằm tạo hàm lượng kháng thể cao trong sữa đầu.
 
8.    Số lần sử dụng vắc xin: Khi dùng vắc xin lần đầu, khoảng độ 1 tuần sau tiêm thì trong máu của động vật mới bắt đầu có kháng thể, hàm lượng kháng thể còn thấp và giảm đi rất nhanh đó là đặc điểm của đáp ứng miễn dịch lần đầu. Để khắc phục hiện tượng đó cần phải tiêm vắc xin nhắc lại lần 2 cách lần thứ nhất khoảng 4 tuần, đáp ứng miễn dịch lần này sẽ mạnh hơn, tồn tại lâu hơn, đáp ứng này gọi là đáp ứng miễn dịch lần 2 hay còn gọi là đáp ứng miễn dịch thứ phát.
 
9.   Liều vắc xin: Phải sử dụng đúng liều quy định theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu sử dụng liều thấp thì lượng kháng thể sinh ra thấp dẫn đến khả năng đáp ứng miễn dịch thấp. Nếu sử dụng liều vắc xin cao quá thì có thế làm tê liệt khả năng đáp ứng miễn dịch dẫn đến không có kháng thể miễn dịch.
10.   Kết hợp vắc xin: Một số vắc xin có thể dùng kết hợp, không phải trộn vào nhau mà tiêm cùng một lúc ở những vị trí khác nhau.
 
11.   Bảo quản vắc xin: là điều hết sức quan trọng vì nó quyết định đến chất lượng vắc xin và hiệu lực của vắc xin, bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2-100C (Không bảo quản vắc xin ở nhiệt độ âm, không bỏ vắc xin trực tiếp vào đá lạnh…), trước khi tiêm vào cơ thể động vật phải đảm bảo nhiệt độ khoảng 20-250C.
 
12.   Kiểm tra lọ vắc xin trước khi sử dụng: Kiểm tra vật lý, kiểm tra chủng loại vắc xin có đúng nhu cầu sử dụng không, thời hạn dùng, số lô, số liều trong một lọ... Những chi tiết này phải ghi lại trong sổ theo dõi tiêm phòng để tra cứu về sau nếu có sự cố xẩy ra. Nên đánh số các lọ thuốc để biết được lọ nào đã tiêm cho gia súc nào, của ai...
 
Tuy nhiên, trong thực tế đã có nhiều trường hợp gia súc bị sốc thuốc, thú y cơ sở xử lý muộn, gia súc đã bị chết. Do vậy, để chủ động can thiệp khi gia súc bị phản ứng do tiêm phòng, cán bộ thú y cơ sở cần có túi thuốc cấp cứu chống sốc phản vệ mang theo để can thiệp kịp thời./.
 
 

Tác giả bài viết: Đặng Văn Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây