NỖI LO BỆNH HEN SUYỄN DỄ TẠI PHÁT TRONG MÙA LẠNH

Thứ tư - 10/03/2021 21:37 303 0
Bệnh hen suyễn gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng với người cao tuổi (NCT), bệnh có thể dễ tái phát, tăng nặng, nhất là lúc thời tiết thất thường, lạnh, mưa, khô hanh hoặc ẩm ướt. Vì vậy, cần hết sức đề phòng cơn hen tái phát, cấp tính.
NỖI LO BỆNH HEN SUYỄN DỄ TẠI PHÁT TRONG MÙA LẠNH
Hen suyễn là một bệnh cấp hoặc mãn tính thuộc đường hô hấp. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và đều có thể gây nguy hiểm NCT thì càng cần thận trọng hơn vì tuổi cao, sức đề kháng đã kém. Đặc biệt, những tháng mùa đông này là lúc thời tiết giá rét, khô, hanh, ngày có thể nắng nhưng đêm đến nhiệt độ hạ thấp, nhiều khi nhiệt độ chêch lệch giữa ngày và đêm lên đến cả chục độ.
Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn
Hen suyễn, đôi khi yên lặng, bỗng nhiên xuất hiện. Bệnh hen suyễn có thể bị mắc từ lúc còn rất nhỏ tuổi mà người ta thường gọi là “hen sữa”, ở trẻ em gọi là hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt. Có nhiều trường hợp càng lớn lên thì bệnh có xu hướng thuyên giảm và hết hẳn, nhưng cũng có không ít trường hợp bệnh không dứt điểm. Một số trường hợp lúc nhỏ không bị hen nhưng về già lại mắc chứng bệnh này. Hoặc có trường hợp bị hen sữa nhưng đến tuổi dậy thì bệnh biến mất, nhưng khi tuổi cao, bệnh tái phát và kéo dài suốt đời.

Cần được khám bệnh định kỳ để có chỉ định dùng thuốc điều trị mỗi khi lên cơn hen
Nguyên nhân hen suyễn ở NCT rất đa dạng, phức tạp, trong đó đáng chú nhất là cơ địa dị ứng, khi gặp kháng nguyên lạ (dị ứng nguyên) xâm nhập vào cơ thể sẽ ngay lập tức xuất hiện phản ứng dị ứng gây co thắt phế quản và hen xuất hiện. Đây là phản ứng xảy ra giữa kháng nguyên lạ và kháng thể có sẵn trong máu làm xuất hiện cơn hen cấp tính (do co thắt phế quản). Đối với NCT, do đặc điểm sinh lý đã dần dần thay đổi, mọi chức năng của cơ thể đã bắt đầu hoặc đã suy giảm, trong đó chức năng sinh kháng thể suy giảm rõ rệt (chức năng miễn dịch). Vì vậy, NCT dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, dễ bị kích ứng với tác nhân lạ (bụi bẩn, khói thuốc, khói bếp), lông một số động vật nuôi trong nhà (chó, mèo), hoặc một số ký sinh trùng (mạt, mò, nấm mốc…) có trong đệm, thảm trải nhà, thú nhồi bông. Một số thực phẩm cũng có thể kích thích gây nên cơn hen suyễn ở NCT hoặc làm cho bệnh hen suyễn nặng (tôm, cua, mắm tôm). Ngoài ra, một số thuốc có tác dụng phụ gây bệnh hen hoặc làm cho bệnh hen tăng nặng thêm (thuốc điều trị bệnh về khớp loại không steroid như: diclofenac, piroxicam, indomethacin, tilcotil…), thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp loại chẹn bêta (atenolol). Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ cao làm xuất hiện cơn hen hoặc làm cho cơn hen nặng thêm ở NCT là thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, mưa, ẩm ướt, rét, chênh lệch nhiệt độ, khô hanh), viêm mũi dị ứng, bệnh mề đay, bệnh viêm da dị ứng, bệnh tổ đĩa, hút thuốc lá, thuốc lào hoặc uống bia rượu.

Người cao tuổi bị hen suyễn nên hạn chế đi ra ngoài, nếu phải ra khỏi nhà cần mặc ấm
Biến chứng đang sợ nhất là cơn hen cấp, không cẩn thận thì rất dễ bị cướp tính mạng. Về lâu dài, hen suyễn có thể trở thành bệnh tâm phế mạn hoặc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh giãn khí phế quản hoặc bệnh khí phế thũng. Khi đã biến chứng thành các bệnh này, bệnh hen suyễn vẫn tồn tại cho nên càng khó khăn trong việc chữa trị.
Bệnh hen suyễn có thể phòng được không?
Để phòng cơn hen ở NCT, đặc biệt là cơn hen cấp tính, những người NCT đã và đang mắc bệnh hen suyễn, cần được khám bệnh định kỳ để có chỉ định dùng thuốc điều trị mỗi khi lên cơn hen. Ngoài thuốc điều trị cơn hen, thuốc điều trị dự phòng là hết sức quan trọng.
Khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là lạnh, rét, mưa, ẩm ướt, khô hanh, NCT nói chung và NCT bị bệnh hen nói riêng cần mặc ấm, ở trong phòng kín gió. Nếu có điều kiện, mỗi khi trời rét, lạnh nên được sưởi ấm, tốt nhất là dùng đèn sưởi, lò sưởi, quạt sưởi bằng điện, nếu có điều hòa nóng thì càng tốt. Trong trường hợp phải dùng bếp than thì buồng phải hết sức thông thoáng để thoát khí độc tốt, bên cạnh đó cần có người giám sát, đặc biệt là NCT sức khỏe yếu, lú lẫn, vận động khó khăn (thường những NCT bị hen suyễn có sức khỏe kém, gầy yếu…). NCT bị hen suyễn, hàng tuần có thể tắm và rửa hàng ngày bằng nước ấm. Mỗi lần tắm rửa cần ở buồng kín gió, tránh gió lùa. Trước khi tắm cần chuẩn bị sẵn quần áo sạch và khăn lau, để khi tắm xong, lau khô người và mặc quần áo ngay, tránh cảm lạnh, cơn hen không xuất hiện. Mùa lạnh cần có áo ấm, chăn đệm, nếu bị lạnh, rét, cơn hen rất dễ xuất hiện và trở thành cơn hen kịch phát rất nguy hiểm cho tính mạng. Thời tiết lạnh, giá NCT bị hen suyễn cần hạn chế đi ra ngoài, nếu phải ra khỏi nhà cần mặc ấm, cổ quàng khăn, chân tay cần có tất, đầu đội mũ ấm, đeo khẩu trang.và trong túi có sẵn lọ thuốc xịt hen. Nếu NCT đang lên cơn hen (dù nhẹ) cũng không nên ra khỏi nhà vào lúc này.
NCT cần bỏ thuốc lá, thuốc lào (nếu đang dùng), trong gia đình không nên nuôi chó mèo. Nếu dùng thảm trải nhà cần vệ sinh sạch sẽ, phơi nắng mỗi tuần để diệt các loại mò, mạt. NCT bị hen suyễn nên hạn chế uống rượu, bia (kiêng được càng tốt), không ăn các loại thực phẩm làm xuất hiện cơn hen (tôm, cua, mắm tôm…).

Hen suyễn ở phụ nữ lớn tuổi dễ gây tử vong:

Tiến sĩ James Sublett, một chuyên gia dị ứng ở Đại học dị ứng miễn dịch Hoa Kỳ thì không có sự nghi ngờ đối với các phụ nữ trên 65 tuổi mắc cơn hen nhiều hơn nam giới cùng lứa tuổi. Thật sự, tỉ lệ tử vong dohen suyễn ở phụ nữ trên 65 tuổi gần gấp 4 lần so với nhóm người cùng lứa tuổi dù phụ nữ lớn tuổi không có tỉ lệ cao mắc bệnh hen suyễn hơn những nhóm tuổi khác. Tiến sĩ Alan Baptist, đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết những chuyên gia dị ứng muốn phụ nữ lớn tuổi hiểu biết về bệnh hen suyễn của họ, nếu kiểm soát tốt sẽ giúp họ kiểm soát được hàng loạt tình trạng bất lợi khác về sức khỏe. Những nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ lớn tuổi với hàng loạt vấn đề sức khỏe chính hen suyễn gây ra nhiều tình trạng khác và cần phải ưu tiên kiểm soát bệnh hen suyễn trước tiên. Nếu phụ nữ lớn tuổi đã bị hen suyễn từ trẻ thì đó là một yếu tố góp phần gây mãn kinh, mãn kinh có thể tăng tần suất cơn hen cấp ở phụ nữ bị hen suyễn. Mặc dù phụ nữ hen suyễn bắt đầu dùng hoóc-môn thay thế có thể cải thiện tốt triệu chứng bệnh. Phụ nữ lớn tuổi bị hen cũng tăng nguy cơ loãng xương do họ phải dùng thuốc corticoide hít điều trị hen. Thật ra thì thuốc điều trị hen corticoid còn gây những biến chứng khác tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và suy tuyến thượng thận. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trầm cảm từ 15 - 35% ở những phụ nữ lớn tuổi. Điều trị trầm cảm ở những phụ nữ bị hen suyễn sẽ cải thiện được hậu quả của bệnh hen suyễn.
Các chuyên gia kết luận phụ nữ hen suyễn phải được tầm soát ở các chuyên gia để cần thiết thì điều trị trầm cảm cho họ. Phòng ngừa là mấu chốt quan trọng đối với bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, phụ nữ lớn tuổi ít nhận thức hơn về bệnh lý hô hấp của họ nên cần phải tư vấn kỹ cho bệnh nhân lớn tuổi mắc hen suyễn.

Nhận biết các loại hen suyễn:

Hen suyễn là một loại bệnh lý gây co thắt phế quản, làm cản trở sự lưu thông của không khí trong phổi. Nếu bị hen suyễn, đường dẫn khí luôn trong tình trạng bị viêm nhiễm, phù nề và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm đường dẫn khí sẽ làm thu hẹp đường dẫn khí khiến người bệnh khó thở, lồng ngực nặng, thở khò khè kèm tiếng ran rít, cò cử. Trong một vài trường hợp, các tuyến nhầy trên đường dẫn khí tiết ra quá nhiều, có thể gây tắc nghẽn đường dẫn khí. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng cách, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh.

Nhận biết các loại hen suyễn
Hen suyễn dị ứng: Xuất phát từ nguyên nhân dị ứng với một số loại như phấn hoa hay vảy da của thú vật. Người bị loại hen suyễn này có tiền sử cá nhân hay gia đình bị bệnh về dị ứng như: viêm mũi dị ứng hay sốt cỏ khô và những bệnh ngoài da như ngứa, nổi ban đỏ... Hen suyễn theo mùa - một dạng của hen suyễn dị ứng, có thể bị gây bùng phát bởi cây cỏ hoặc hoa phóng thích phấn hoa vào không khí. Ví dụ như một số người thấy rằng bệnh hen suyễn của họ thường trở nên tệ hại hơn vào mùa xuân khi cây cỏ nở hoa; Hen suyễn do vận động thể lực hoặc sau các hoạt động gắng sức;
Hen suyễn về đêm: Là loại hen suyễn thường chỉ xảy ra về đêm, đặc biệt thời gian điển hình từ 2 - 4 giờ sáng. Lúc này, nồng độ của các chất mà cơ thể bạn sinh ra như adrenalin và corsticosteroid để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh suyễn thấp nhất làm xuất hiện các triệu chứng hen suyễn;
Hen suyễn trong thai kỳ: Thai phụ bị hen suyễn có tỷ lệ biến chứng liên quan đến thai kỳ cao hơn. Trong số những bệnh nhân có thai bị hen suyễn, 1/3 sẽ thấy có cải thiện chứng hen suyễn, 1/3 vẫn duy trì tình trạng cũ và 1/3 sẽ bị hen suyễn nặng hơn;
Hen suyễn do nghề nghiệp: nhạy cảm và bùng phát bệnh khi tiếp xúc với hơi khói bụi hay môi trường hoá chất độc hại.
Khi điều trị bệnh hen suyễn, bác sĩ thường phải xác định loại hen suyễn thông qua các triệu chứng mà bạn mắc phải. Nếu điều trị đúng cách, chúng ta có thể kiểm soát bệnh hen suyễn.
Không có một cách thức chắc chắn để khẳng định rằng ai có thể bị bệnh suyễn và ai không bị. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tạo khả năng mắc hen suyễn nhiều hơn: Hút thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ bị hen suyễn ở người trưởng thành. Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động làm gia tăng thêm nguy cơ này; Sống trong thành phố - Số người bị hen suyễn đã gia tăng trong 20 năm gần đây, đặc biệt là những người sống trong thành phố.

Phát hiện mới về nguyên nhân gây bệnh hen suyễn:

Các nhà khoa học vừa công bố về phát hiện mới đây cho rằng căn nguyên gây ra bệnh hen suyễn là do một loại protein có trong khí quản. Phát hiện trên có thể mở ra niềm hy vọng cho hàng triệu người mắcbệnh hen suyễn vì loại thuốc khống chế protein gây bệnh đã có sẵn phương thuốc có thể điều trị hiệu quả cho mọi bệnh nhân.
Loại protein gây bệnh có tên là CaSR. GS. Daniela Riccardi, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết, protein CaSR giúp gia tăng lượng canxi trong xương nhưng cũng tác động đến khí quản.
Hiện nay, loại thuốc (calcilytic) có khả năng vô hiệu hóa protein CaSR đã có sẵn và có thể dùng để điều trị cho bệnh nhân hen suyễn sau khi thử nghiệm lâm sàng.
Calcilytic được phát triển cách đây 15 năm để điều trị bệnh loãng xương và những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã cho kết quả đầy khả quan. Nhóm nghiên cứu do Trường đại học Cardiff (Anh) dẫn đầu đã chứng minh được thuốc có hiệu quả khi thử nghiệm trên chuột và các mẫu mô người trong phòng thí nghiệm. Tới đây những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ được thực hiện.
 

Tác giả bài viết: PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây