Loài cá mới bổ sung cho danh lục cá Việt Nam thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Thứ tư - 21/04/2021 20:486080
Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Hoạt, thuộc địa phận huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Cùng với Vườn Quốc gia Pù Mát vàKBTTN Pù Huống, tạo thành 03 điểm trọng yếu củaKhu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An. Khu vực này có độ đa dạng sinh học khá cao cả về động vật và thực vật. Nhiều loài chim, thú quý hiếm có giá trị bảo tồn cao đã được phát hiện tại khu vực này. Đặc biệt, đây là một trong số các khu vực ít ỏi của Việt Nam có sự phân bố của các loài thuộc giống Oreoglanis. Đặc biệt, các hệ thống sông suối thuộc KBTTN Pù Hoạt thuộc 2 lưu vực sông lớn sông Cả và sông Chu nhưng chưa có nhiều công trình nghiên cứu về cá thuộc khu vực này. Trong khuôn khổ đềtài “Điều tra đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Pù hoạt, Nghệ An, đề xuất giải pháp bảo vệ”, nhóm nghiên cứu đã bước đầu đã xác định một loài cá mới bổ sung cho danh lục cá Việt Nam, loài Oreoglanis frenatus. Bài báo của chúng tôi cung cấp các dẫn liệu về hình thái học nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác định loại loài này ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nói riêng và Việt Nam nói chung.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Mẫu vật cá thuộc đề tài “Điều tra đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Pù hoạt, Nghệ An, đề xuất giải pháp bảo vệ” đượcthu thập trongnăm2016. Định loại dựa vào các tài liệu của Mai Đình Yên (1978)[4], Nguyễn Văn Hảo (2005a, 2005b) [2]; Kottelat (2001a và 2001b) [9]; Hoek Hee Ng và Rainboth (2000) [6]. Tên khoa học theo Froese và Pauly, 2016. Phân tích đặc điểm hình thái theo Pravdin (1963) và Kottelat (2001)[9]. Sử dụng kính lúp 2 mắt đếm vảy, lược mang, quan sát răng hầu, râu hàm dưới và cấu tạo miệng. Chụp X quang đếm đốt sống thân, vị trí gốc tia thứ nhất của vây lưng, gốc tia thứ nhất của vây hậu môn, xác định tia đơn hoặc phân nhánh của vây lưng và vây hậu môn. Các ký hiệu được sử dụng trong phần mô tả: D: Số tia vây lưng, A: Số tia vây hậu môn; V; Số tia vây bụng L: Chiều dài toàn thân; Lo: Chiều dài tiêu chuẩn; LAD: Dài trước vây lưng; H; Cao thân; Hcđ: Cao cuống đuôi; T: Chiều dài đầu, O; Đường kính mắt; OO’: Khoảng cách hai ổ mắt; Wđ: Rộng đầu. III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 1. Mẫu vật: Gồm 3 mẫu vật ký hiệu PH021701, PH021702, PH021703, thu được tại Nậm Đán, Hạnh Dịch, Quế Phong. Tất cả các mẫu vật lưu giữ tại Bảo tàng động vật học, Đại học Vinh. 2. Danh pháp: Tên khoa học: Oreoglanis frenatus Ng et Rainboth, 2001 Tên phổ thông: cá Chiên thác. Tên địa phương: PaPẹm (Thái) 3. Chẩn loại:Oreoglanis frenatus phân biệt với các loài khác trong giống Oreoglanis bởi tổ hợp các dấu hiệu: không có mấu lồi ở điểm giữa môi dưới, phần sau vây mỡ nối liền với thùy trên vây đuôi, gai giao cấu con đực nằm ngay sau lỗ hậu môn, râu hàm dưới bo tròn, vây đuôi khuyết nông. 4. Mô tả
Thân trần kéo dài, phần trước lưng dẹp đứng, phần sau hơi dẹp bên. Đầu lớn vừa phải. Mắt nhỏ, nằm ở phía lưng. Miệng dưới. Có 4 đôi râu. Không có mấu lồi ở hàm dưới Gốc râu hàm, vây ngực, vây bụng hình thành giác bám. Đầu ngực và phần trước của bụng dẹp bằng.Mé lưng hơi nhô lên, mé bụng bằng phẳng. Không có giác bám ở ngực. Đường bên thẳng. Vây ngực gần chạm đến vây bụng. Các vây ngực và bụng xếp bằng, vây hậu môn rất bé. Vây đuôi xẻ thuỳ sâu, thuỳ dưới dài hơn thuỳ trên. Vây mỡ dài , không nối liền với vây đuôi. Cá có vàng nhạt, bụng màu trắng nhạt. Sinh cảnh: Cá được gặp ở các khe suối đáy có nhiều tảng đá lớn, nước chảy nhanh, lòng suối hẹp, hai bờ có nhiều cây lớn. Trong khu vực nghiên cứu, chúng tôi chỉ bắt gặp loài này ỏ các đoạn suối có độ cao lớn hơn 300m so với mực nước biển. Cá sống thác nước, bám dưới các hòn đá lớn giữa suối. 5. Nhận xét và thảo luận Năm 2001, Hoek Hee Ng và Rainboth tiến hành nghiên cứu tổng quan về các loài thuộc giống Oreoglanis thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Á [6]. Các tác giả đã lập khoá định loại cho 8 loài thuộc giống này. Đối chiếu với mô tả của Hoek Hee Ng và J. Freyhoff về loài O.frenatus, chúng tôi thấy mẫu vật của chúng tôi có sai khác về tỉ lệ chiều cao cuống đuôi, chiều dài cuống đuôi, vây hậu môn không có dải đen (O. frenatuscó dải đen) . Tổng kết của Hoek Hee Ng [6] về giống này cho thấy rằng cấu tạo cơ quan sinh dục của con đực và con cái, kiểu râu miệng và rãnh bám ở râu miệng, chiều cao cuống đuôi, chiều dài thuỳ trên và thuỳ dưới vây đuôi khá phân biệt giữa các loài. Giống Oreoglanis hiện biết có 13 loài [6], trong đó có 10 loài ở thượng nguồn sông Mê Kông [6], tại Việt Nam đã có 4 loài thuộc giống này được ghi nhận, 1 loài ở Nậm Rốm [2] (thuộc lưu vực sông Mê Kông) và 3 loài còn lại đều phân bố ở sông Lam [2;6]. Sự có mặt đông đảo các đại diện của giống này tại lưu vực sông Lam phải chăng là một bằng chứng cho thấy sự liên hệ giữa sông Lam cổ với sông Mê Kông cổ. TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG VIỆT
Nguyễn Văn Hảo, Ngô Sĩ Vân (2001), Cá nước ngọt Việt Nam, tập 1. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
Nguyễn Văn Hảo (2005), Cá nước ngọt Việt Nam, tập 2 & tập 3. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
Pravđin (1978), Hướng dẫn nghiên cứu cá, Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
Mai Đình Yên (1978), Định loại cá nước ngọt các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
Hoek Hee Ng, Rainboth W. (2001), A revew of sisorid catfish genus Oreoglanis (Siluriformes, Sisoridae) with descriptions of four new species. Occasional papers of the museum of zoology the university of Michigan, Number, 732.
Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Khoa,Nguyễn Anh Dũng, Hoàng Xuân Trường