Phân loại rác tại nguồn - góp phần làm giảm tác động tới môi trường.

Thứ tư - 01/05/2024 23:43 871 0
Phân loại rác tại nguồn - góp phần làm giảm tác động tới môi trường.
Rác thải hiện nay đang là một vấn đề nan giải của xã hội và môi trường, phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết và hết sức quan trọng, góp phần làm giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho quá trình xử lý, tái chế và làm giảm tác động tới môi trường.
Việc phân loại rác thải tại nguồn có tác động tích cực nhiều mặt về môi trường, kinh tế, xã hội, như:
Về Môi trường: Giảm lượng rác xử lý bằng   cách   chôn   lấp - tiết kiệm diện tích  đất; giảm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí có thể gây ra do việc chôn lấp không hợp vệ sinh. Việc phân loại giúp xử lý hiệu quả hơn các thành phần khác nhau trong rác thải.
Về Kinh tế: Tăng lượng rác được thu hồi, tái chế, tái sử dụng - tận dung, tiết kiệm tài nguyên; mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, gây quỹ cho hoạt động cộng đồng; Giảm lượng rác thải ra môi trường - tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển...
Về xã hội: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Hoạt động phân loại rác tái chế có thể gây quỹ phục vụ công tác an sinh xã hội tại địa phương”.
 Phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Đây còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.  
Để phân loại rác tại nguồn cần hiểu rõ về tính chất, đặc điểm của từng loại rác cụ thể. Rác thải sinh hoạt được chia làm rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế. 
Hiện nay, rác thải sinh hoạt được chia làm 3 loại chính bao gồm:
Rác thải hữu cơ: Rác hữu cơ là loại rác thải dễ phân hủy, có thể kết hợp với chế phẩm vi sinh trong quá trình sản xuất phân bón, làm thức ăn cho động vật. Nguồn gốc của rác hữu cơ xuất phát từ thực phẩm thừa, phần rau củ bỏ đi, lá cây, hoa cỏ… 
Rác thải vô cơ: Rác vô cơ là loại rác thải không thể tái sử dụng, phù hợp với phương pháp xử lý đốt hoặc chôn lấp. Nguồn gốc rác vô cơ xuất phát từ các loại vật liệu xây dựng, vỏ hộp, bao bì khó phân hủy, túi nilon đựng thực phẩm, thiết bị, dụng cụ sử dụng trong gia đình. 
Rác thải tái chế: Rác thải tái chế là loại rác khó phân hủy nhưng vẫn có thể đưa vào sản xuất, tái chế để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt như giấy thải, vỏ lon, kim loại… 
Tuy nhiên, hiên nay phần lớn mọi người hiện nay vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, mặc dù đã có khá nhiều dự án, trương trình tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, nhưng có lẽ quy mô, thời gian chưa đủ lớn, lại mang nhiều tính lý thuyết và đặc biệt là chưa có được phương pháp có tính thực tiễn để mọi người dễ dàng thực hiện , góp phần xây dựng và phát triển nếp sống xanh, văn minh và bền vững trong chuỗi kinh tế tuần hoàn.
Từ 1/1/2025, phân loại rác tại nguồn là yêu cầu bắt buộc theo  Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
Hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…
Đề việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao góp phần làm giảm tác động tới môi trường, chúng ta cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, song song với đó là việc nâng cao ý thức và nhận thức cho tất cả người dân đặc biệt là thế hệ trẻ, phải được tiến hành toàn diện, trong một thời gian dài, phát huy tối đa tính tiếp cận của phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội ...; Cùng đi đôi với việc nâng cao nhận thức là phải cung cấp cho người dân cách thức và phương tiện để phân loại rác một cách dễ dàng nhất (thùng rác, nơi đổ rác…).
Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng: trên báo; đài truyền hình; truyền thanh; cổng thông tin điện tử thành phố; trang thông tin điện tử các cơ quan đơn vị cấp huyện, xã; Tuyên truyền trực quan qua các ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, pano, standee, bảng tin, màn hình LED tại các địa điểm công cộng...;
Tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện tại khu dân cư; các buổi vận động thu gom, phân  loại chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư;Tổ chức các sự kiện truyền thông: ngày hội tái chế, ngày ra quân vệ sinh môi trường...;
Tổ chức các buổi tuyên truyền hướng đến các nhóm đối tượng cụ thể: Trường học (học sinh); Cơ quan hành chính sự nghiệp, văn phòng (cán bộ công chức, viên chức, văn phòng); Nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán café (nhân viên, khách hàng); Khu vui chơi giải trí, sân vận động, bến xe (khu vực công cộng); Khu dân cư (người dân); Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (nhân viên, tiểu thương, khách hàng)...
Phương pháp thực hiện tránh phân loại nhầm lẫn (có sự đồng bộ mầu sắc từ thùng rác nhựa, nơi đổ rác đến xe thu gom rác), nơi đổ rác hay thu gom rác tại khu dân cư. ví dụ như mỗi ngăn có một mầu riêng biệt, ví dụ ngăn mầu xanh quy định rác hữu cơ, ngăn mầu đỏ quy định rác hữu cơ, nếu có thêm hình vẽ biểu trưng loại rác thải ở mỗi ngăn thì việc phân loại sẽ dễ dàng hơn; Việc quy định mầu sắc, hình vẽ đặc trưng cho mỗi loại rác thải cần phải đồng bộ ở tất cả mọi nơi là điều vô cùng quan trọng, để cho dù có ở đâu thì khi vứt rác mọi người không bị nhầm lẫn; Cung cấp cho người dân poster về danh sách các loại rác thải vô cơ, hữu cơ, poster nên được dán trên tường ở gần thùng rác. Xe thu gom rác: Xe thu gom rác cũng nên có ngăn và mầu sắc cũng giống với thùng rác tại nhà; Hoặc có 3 loại xe gom rác để thu gom rác, một loại thu gom rác hữu cơ, một loại thu gom rác vô cơ, và một loại thu gom rác không được phân loại.



Xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác thải và tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón theo hướng kinh tế tuần hoàn góp phần đưa vùng nông thôn phát triển một cách toàn diện, bền vững, đáp ứng yêu cầu về xây dựng nông thôn mới. Thí điểm xây dựng và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 v/v quy định chi tiết  một só điều của Luật Bảo vệ môi rường, tại Điều 139 ghi rõ: Tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển nông thôn. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp, nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, KTTH trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Tác giả bài viết: Quang Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây