Học online hay đổi mới tư duy giáo dục?

Thứ hai - 29/11/2021 04:47 383 0
   Ảnh minh họa ( Nguồn internet)
   Ảnh minh họa ( Nguồn internet)
          Dịch bệnh đã làm xáo trộn hoặc đình trệ nhiều hoạt động trong đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Việc áp dụng hình thức học trực tuyến (online) là một giải pháp tình thế mà ngành giáo dục buộc phải dùng tới để thay thế cho học trực tiếp. Vấn đề nằm ở chỗ, sẽ chẳng có gì phải bất ngờ hay cần xét lại nếu kết quả thi tốt nghiệp năm nay đi xuống; nhưng kỳ lạ thay, hầu hết các môn đều cao hơn năm ngoái (trừ môn Sử) và cả chuyện số lượng điểm 10 tăng đột biến (cao gấp 4.2 lần năm ngoái, riêng môn tiếng Anh cao gấp 19 lần). Không thể không nhìn lại hiện tượng này.
Tất nhiên, khi đứng trước một sự tình như thế, thì lập tức câu khỏi “tại sao” sẽ khởi lên. Nhiều người nghĩ ngay đến những “tiêu cực”, và tất nhiên chúng ta không có lý do để không hoài nghi về điều ấy; và có cả việc nhiều người đã nhận định rằng vì đề năm nay “dễ”, chấm cũng “lỏng” hơn - đó cũng là một phần sự thật. Tuy thế, dù đây đó có những hiện tượng “tiêu cực” thì cũng khó mà giải thích một cách thuyết phục hoàn toàn cho toàn bộ kết quả của năm nay.
         Không ít ý kiến tập trung vào lý do học online. Theo họ, vì hình thức học online đã mang lại hiệu quả. Chúng tôi cho rằng, nhận định này rất đáng lưu tâm; tuy nhiên, nó vừa đúng vừa sai. Đúng vì chắc chắn internet nói chung đã đóng một vai trò không nhỏ trong kết quả học tập của học sinh; nhưng sai vì đã quy hồi trọn vẹn cái kết quả ấy về cho riêng hình thức học online. Thậm chí, với trải nghiệm và quan sát của chúng tôi, việc học online - tức là tổ chức dạy học của nhà trường thông qua các ứng dụng trực tuyến như Zoom chẳng hạn - không những không đưa lại hiệu quả là mấy, mà ngược lại còn có rất nhiều “phản ứng phụ” mang tính tiêu cực. Chúng ta có thể điểm qua để làm sáng tỏ.
(i) Không hiệu quả, nếu không muốn nói là rất không hiệu quả, hiểu như là một giá trị mà giáo dục phải mang đến cho con người trong việc phát triển phẩm chất và năng lực. Cả người dạy và người học đều mang tâm thế đối phó, cộng thêm sự dễ dãi bất ngờ và gần như không thể quản lý được một cách ổn thỏa hoạt động học của học sinh. Tất cả những lý do này đưa tới sự uể oải, qua loa, đại khái; hoặc bị bắt buộc một cách hình thức và gây tâm lý chán nản. Tất nhiên học online thì học sinh sẽ có đủ lý do để “giải lao”, nếu chúng muốn.
(ii) Dạy - học online là một cách tự an tuyệt vời của ngành giáo dục với cái ý nghĩ rằng đã tìm được và làm xong phần việc của mình bằng một quyết định về “phương pháp” - học online. Nó rất dễ dẫn đến sự tự mãn hoặc “đánh trống bỏ dùi” do nghĩ rằng đã có được một phương thức lý tưởng. Và như thế, ở đây, việc tìm ra nguyên nhân thật sự đã góp phần dẫn đến kết quả kia là điều rất hệ trọng; nếu không như thế hoặc xác định nhầm thì hậu quả sẽ rất tai hại, vì nó sẽ dẫn đến các quyết sách lầm lạc trong tương lai.
         Phải xác định một nguyên tắc lớn rằng, việc học chỉ có hiệu quả khi và chỉ khi người học có được động cơ tự thân và tích cực. Nó không dễ hình thành. Nhưng đó mới chính là chỗ (mà gần như là hệ trọng nhất) cần đến ngành giáo dục. Nếu học sinh không tự hình thành được động cơ học tập, thì ngành giáo dục phải gieo vào, phải khơi dậy, phải nuôi nấng... cái động cơ ấy cho các em. Không ai có thể bắt người khác học được. Nếu anh làm như thế (bắt học) thì người ta sẽ vì sợ mà cũng có thể học, nhưng đó là cái học khổ sở, cái học nhọc nhằn và nhất là gây ra sự thù ghét đối với tri thức. Bao nhiêu tính xấu nơi con người sẽ được khai sinh từ trong giáo dục theo một đường lối như thế: đối phó, buồn chán, căm ghét, thờ ơ... Đó là cách tốt nhất để hủy hoại giá trị của tri thức. Ngược lại, một khi đã tạo ra được động cơ tích cực cho người học, thì không cần ép buộc, tự học sinh sẽ tìm sách, sẽ tìm vào các trang dạy học trực tuyến, các bài giảng phong phú trên mạng và lục lọi đào bới vào kho tài nguyên số vô tận trong thế giới internet để giải quyết các vấn đề trong nhiệm vụ học tập và theo đuổi hứng thú tìm hiểu của mình bởi tính hiếu tri nguyên thủy được đánh thức. Tóm lại, việc hình thành được động cơ TỰ HỌC cho học sinh là khâu quyết định, chứ dứt khoát không nên hiểu lầm rằng việc học trực tuyến đã mang lại hiệu quả tuyệt vời!
        Thực ra, với nội dung và phương thức kiểm tra đánh giá hiện nay trong giáo dục nước ta, nếu muốn học sinh thuộc bài (có sẵn trong sách rồi) thì không cần phải tổ chức học online làm gì, mà thay vào đó chỉ cần yêu cầu học thuộc, và có hình thức kiểm tra (gọi là “trả bài”) hợp lý thì mục tiêu học tập coi như cơ bản được hoàn thành. Nếu muốn “tích cực” hơn chút nữa thì yêu cầu tìm hiểu, “nghiên cứu” và giao nộp sản phẩm cùng với việc test về sự hiểu ấy là sẽ đạt đến “hiệu quả”.
        Vậy rốt cuộc thì vấn đề ở đây là gì? Chính vì điều kiện khách quan là dịch dã mà học sinh buộc phải nghỉ học, các em được “cởi trói” khỏi những áp lực chằng chịt ở trường lớp và một không gian tự do mở ra, tuy không hoàn toàn. Chính cái không gian tự do này tạo tâm lý thoải mái, cộng với việc sở hữu kho tài nguyên số khổng lồ do “thế giới phẳng” mang lại đã tạo cho các em tâm thế học tập lành mạnh, chủ động, tích cực. Và nó đã mang lại hiệu quả.
Xin chớ hiểu lầm rằng chúng tôi đang bài xích việc học online. Chúng tôi ủng hộ nó nhất mực, nhưng trên một nền tảng của tự chủ, tự giác, và tự do. Cái đòi hỏi ở đây không phải là tổ chức việc học online sao cho thật nghiêm ngặt, mà là làm sao để khởi dậy hứng thú và tâm thái chủ động cho học sinh để các em bước vào không gian của học trực tuyến một cách hiệu quả.
        Nếu học online hội đủ cả 2 yếu tố (tâm thế chủ động của học sinh và kỹ năng tổ chức, quản lý của giáo viên) thì lớp học truyền thống sẽ mất dần vai trò của nó. Và một định hướng cho việc học tập trên nền tảng trực tuyến là yêu cầu cần được thúc đẩy để hiện thực hóa ngay cả khi dịch bệnh đã đi qua. Nếu khi đã xây dựng được một nền giáo dục mà internet đóng vai trò quan trọng thì không những sẽ tiết kiệm được cho xã hội một nguồn lực to lớn mà hơn hết, còn nâng cao chất lượng một cách rõ rệt, tạo nên bước chuyển lớn cho giáo dục nước nhà.
         Ngành giáo dục cần đổi mới tư tưởng, đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp. Tất cả những điều này cần căn bản trên một triết lý giáo dục lấy Cá nhân làm mục đích và quán xuyến tinh thần Nhân bản. Chỉ khi nào chúng ta hiểu biết đủ sâu về con người rằng, mỗi người là một nhân vị độc đáo và người học chỉ thật sự khởi sự việc học một cách đúng đắn khi họ muốn học và cần học.
        Khi theo đuổi một nền giáo dục “vì con người” (chứ không phải biến con người thành công cụ cho bất kỳ điều gì bên ngoài nó), lúc ấy một cuộc cách mạng trong giáo dục chính thức được bắt đầu, và chắc chắn hứa hẹn thành công - thành công cho cả cá nhân lẫn xã hội và quốc gia.
 

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây