GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC BIỂN VEN BỜ TẠI KHU VỰC XÂY DỰNG CẢNG CÁ QUỲNH PHƯƠNG

Thứ năm - 24/06/2021 23:29 464 0
Trong những năm qua, Nghệ An là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm rất lớn trong đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng nghề cá. Có rất nhiều dự án lớn được chủ trương thực hiện như: Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cửa Hội; nâng cấp Cảng cá Lạch Vạn; Xây dựng Cảng cá Lạch Cờn, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Lạch Quèn, Lạch Vạn; Xây dựng kè chắn sóng Quỳnh Lập, xây dựng cảng cá Quỳnh Phương,…
Cảng cá Quỳnh Phương     
Cảng cá Quỳnh Phương     
Trước đây, khu vực cảng cá Quỳnh Phương là nơi cập bến của hơn 700 tàu cá của phường Quỳnh Phương và Quỳnh Dị, sản lượng thuỷ sản qua bến khoảng 5.000-6.000 tấn/năm, hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khá phát triển: 15 cơ sở kho đông lạnh, 01 cơ sở chế biến thuỷ sản; 07 cơ sở cung cấp đá lạnh, xăng dầu…
Tuy nhiên, các công trình hạ tầng như cầu cảng, bến bãi, dịch vụ hậu cần…. chưa được đầu tư; bến cá là bãi đất ven sông, hàng hoá thuỷ sản, nước đá được chuyển tải trên bãi bùn, gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Bến cá chưa được đầu tư hệ thống giao thông, hệ thống điện – trạm biến áp, nước cấp, hệ thống thu gom, xử lý chất thải và hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Được sự quan tâm của tỉnh và sự tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB), cảng cá Quỳnh Phương được khởi công xây dựng vào ngày 03/3/2016 tại Phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai.
 Công trình bao gồm các hạng mục: Bến cập tàu gồm hai cầu dẫn, mỗi cầu dẫn dài 48,0m, chiều rộng 8,0m, cầu tàu (bến chính) tổng chiều dài 180m, mỗi phân đoạn 90,0m, chiều rộng 10m; Kho bãi, đường giao thông trong và ngoài cảng; Nhà phân loại hải sản có mái che;  Khu vực tập kết ngư cụ; Các công trình kiến trúc gồm nhà văn phòng cảng 92m2, nhà để xe, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh công cộng, cổng - tường rào cảng; Xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thoát nước mặt, hệ thống thoát nước thải để phục trên toàn mặt bằng cảng cá. Trong thiết kế cơ sở của dự án, nước thải sẽ được tập trung và xử lý qua trạm xử xý nước thải đảm bảo theo tiêu chuẩn xả thải trước xả ra môi trường.
Trước khi đầu tư xây dựng dự án, chủ đầu tư cũng đã tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nền của khu vực. Sau khi khởi công xây dựng dự án, cứ định kỳ 3 tháng, cơ quan quản lý lại thực hiện quan trắc chất lượng môi trường của  dự án để đánh giá các tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với môi trường nước mặt.
Năm 2013 và 2016, chủ đầu tư dự án đã tiến hành thực hiện quan trắc môi trường nước biển ven bờ 3 đợt với 9 chỉ tiêu cơ bản: pH, TSS, BOD5, COD, DO, tổng sắt, tổng NH4+, tổng dầu mỡ, coliform. Quá trình phân tích chất lượng môi trường nước mặt của khu vực xây dựng cảng cá Quỳnh Phương qua các thời điểm khác nhau cho thấy, vào thời điểm chưa thực hiện xây dựng dự án, môi trường nước biển ven bờ chưa có hiện tượng bị ô nhiễm.
Quá trình xây dựng cảng cá sẽ tác động tiêu cực tới môi trường phường Quỳnh Phương nói riêng và môi trường Thị Xã Hoàng Mai nói chung. Các tác động làm ảnh hưởng đến môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất, môi trường sinh thái… Cảng cá được xây dựng trực tiếp tại vùng biển ven bờ tại Quỳnh Phương, nên các tác động đến môi trường nước cần phải được quan trắc giám sát một cách chặt chẽ.
          Khi dự án đi vào giai đoạn thi công, dưới tác động của các hoạt động xây dựng, sinh hoạt của công nhân trên công trường, các chỉ tiêu về chất lượng nước biển ven bờ có sự biến động. Một số chỉ tiêu tăng nồng độ qua các thời kỳ như pH, DO, tổng sắt, Tổng NH4+… Nhưng lại có một số chỉ tiêu giảm nồng độ xuống như TSS, BOD­­­5, COD… Tuy các chỉ tiêu có sự thay đổi nồng độ, nhưng hầu hết đều không vượt quá ngưỡng cho phép. Điều này chứng tỏ chất lượng nước biển ven bờ giai đoạn thi công dự án bị tác động không đáng kể. Mặt khác cũng cho thấy công tác thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công của các đơn vị xây dựng khá nghiêm túc.
          Vì vậy, để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cần phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp bảo vệ nước biển ven bờ trong quá trình thi công và vận hành dự án sau:
+ Biện pháp giảm thiểu trong quá trình thi công xây dựng
  • Xây dựng hệ thống mương thu nước tạm trên đó có bố trí các hố ga để lắng cặn, chất lơ lững. Quét dọn công trường hằng ngày.
  • Dầu mỡ sử dụng và dầu mỡ thải được quản lý chặt chẽ, để ở nơi có mái che, cách xa nguồn nước.
  • Nước thải từ việc rửa bảo dưỡng máy móc dụng cụ không thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận mà sẽ được cho qua bể lắng. Váng dầu sau khi qua bể lắng sẽ được thu và lưu trữ vào các phuy chứa, định kỳ liên hệ với các đơn vị chức năng để xử lý.
  •  Bố trí nhà vệ sinh di động để công nhân sử dụng nhằm dễ dàng thu gom và xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong quá trình thi công.
+ Biện pháp giảm thiểu trong quá trình vận hành dự án
  • Tàu thuyền, phương tiện vận chuyển, thiết bị chuyển tải, chứa dầu cần được thường xuyên kiểm tra bảo trì để tránh rò rỉ, rơi vãi xăng dầu.
  • Tập huấn, nâng cao nhận thức của chủ tàu thuyền, người cung cấp dịch vụ và đơn vị quản lý vận hành dự án về các phương pháp thu gom dầu thải, tránh rò rỉ, rơi vãi ra môi trường.
  • Định kỳ giám sát chất lượng nước để kịp thời đánh giá mức độ ô nhiễm và có biện pháp xử lý, đối phó.
  •  Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung để thu gom xử lý nước thải từ các hoạt động của cảng.
Như vậy với việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ngành thủy sản, việc đầu tư bảo vệ môi trường vùng biển ven bờ cũng là một nhiệm vụ khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Cùng với việc đầu tư xây dựng các dự án, cần phải tổ chức quan trắc, giám sát chất lượng môi trường khu vực qua từng thời kỳ  nhằm phát hiện sớm được các hiện tượng ô nhiễm. Từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp để hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực do quá trình thực hiện các dự án gây ra, tránh gây hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.








                                       

Tác giả bài viết: Đức An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây