Ấm áp, sum vầy Rằm tháng Bảy trên các miền quê Nghệ An
Chủ nhật - 18/08/2024 22:441300
Với người Nghệ, Rằm tháng Bảy là ngày lễ quan trọng, linh thiêng: “Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”. Mỗi dịp Rằm, người dân các địa phương trong tỉnh lại náo nức chuẩn bị đón Rằm, cúng Rằm, cùng nhau hướng về nguồn cội, tổ tiên, dòng tộc với tấm lòng tri ân, thành kính.
Cả năm được Rằm tháng Bảy Sáng ngày Rằm, anh Phan Công Phúc (20 tuổi) ở xã Nam Thành (Yên Thành) cùng mẹ dậy sớm làm gà, hông xôi, chuẩn bị chu tất 2 cỗ xôi gà, 1 cỗ để cúng gia tiên, 1 cỗ đội đi cúng ở nhà thờ. Anh Phúc cho biết, anh đang học năm thứ 2, Trường Đại học Thương mại (Hà Nội). Đêm 13/7 âm lịch, anh vội vã bắt xe ô tô về quê với tâm trạng náo nức để được ăn Rằm tháng Bảy cùng gia đình. Theo anh Phúc, anh về Rằm để thay mặt anh em dòng họ cúng ông bà, tổ tiên và cúng cha mình, vừa là trách nhiệm, vừa để thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân những người đã khuất. Bàn thờ gia tiên ngày Rằm tháng Bảy của một gia đình tại xã Đại Đồng (Thanh Chương). Ảnh: An Nam Nhà thờ họ Phan của anh, từ ngày 13 âm lịch, con cháu đã tập trung lau chùi đồ tế khí, bài trí bàn thờ, vật phẩm tại từ đường. Đêm 14 và ngày 15, con cháu trong họ sẽ chơi trống tế liên tục. Đêm 14, anh em trong họ sẽ làm cỗ xôi gà để cúng đêm. Sáng ngày Rằm, sau khi cúng tổ tiên tại nhà thờ xong, anh mới quay về nhà cúng gia tiên. “Tôi cảm thấy rất vui vì mình đã sắp xếp được thời gian để về ăn Rằm tháng Bảy ở quê, để tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên và với cha” – anh Phúc nói. Với người dân làng biển xã Nghi Thiết, (Nghi Lộc), một vùng quê có bề dày trầm tích lịch sử văn hóa, hiện còn lưu giữ nhiều di tích cổ kính, nhiều phong tục lễ nghi cổ truyền đón Rằm tháng Bảy trong niềm hân hoan kỷ niệm 70 năm thành lập xã. Anh Đậu Văn Thắng – Bí thư Đoàn xã Nghi Thiết chia sẻ, để ăn Rằm tháng Bảy, từ ngày 13, theo phong tục, các dòng họ đều huy động con cháu về nhà thờ để dọn dẹp, lau chùi, vệ sinh khuôn viên sạch sẽ, treo cờ Tổ quốc và cờ hội. Bắt đầu từ chiều ngày 14, các nhà thờ họ sẽ đồng loạt đăng hương. Trong không khí chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập xã Nghi Thiết, địa phương đã triển khai các hoạt động thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ, vận động nhân dân vệ sinh đường làng ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc trước nhà, dọc các tuyến đường… khiến ngày Rằm thêm phần sôi động và ấm cúng. Với người dân huyện Thanh Chương, không khí chuẩn bị đón Rằm, cúng Rằm tháng Bảy cũng náo nức “không khác chi ngày Tết”. Họ Trần Đình là dòng họ lớn ở xã Đồng Văn có hai nhà thờ đại tôn: nhà thờ cửa anh ở xóm Luân Phượng do ông Trần Đình Đại làm tộc trưởng; nhà thờ cửa em ở xóm Tiên Quánh do ông Trần Đình Cung làm tộc trưởng. Từ hai nhà thờ đại tôn này phát triển ra các chi. Rằm tháng Bảy, các nhà thờ họ Trần Đình đều tổ chức ăn Rằm to, con cháu trên khắp mọi miền đều về quê cúng Rằm. Từ ngày 12, các trưởng tộc đã thông báo yêu cầu con cháu tập trung về nhà thờ tổ quét dọn vệ sinh, trang trí lại từ đường, đi tảo mộ… Tối ngày 14, tại nhà thờ tổ và nhà thờ các chi đều làm lễ tế. Ngày 15, để làm lễ cúng Rằm, mỗi nhà ít nhất cũng phải soạn hai mâm cỗ trở lên, gồm một mâm cỗ đi cúng nhà thờ và một mâm cỗ cúng gia tiên. Một số nhà còn làm 3 - 4 mâm cỗ. Cỗ đi cúng nhà thờ là cỗ xôi gà với đủ các kiểu gà như gà nằm, gà đứng, gà bay... rất độc đáo. Sau khi cúng tế, tùy từng chi họ có thể tổ chức ăn uống tại nhà thờ hoặc phân tán về từng nhà. Đa số phân tán về từng nhà, riêng nhà thờ là nơi để “dành” cho con cháu ở xa về, cúng tế xong được ăn uống, giao lưu tại đây. Việc bố trí cho con cháu ở xa về được đón tiếp, ăn nghỉ tại nhà thờ là nét độc đáo của dòng họ. Không chỉ ở Yên Thành, Nghi Lộc, Thanh Chương… mà nhiều vùng quê khác ở Nghệ An như Nam Đàn, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… cũng tổ chức làm Rằm, ăn Rằm với không khí nhộn nhịp, tưng bừng, ấm cúng. Rằm tháng Bảy gắn liền với lễ Vu Lan báo hiếu, thể hiện đạo hiếu của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tri ân các đấng sinh thành, nhớ về tiên tổ, nguồn cội, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Hướng về cội nguồn, lan tỏa giá trị truyền thống Năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho người dân các địa phương trong tỉnh đón Rằm (mua sắm lễ vật, tảo mộ tổ tiên, hành hương về các nhà thờ). Trước Rằm, con em đi làm ăn xa về quê khá đông. Việc chuẩn bị đón Rằm ở các địa phương cũng khá nhộn nhịp, nhất là việc mua sắm ở các chợ quê, trang trí bàn thờ gia tiên, từ đường của các họ tộc. Một số dòng họ, con cháu tập trung đi tảo mộ đông như đi hội. Việc chuẩn bị thực phẩm, vật phẩm để cúng tế tại nhà thờ được các dòng họ quan tâm. Anh Nguyễn Văn Tuân ở xã Nam Cát (Nam Đàn) chia sẻ: “Để làm Rằm tháng Bảy, họ tộc giao cho tôi tổ chức đi chợ mua sắm gà, nếp, hương hoa... về bày biện bàn thờ, mâm cỗ để cúng tổ tiên”. Mâm cỗ ngày Rằm thường là xôi hông, gà luộc hoặc xôi hông, lợn luộc, nên nhiều họ đã chọn mua lợn, gà từ trước đó nhiều ngày. Một số nhóm gia đình cũng đã chung lợn, mổ lợn để đón Rằm. Nhiều dòng họ quy định các gia đình tổ chức biện lễ riêng, tự bày soạn mâm cỗ. Mỗi nhà làm một mâm cỗ, sáng ngày Rằm đội đến nhà thờ để cúng. Anh Nguyễn Văn Hữu ở xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) chia sẻ: “Mỗi dịp Rằm tháng Bảy, làm cỗ xong, tôi cùng các con lại về nhà thờ họ ở xóm 9 xã Xuân Lam, trước để cúng Rằm, thắp hương cho tổ tiên, sau để con biết mặt anh em trong họ". Cúng Rằm tại các nhà thờ họ được tổ chức một cách trang trọng với các lễ nghi truyền thống, như dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế… Ban nghi lễ có thể mặc thường phục hoặc mặc áo dài đội khăn xếp, trang phục chỉnh tề, có chủ tế, xướng lễ, hành lễ trong tiếng trống chiêng phụ họa. Giữa khói hương nghi ngút, tiếng trống ngân vang, lễ cúng tổ tại nhà thờ họ diễn ra một cách trang trọng, linh thiêng. Các đội nhạc của những dòng họ lớn thường tập luyện nhuần nhuyễn để chơi trong ngày Rằm và phục vụ lễ tế tổ. Sau khi làm lễ tế tổ, các dòng họ thường báo công với tổ tiên những thành tích mà con cháu trong họ đã đạt được. Ban khuyến học của một số họ tộc đã tổ chức tuyên dương, tặng giấy khen, trao quà khuyến học, khuyến tài cho con em trong họ. Ngày Rằm tháng Bảy không chỉ là ngày lễ quan trọng hướng về cội nguồn, tiên tổ, một dịp để mọi người quây quần, giao lưu, trao đổi về huyết thống, họ hàng, hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn, thắt chặt tình cảm anh em, mà còn là không gian để vinh danh thành tích học tập, lao động, cống hiến của con cháu, động viên cổ vũ sự học của các gia đình, của dòng tộc. Dịp này, nhiều người con xa quê, đang lao động, học tập ở nước ngoài không thể về ăn Rằm cùng gia đình được, cảm thấy nhớ quê hương, gia đình đến nao lòng. Em Lê Anh Huy quê xã Long Thành (Yên Thành) đang làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ: “Tôi xa quê sang Hàn Quốc đã 4 năm nay. Mỗi dịp Rằm tháng Bảy về lại bâng khuâng khó tả. Ngày thường đã thấy nhớ nhà nhớ cha mẹ, ngày Rằm nỗi nhớ ấy càng nhân lên gấp bội, đặc biệt là khi thấy anh em bạn bè được về quê ăn Rằm, đăng ảnh ngày Rằm lên mạng xã hội”. Đất nước, quê hương đang từng ngày thay da đổi thịt, việc tổ chức cúng Rằm, ăn Rằm tháng Bảy của người dân xứ Nghệ dường như cũng sôi động hơn, ấm cúng hơn, thiết thực hơn. Bên cạnh sự cách tân, biến đổi ít nhiều về hình thức để phù hợp hơn với lối sống mới, thì nghi thức truyền thống, tinh thần nhân văn của ngày Rằm tháng Bảy vẫn mãi được bảo tồn, phát huy và lan tỏa trong cuộc sống hôm nay.