Hai mảng màu đối lập của đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ sáu - 08/12/2023 03:19 69 0
Dân số Nghệ An khoảng 3,4 triệu người, trong đó vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm hơn 1/3, công tác đào tạo nghề cho đồng bào nơi đây thực sự cấp thiết.
Hai mảng màu đối lập của đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động khu vực miền Tây Nghệ An là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Ảnh: Việt Khánh

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương lớn của Chính phủ. Sau 2 năm thực hiện chương trình tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tại vùng cao Nghệ An, ở chiều ngược lại vẫn còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ.

Thực hiện Đề án 104 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm ổn định gắn với đẩy mạnh xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Tương Dương giai đoạn 2021 - 2025”, 17 xã, thị trấn và khối bản đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến 100% hộ dân, đồng thời tận dụng lồng ghép với các nội dung liên quan trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Lao động tại những xã biên giới như Tam Hợp (Tương Dương) rất 'khát' việc làm. Ảnh: Việt Khánh.

Lao động tại những xã biên giới như Tam Hợp (Tương Dương) rất "khát" việc làm. Ảnh: Việt Khánh

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức biên soạn giáo trình đào tạo và xây dựng tài liệu trên các lĩnh vực cần tư vấn, cũng như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng cho cán bộ cấp xã về dạy nghề, việc làm. Mặt khác, chủ động khâu nối với Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khác tổ chức 30 phiên giao dịch tư vấn miễn phí cho lao động.

Trong 2 năm thực hiện, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên. Lao động sau đào tạo và huấn luyện nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước, hay đi xuất khẩu lao động.

Để lao động tiếp cận được môi trường mới, qua đó tìm kiếm được vị trí việc làm phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, cũng như hoàn thành chỉ tiêu của Đề án 104, 2 năm qua các đơn vị chuyên ngành của huyện Tương Dương đã tổ chức làm việc với Công ty Cổ phần Mirai International, Công ty cổ phần Hợp tác quốc tế NEWWAY, Công ty cổ phần Thương mại Phúc Chiến Thắng, những cái tên quen mặt trong lĩnh vực “việc làm” để nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và thị trường xuất khẩu lao đông, du học để chủ động xây dựng lộ trình bài bản, sát sườn nhất,…

Nhập cuộc quyết liệt đã mang lại thành quả tương xứng, sau 2 năm đã giải quyết việc làm mới cho 7.246/8.000 lao động, đạt 90% kế hoạch đề án (lao động trong tỉnh 1.352 người, lao động ngoại tỉnh 5.894 người); 520/600 người đi xuất khẩu lao động, đạt 87% kế hoạch, điểm đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cùng một số nước trong khu vực.

Nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của lao động miền núi rất nhiều. Ảnh: Việt Khánh.

Nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của lao động miền núi rất nhiều. Ảnh: Việt Khánh

Bên cạnh tín hiệu tích cực thì công tác đào tạo, huấn luyện nghề tại Tương Dương vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bắt nguồn từ trình độ kỹ thuật hạn hẹp, đa phần là lao động thủ công, thiếu kỹ năng mềm khi tiếp cận các thị trường khó tính. Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu, đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu, lại hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn.

Về nguyên nhân khách quan, lực cản phải kể đến trình độ văn hóa của đa số học viên còn thấp, độ tuổi không đồng đều, công tác định hướng phân luồng cho học sinh THCS, THPT chưa hiệu quả.

Khó khăn nữa đến từ chính sách hỗ trợ tiền ăn, đi lại (Quyết định số 46/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, học viên là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ định mức 30.000 đồng/người/ngày là quá thấp, nhìn chung không đủ trang trải trong quá trình tham gia học nghề.

Ông Lê Văn Quê, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quế Phong chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tuyển sinh. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Lê Văn Quê, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quế Phong chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tuyển sinh. Ảnh: Việt Khánh.

Không riêng gì Tương Dương, đây là trăn trở chung của các huyện ở miền Tây xứ Nghệ. Rà soát từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện này cho thấy nhu cầu học nghề của người dân rất nhiều nhưng hầu hết chỉ trông chờ vào chế độ, chính sách của Nhà nước, tuy nhiên nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn ít, cơ bản không đáp ứng được nhu cầu.

ông Lê Văn Quê, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quế Phong chia sẻ: “Căn cứ vào nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đặt mục tiêu mở 10 lớp, thu hút 350 học viên tham gia trong năm 2023”.

Một khi tháo gỡ được các nút thắt, công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng. Ảnh: Việt Khánh. 

Một khi tháo gỡ được các nút thắt, công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng. Ảnh: Việt Khánh

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây