Kinh tế tuần hoàn và tài nguyên chất thải

Thứ tư - 08/11/2023 10:24 123 0
​​​​​​​Nền kinh tế tuần hoàn cung cấp xương sống cho chính sách công, giúp hỗ trợ phát triển công nghiệp xanh trong bối cảnh môi trường thu hút sự quan tâm toàn cầu. Mục tiêu của Kinh tế tuần hoàn là tách rời tăng trưởng kinh tế ra khỏi khai thác và sử dụng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Cuộc cách mạng công nghiệp xanh lần này, hứa hẹn sẽ thúc đẩy tiến bộ trong công nghiệp và công bằng toàn diện cho kinh tế, xã hội và môi trường.
Kinh tế tuần hoàn và tài nguyên chất thải

Kinh tế tuần hoàn sử dụng triệt để tài nguyên chất thải

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở thúc đẩy chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, tu sửa, tân trang và tái chế các vật liệu và sản phẩm hiện có, càng lâu càng tốt. Nền kinh tế tuần hoàn làm giảm việc sử dụng vật liệu mới; thiết kế lại vật liệu, sản phẩm và dịch vụ từ nguồn “tài nguyên chất thải” để sản xuất vật liệu, sản phẩm và dịch vụ mới.

Khác với nền kinh tế tuyến tính (đường thẳng): sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ; nền kinh tế tuần hoàn thực hiện lưu thông tuần hoàn trong chuỗi giá trị: điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ chất thải, tái sử dụng, tái chế, tái sản xuất, tái khai thác chất thải trên cơ sở phát triển sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và chia sẻ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.

Như vậy, Kinh tế tuần hoàn được hiểu là nền kinh tế làm giảm mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, bằng việc thu hồi vật liệu từ dòng chất thải, để tái chế hoặc tái sử dụng; kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu trong nền kinh tế; và khai thác tiềm năng của nền kinh tế dịch vụ và chia sẻ. Các nhà hoạch định chính sách có thể tạo ra các mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn và tiết kiệm tài nguyên khác nhau, khi thiết kế các gói chính sách khác nhau. Thực tế, Hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc (DRS), được bổ sung bằng các công cụ chính sách trong Trách nhiệm mở rộng bắt buộc của nhà sản xuất (EPR), đã khuyến khích các thiết kế sinh thái; cải thiện chất lượng, số lượng tái chế và tái sử dụng của nhà sản xuất.

Chính sách mở lối cho Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chế hóa một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong việc sử dụng các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí Bảo vệ môi trường; mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, phát triển thị trường các bon, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường; phân loại chất thải tại nguồn,thu phí chất thải dựa trên khối lượng, tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất;...

Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh; huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh; khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng, phát thải các bon thấp.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trình Liên hợp quốc, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế. Và Việt Nam cũng trở thành quốc gia thứ 3 trên toàn cầu, đạt được thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP). Đây là cơ chế tài trợ đa phương của các nước phát triển, hỗ trợ các nước đang phát triển, trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải và đẩy nhanh việc loại bỏ than.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây