Chủ trì Hội thảo gồm: Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An; Tiến sĩ Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng Viện Sử học; Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Sử học; ông Hoàng Viết Đường - Chủ tịch Hội đồng họ Hoàng/Huỳnh tỉnh Nghệ An.
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An; Hội đồng họ Hoàng - Huỳnh Việt Nam và các nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Công Kiên
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng Viện Sử học nêu rõ: Nhân dịp kỷ niệm 770 năm năm sinh Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn (1254 - 2024), với mục đích làm rõ hơn về thân thế, sự nghiệp cũng như đánh giá, vai trò, đóng góp của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn với lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV; từ đó, nêu lên những định hướng, giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích gắn với ông, góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biển đảo của đất nước trong bối cảnh mới; Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phối hợp với Viện Sử học và Hội đồng dòng họ Hoàng - Huỳnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn (1254 - 1339).
Chủ trì Hội thảo. Ảnh: Công Kiên
Vấn đề đặt ra là ngày nay chúng ta cần bảo tồn, trao truyền và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa (bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu) gắn với Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đưa ra những kiến nghị, giải pháp hữu hiệu để các cấp, các ngành cùng thế hệ con cháu dòng họ Hoàng - Huỳnh tham khảo, từ đó có những phương án bảo tồn và phát huy hữu hiệu, đạt hiệu quả cao nhất…
Tiến sĩ Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng Viện Sử học phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Công Kiên
Hội thảo quy tụ 29 tham luận và ý kiến trao đổi của các nhà khoa học ở Trung ương, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu ở các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh , Thanh Hóa và đại diện một số chi họ Hoàng ở Nghệ An, Vĩnh Phúc…
Nội dung các bản tham luận tập trung vào 3 chủ đề chính: Quê hương và thân thế của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn; sự nghiệp của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn; Sát Hải Đại vương trong tâm thức nhân dân và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Các tham luận đều đề cập đến vấn đề phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa (bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu) gắn với Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn. Ảnh: Công Kiên
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bộ Tư lệnh Hải quân, dòng họ Hoàng/Huỳnh Việt Nam và các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với di tích gốc của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn tại quê hương Vạn Phần; bổ sung những thông tin liên quan đến Sát Hải Đại vương vào chính sử, góp phần tô thắm lịch sử chống giặc giữ nước của dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long kết luận Hội thảo. Ảnh: Công Kiên
Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Diễn Châu và Hội đồng họ Hoàng - Huỳnh Nghệ An tham mưu thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích Mộ và Đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu; tham mưu phương án mở rộng khuôn viên, phát huy giá trị di tích. Nghiên cứu, đề xuất lấy tên Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn đặt tên đường hoặc các công trình văn hóa, giáo dục trên địa bàn, nhất là các địa phương ven biển,…
"
Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn quê tại xã Vạn Phần nay là xã Diễn Vạn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, sinh ngày 16/6 năm Giáp Dần 1254, mất ngày 15/03 năm Kỷ Mão (1339). Ngài có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1287 - 1288), đặc biệt là trận đánh trên sông Bạch Đằng tháng 3 năm Mậu Tý 1288. Dưới sự chỉ huy tài tình của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Sát Hải Đại vương cùng quân và dân ta đã đánh tan đội quân thủy binh rất hùng mạnh của quân Nguyên Mông và bắt sống được Ô Mã Nhi cùng nhiều tướng giặc.Ngài được triều đình nhà Trần lúc bấy giờ phong là Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân, tước Minh Tự, làm chính tướng thống lĩnh các cửa biển vùng duyên hải. Sau khi mất, Sát Hải Đại vương đã được Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ, theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 70 đền thờ ngài ở ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tác giả bài viết: NPV
Ý kiến bạn đọc