DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH ĐẾN NÔNG NGHIỆP THEO KỊCH BẢN B¬2 ĐẾN NĂM 2030 – 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thứ tư - 06/01/2021 22:10 945 0
I. MỞ ĐẦU
Biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và môi trường toàn thế giới.
Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,70C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm.
Trong những năm qua ở Nghệ An đã có những biểu hiện của biến đổi khí hậu: nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng lên, lượng mưa nhiều vùng đã giảm rõ rệt, hạn hán ngày càng trầm trọng hơn, bão lũ cũng khắc nghiệt hơn, nước mặn lấn sâu hơn vào các sông và xuất hiện hiện tượng xâm nhập mặn tại xã xã ven biển, ven sông…
DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH ĐẾN NÔNG NGHIỆP THEO KỊCH BẢN B¬2 ĐẾN NĂM 2030 – 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
II. KỊCH BẢN BĐKH B2 TỈNH NGHỆ AN
2.1. Về nhiệt độ
Kịch bản biến đổi khí hậu cho tỉnh Nghệ An được lấy đại diện là kết quả xây dựng sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa của các trạm Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Con Cuông, Đô Lương, Tây Hiếu, Quỳnh Lưu và Vinh .
Bảng 1. Mức tăng nhiệt độ các trạm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2020-2090
Năm Con Cuông Đô Lương Quỳ Châu Quỳ Hợp Quỳnh Lưu Tây Hiếu Tương Dương Vinh
2020 0,60 0,51 0,45 0,52 0,44 0,55 0,48 0,52
2030 0,88 0,75 0,67 0,76 0,64 0,80 0,70 0,77
2040 1,24 1,06 0,94 1,07 0,90 1,13 0,99 1,08
2050 1,59 1,37 1,21 1,39 1,16 1,46 1,28 1,40
2060 1,94 1,67 1,47 1,69 1,41 1,77 1,56 1,70
2070 2,25 1,94 1,71 1,96 1,64 2,06 1,80 1,98
2080 2,55 2,19 1,93 2,22 1,86 2,33 2,05 2,24
2090 2,80 2,41 2,13 2,44 2,05 2,57 2,25 2,46
So với các kịch bản về nhiệt độ được xây dựng cho các trạm thuộc khu vực tỉnh Nghệ An ở trên, mức tăng nhiệt độ tại các trạm dao động từ 0,45-2,8oC theo các năm từ 2020-2090 và càng về sau nhiệt độ đều có xu hướng tăng lên.











Hình 1. Mức tăng nhiệt độ năm tại trạm Con Cuông, Quỳnh Lưu, Vinh
2.2. Về lượng mưa
Lượng mưa năm có thể tăng theo các kịch bản, lượng mưa thay đổi theo các thời kỳ ba tháng trong năm.
Năm 2020 lượng mưa năm có thể tăng khoảng 0,9 - 1,26% và tăng 4,25-6,29% vào cuối thế kỷ XXI.
Bảng 2. Mức thay đổi tỷ lệ (%) lượng mưa năm tại các trạm
Năm Con Cuông Đô Lương Quỳ Châu Quỳ Hợp Quỳnh Lưu Tây Hiếu Tương Dương Vinh
2020 1,03 1,33 1,04 1,15 1,24 1,26 0,90 1,20
2030 1,53 1,97 1,54 1,70 1,84 1,86 1,34 1,78
2040 2,14 2,77 2,17 2,41 2,59 2,61 1,87 2,50
2050 2,76 3,56 2,78 3,09 3,33 3,36 2,41 3,21
2060 3,35 4,33 3,39 3,77 4,05 4,09 2,93 3,91
2070 3,92 5,07 3,96 4,41 4,73 4,78 3,43 4,57
2080 4,42 5,71 4,46 4,96 5,33 5,38 3,86 5,15
2090 4,87 6,29 4,91 5,46 5,87 5,93 4,25 5,68














Hình 2. Mức thay đổi tỷ lệ (%) lượng mưa năm tại trạm Con Cuông, Quỳnh Lưu, Vinh
III. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH ĐẾN LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT
3.1. Dự báo tác động tới sự phân bố cây trồng
Diện tích trồng lúa của tỉnh Nghệ An có 187.910ha phần lớn tập trung ở vùng đồng bằng ven biển của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương có diện tích khoảng 98.000 ha chiếm khoảng 52,34% sử dụng để trồng lúa và cây hàng năm như lạc, ngô, rau màu... Các huyện trọng điểm lúa của tỉnh nằm dọc ven biển. Đây là vùng đất thấp trũng so với địa hình chung của tỉnh. Khi nước biển dâng cao 1m vào năm 2100, trên 20% số diện tích đất sản xuất nông nghiệp; rừng phòng hộ ven sông, ven biển sẽ bị mất do ngập và nhiễm mặn. Ngoài ra, một số diện tích đất nông nghiệp cũng phải chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở, các công trình cộng cộng để phục vụ cho việc di dân, tái định cư cho người dân vùng bị ngập, sạt lở, vùng có nguy cơ cao... Khi diện tích canh tác bị thu hẹp, sản lượng nông nghiệp sản xuất giảm, tác động trực tiếp đến đời sống của cư dân nông thôn, kéo dài tình trạng nghèo đói.
            Nguy cơ ngập lụt trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng gia tăng nghiêm trọng đối với cả trường hợp lũ 1% (100 năm lặp lại) và 5% (20 năm lặp lại), Trong đó, trường hợp lũ 1% cho thấy sự gia tăng rõ rệt so với trường hợp lũ 5%, Đặc biệt, đỉnh lũ tại các trạm trên hệ thống sông Cả cũng có sự gia tăng nhanh chóng theo thời gian nhất là các trạm khu vực thượng lưu như Yên Thượng, Dừa, Đô Lương tới thời kỳ 2100 có thể tăng so với thời kỳ nền tới 26 cm (lũ 5%) – 40 cm (lũ 1%), Bên cạnh đó, mặc dù Chợ Tràng cũng cho thấy đỉnh lũ gia tăng tới 26 cm (lũ 5%) - 36 cm (lũ 5%) nhưng sông La vẫn chứng kiến đỉnh lũ tăng cao tại Linh Cảm đến 38cm so với thời kỳ nền.
            Trường hợp lũ 1% tỉ lệ diện tích đất có nguy cơ ngập lụt tại các huyện nhìn chung đều cao hơn so với trường hợp lũ 5% đặc biệt là các huyện ven biển, Cụ thể tại TP Vinh trong trường hợp này cũng cho thấy tình hình ngập lụt nghiêm trọng tới vùng đất nông nghiệp nhất là vùng đất nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn, ngọt với nguy cơ ngập lụt có thể lên tới 95,97% (tính đến thời kỳ 2100); đồng thời đất trồng lúa và đất rừng cũng có thể có tới 64,82% và 45,48% diện tích đất có nguy cơ ngập lụt, Huyện Nghi Lộc trong thời kỳ này có thể có tới 52,46% diện tích đất nuôi trồng thủy sản có nguy cơ ngập lụt đi cùng với nó là tình hình ngập lụt nghiêm trọng tại các vùng đất trổng rừng với 43,37% và đất tồng lúa là 25,59% diện tích đất có nguy cơ ngập lụt trong tương lai, Diễn Châu vẫn là huyện ít bị tác động hơn cả với khoảng 5,35% diện tích đất rừng có thể bị ngập lụt song cũng có tới hơn 45,06% diện tích đất nuôi trồng thủy sản và đất trồng lúa có nguy cơ ngập lụt tính đến thời kỳ 2100,  
3.2. Tác động đối với nguồn nước sản xuất nông nghiệp
Lượng mưa mùa khô giảm đi cùng với lượng bốc hơi nhiều lên làm gia tăng tần số cũng như cường độ hạn hán, kết quả là gia tăng nhu cầu tưới nước cũng như chi phí sản xuất cho vụ đông xuân và đầu vụ mùa. Hạn hán kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Ngược lại, lượng mưa mùa mưa và cường độ mưa tăng vào giữa và cuối vụ làm gia tăng úng ngập; do đó gia tăng nhu cầu tiêu nước, nhất là vào thời kỳ thu hoạch lúa. Trên những huyện đồng bằng ven biển, xâm nhập mặn tăng lên cũng gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống hạn, dẫn đến tăng chi phí tưới trong thời kỳ kiệt. Đặc biệt, mực nước biển dâng cũng tăng thêm nguy cơ ngập lụt đối với diện tích gieo trồng lúa các vụ, nhất là trong mùa mưa bão dồn dập vào cuối thu đầu đông. Nguồn tài nguyên nước ngọt cho tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp sẽ thiếu hụt do sự tăng dân số, từ đó sẽ dẫn đến thay đổi chu trình thủy văn như là hậu quả của BĐKH và nhiễm mặn tại các khu vực ven biển.
3.3. Dự báo tác động của BĐKH tới năng suất cây lúa
3.3.1. Phương pháp
Để ước tính sự ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng thủy văn lên năng suất cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng, Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) đã phát triển mô hình CropWat năm 1992, dựa trên điều kiện nhiệt độ, lượng mưa, số giờ nắng, độ ẩm, tốc độ gió.
3.3.2. Tính toán sự thay đổi năng suất lúa trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vào các năm 2020, 2030, 2050
1. Số liệu đầu vào: Số liệu khí hậu đầu vào của mô hình được lấy từ kịch bản BĐKH trung bình B2 chi tiết cho tỉnh Nghệ An vào các năm 2020, 2030 và 2050, trạm Quỳnh Lưu.
2. Kết quả: Sau khi chạy mô hình dựa trên các kịch bản trên, sự thay đổi năng suất lúa tương lai (tăng hoặc giảm) là sự chênh lệch của năng suất lúa tương lai và năng suất lúa hiện tại.
a. Nhu cầu nước tưới cho vụ lúa Đông Xuân
Số lượng nước cần tưới được phân chia theo từng thời kỳ, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa. Cụ thể, qua kết quả dự báo cho 2030 và 2050 thì chúng ta có thể thấy có một điểm chung rằng thời điểm từ giữa tháng 12 đến cuối tháng 1 là vụ lúa có nhu cầu nước tưới cao nhất có thời điểm lên đến hơn 100mm/10 ngày. Vì vậy, nhu cầu nước tưới ở giai đoạn này có ảnh hưởng tới năng suất của vụ đó nhất.
Nhu cầu nước tưới năm 2030 Nhu cầu nước tưới năm 2050
b. Năng suất dự báo của vụ lúa Đông Xuân
Sau khi tính toán lượng nước cần bổ sung cho mỗi thời kỳ của vụ lúa, kết hợp với các hệ số khác được tính toán trong quá trình chạy mô hình, độ giảm năng suất của vụ lúa cũng được dự báo cho các năm 2020, 2030 và 2050. Cụ thể, vào năm 2020 với sự thay đổi của các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm …) thì năng suất của vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu sẽ giảm đi 8,8% so với năng suất tối đa có thể đạt được. Tiếp đến vào năm 2030, 2050 độ giảm năng suất  của vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn sẽ là 8,1% và 8,3%.
Bảng 3: Kết quả độ giảm năng suất lúa qua các giai đoạn vào năm 2020
Giai đoạn Gieo mạ Phát triển Trưởng thành Chín Cả vụ
Độ giảm ETc (%) 0,3 17,5 5,9 9,4 8,0
Hệ số giảm năng suất 1,00 1,09 1,32 0,5 1,10
Độ giảm năng suất (%) 0,3 19,3 7,8 4,7 8,8
Bảng 4: Kết quả độ giảm năng suất lúa qua các giai đoạn vào năm 2030
Giai đoạn Gieo mạ Phát triển Trưởng thành Chín Cả vụ
Độ giảm ETc (%) 0,0 10,75 5,8 11,6 7,4
Hệ số giảm năng suất 1,00 1,09 1,32 0,50 1,10
Độ giảm năng suất (%) 0,0 11,7 7,6 5,8 8,1
Bảng 5: Kết quả độ giảm năng suất lúa qua các giai đoạn vào năm 2050
Giai đoạn Gieo mạ Phát triển Trưởng thành Chín Cả vụ
Độ giảm ETc (%) 0,1 17,1 7,2 5,5 7,5
Hệ số giảm năng suất 1,00 1,09 1,32 0,50 1,1
Độ giảm năng suất (%) 0,1 18,6 9,5 2,8 8,3
KẾT LUẬN
Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất do thiên tai gây ra. Đối với lĩnh vực trồng trọt, BĐKH làm ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng, làm gia tăng các loại sâu bệnh hại cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi, đối với nguồn nước sản suất; nguy cơ cháy rừng. Bên cạnh đó thì rét đậm rét hại bất thường cũng làm giảm diện tích, năng suất và chất lượng cây trồng gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp đến hàng trăm tỷ đồng.
Dự báo tới các năm 2020 và 2050, các yếu tố như nhiệt độ, lượng mưa tại các địa phương có xu hướng tăng lên tác động rất nhiều tới các lĩnh vực của nông nghiệp. Để giảm thiểu tác động của BĐKH tỉnh Nghệ An cần phải có các giải pháp chiến lược ứng phó phù hợp đối với từng lĩnh vực cụ thể ở hiện tại và tương lai nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của ngành ngành nông nghiệp nói riêng và phát triển KT – XH nói chung.
Trong những năm qua BĐKH đã gây ra những tổn thất nặng nề cho ngành nông nghiệp nói riêng, làm ảnh hưởng đến kinh tế đất nước và vấn đề an ninh lương thực nói chung.BĐKH đã, đang và sẽ còn tác động đến tất cảc các lĩnh vực nói chung và đặc biệt đối với một ngành dễ bị tổn thương nhất như ngành nông nghiệp.  
 

Tác giả bài viết: Hoàng Văn Hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây