Bị côn trùng chích hút, nhiều vườn cam Nghệ An rụng quả hàng loạt

Thứ năm - 23/11/2023 03:27 124 0
Hiện các vườn cam trên địa bàn tỉnh đã vào mùa thu hoạch, thế nhưng, không chỉ diện tích giảm mạnh so với những năm trước đây, mà năng suất và sản lượng cam cũng sụt giảm do nhiều vườn cam bị rụng quả hàng loạt. 
Bị côn trùng chích hút, nhiều vườn cam Nghệ An rụng quả hàng loạt

Cam rụng quả hàng loạt

Từ ngày 10/11 dương lịch, 3 ha cam của gia đình ông Phan Văn Bảo ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành) bắt đầu vào vụ thu hoạch. Vườn cam trĩu quả, trên cây quả chín mọng, vàng ươm, nhưng dưới gốc, những quả cam chín vàng cũng rụng nằm la liệt. “Năm nay, ruồi vàng gây hại từ tháng 8, mật độ cao gấp 2- 3 lần so với mọi năm, trong xóm có vườn rụng tới một nửa số lượng quả”, ông Bảo cho hay.

bna_ quả cam thối rụng. Ảnh- Phú Hương.jpg

Cam chín thối rụng do bị ruồi vàng gây hại. Ảnh: Phú Hương

3 tháng nay, ông đã sử dụng đủ các biện pháp từ bẫy bả, bẫy đèn để bắt ruồi vàng và con ngài đêm, nhưng vườn cam vẫn bị rụng quả từ cách đây hơn 1 tháng và hiện vẫn đang tiếp tục rụng, đến nay, gia đình ông đã mất khoảng gần 15% sản lượng quả trên vườn, thiệt hại gấp đôi so với mọi năm.

Huyện Yên Thành hiện có 320 ha cam, trong đó, khoảng 250 ha trong thời kỳ kinh doanh, đang cho thu hoạch, tập trung ở các xã Đồng Thành, Minh Thành, Tiến Thành… Phát triển sau, đầu tư tốt nên hầu hết diện tích cam này cho năng suất và chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, hầu như năm nào người trồng cam cũng bị thiệt hại do ruồi vàng và ngài đêm.

bna_ thu dọn. Ảnh- Phú Hương.jpg

Vườn cam đến thời kỳ thu hoạch của ông Phan Văn Bảo bị rụng quả hàng loạt. Ảnh: Phú Hương

Bà Phan Thị Phương - cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Thường thì 2 đối tượng này bắt đầu gây hại trên cam từ khoảng Rằm tháng Bảy âm lịch, nhưng năm nay chúng xuất hiện và gây hại sớm hơn 1 tháng; số lượng và mức độ gây hại cũng nhiều hơn, hầu như vườn cam nào cũng bị, nhất là con ngài đêm, với khoảng 80% cam rụng quả do ngài đêm chích hút.

“Người dân cũng đã tích cực phòng trừ bằng bẫy, đèn nhưng không thể triệt để được. Mấy năm nay, một số hộ trồng cam như ông Nguyễn Cảnh Đoàn (xã Xuân Thành), Nguyễn Đình Ân (Đồng Thành)… đã phủ màn cho cam, ruồi vàng và ngài đêm đỡ hẳn, nhưng lại có nhược điểm là vào thời kỳ sương mù nhiều lại kéo theo nấm trên ngọn, khó khăn xử lý nấm ở vụ sau nên chưa nhiều hộ dân áp dụng”, bà Phan Thị Phương cho hay.

bna_ cam phủ màn. Ảnh- Phú Hương.jpg

Một số hộ trồng cam tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành đã phủ màn nhằm hạn chế côn trùng xâm nhập, gây hại cho cam. Ảnh: Phú Hương

Phòng trừ kịp thời bằng các biện pháp tổng hợp

Có 4 ha cam, từ mấy năm nay, gia đình bà Thái Thị Hoa ở xóm Tổng đội, xã Thanh Đức (Thanh Chương) đã phủ màn chống côn trùng trên diện tích 2/3 vườn. Theo bà Hoa, hầu như năm nào vườn cam cũng bị rụng quả do ruồi vàng và con ngài đêm, nhưng từ khi phủ màn thì hiện tượng đó đỡ hẳn.

Cam được phủ bằng màn cước trắng, tuy giá thành đắt hơn dùng màn tuyn như một số vùng khác (khoảng 200.000 đồng/gốc cam), nhưng màn thoáng nên không gây nấm trên ngọn, lại tận dụng dùng được 3- 4 năm. “Năm nay, ruồi vàng và bướm lâm nghiệp gây hại ít hơn nhưng lại có thêm bọ xít, muỗi chích hút gây hại từ tháng Bảy dương lịch, khi quả cam bắt đầu có vị chua, những quả cam bị côn trùng chích hút đều to đẹp, ngon ngọt nên rất tiếc”, bà Hoa cho biết.

bna_ cam TC. Ảnh- Phú Hương.jpg

Những gốc cam được phủ màn ở xã Thanh Đức (Thanh Chương). Ảnh: Phú Hương

Hợp tác xã cam Thanh Đức hiện có gần 60 ha cam đang cho thu hoạch. Theo ông Phạm Bá Nga - Giám đốc Hợp tác xã, thì năm nào ruồi vàng và bướm lâm nghiệp cũng gây hại ở hầu hết các vườn cam, năm nay tỷ lệ rụng quả ở các vườn khoảng 10 - 15%. Đến nay, có khoảng 30% diện tích cam của Hợp tác xã đã được phủ màn chống côn trùng. Tuy nhiên, do diện tích lớn, chi phí cao, lại bó ngọn làm cây khó phát triển nên một số hộ dân vẫn chưa “mặn mà” với phương thức này.

Thời kỳ “hoàng kim” những năm trước đây, Nghệ An có gần 5.000 ha cam, nhưng hiện nay, theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệt thực vật tỉnh, trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 1.800 ha, tập trung ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành,… Không chỉ diện tích sụt giảm mạnh, mà những năm qua, sản lượng cam cũng bị ảnh hưởng do hiện tượng cam rụng quả, có những năm nhiều vườn cam ở các huyện: Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp,… gần như mất trắng. Ngoài những nguyên nhân khác như nấm bệnh, thì côn trùng gây hại như ruồi vàng, ngài đêm,… là một trong những mối nguy hại chính làm cam rụng quả hàng loạt, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cam.

bna- thu dọn. Ảnh- Phú Hương.jpg

Người dân thu dọn cam rụng trong vườn để giảm nguồn dẫn dụ côn trùng gây hại. Ảnh: Phú Hương

Ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệt thực vật tỉnh cho biết: Khó khăn nhất trong phòng trừ, đó là ruồi vàng, bướm lâm nghiệp đều là đối tượng di chuyển, không cố định gây hại ở một nơi nên không phun thuốc phòng trừ được, chỉ có thể dùng bẫy, đèn, bao quả và trùm màn ngăn chặn côn trùng gây hại; tuy nhiên, đây đều là các phương pháp thủ công, hiệu quả không cao, không thể hạn chế triệt để.

“Để hạn chế tác hại, do côn trùng gây ra, ngay khi quả cam bắt đầu chuyển mã, tích lũy đường, cần thực hiện sớm và thường xuyên các biện pháp phòng trừ. Với những quả rụng trong vườn, cần dọn sạch vì quả cam chín rụng, lên men là đối tượng dẫn dụ côn trùng theo đến”.
Ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệt thực vật tỉnh

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây