NGHIÊN CỨU VỀ SÂU ĐỤC QUẢ CÀ TÍM Leucinodes orbonalis Guenee VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Chủ nhật - 12/07/2020 23:23 547 0
I. MỞ ĐẦU
Cà tím (Solanum melongena L.) là loại cây rau quả có giá trị dinh dưỡng (Hazra và ctv., 2003). Cà tím dùng làm thuốc lợi tiểu, thông mạch và đề phòng chứng vữa động mạch, bệnh tiểu đường, điều trị chứng viêm khớp, làm giảm cholesterol trong máu (Khan, 1979; Silva và ctv., 1999). Do đó, cà tím được sử dụng trong ẩm thực của nhiều quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam.
Ở nước ta, cây cà tím được trồng khá phổ biến, hiệu quả đem lại từ việc trồng cà tím khá cao, 1 ha trung bình cho năng suất khoảng 50 - 60 tấn, thu từ 100 - 150 triệu/ha/vụ. Trong những năm gần đây cà tím được trồng khá phổ biến ở các địa phương trong toàn quốc. Tại Nghệ An, cà tím được trồng tập trung chủ yếu các huyện như Nam Đàn, Quỳnh Lưu,... và là loại cây trong cơ cấu chuyển dịch cây trồng, chiếm ưu thế trong diện tích trồng các loại rau ăn quả. Tuy vậy, cà tím bị nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm phá hại làm giảm năng suất và phẩm chất, trong đó sâu đục đọt, đục quả là đối tượng gây hại nghiêm trọng nhất. Bài báo này cung cấp kết quả nghiên cứu về sâu đục quả cà tím Leucinodes orbonalis Guenee - một đối tượng gây hại nguy hiểm trên cà tím tại Nam Đàn, Nghệ An.
II. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
1. Đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái sâu đục quả cà tím Leucinodes orbonalis Guenée
Trưởng thành sâu đục quả cà tím Leucinodes orbonalis Guenee là một loài ngài nhỏ có màu trắng xen lẫn những đốm màu nâu đậm, phần bụng màu nâu có phủ lớp phấn trắng. Chiều dài cơ thể con cái biến động 9,6 - 12,3 mm, sải cánh 19,9 - 25,2 mm, con đực nhỏ hơn con cái. Râu đầu dạng sợi chỉ màu nâu và có phủ lớp phấn trắng. Cánh trước hình tam giác, trên cánh trước có 3 vệt nâu đen, trong đó 1 vệt gốc cánh, 1 vệt mép ngoài cánh hình trăng non và 1 vệt giữa cánh hình đồng hồ cát. Cánh sau rộng và ngắn hơn cánh trước, có điểm 2 chấm đen ở giữa cánh và mép ngoài cánh. Bụng có 10 đốt, đốt cuối nhọn hơn so với các đốt khác (hình 1).
Trứng dẹp, màu trắng sữa, được đẻ rải rác hoặc thành từng cụm 4 - 15 trứng xếp hình vảy ở mặt dưới lá (hình 1). Lúc mới đẻ trứng có màu vàng nhạt, sau 2 ngày trứng có màu vàng nâu, sau khi trứng nở vỏ trứng màu xám trắng. Sâu non trải qua 5 lần lột xác, có 6 tuổi. Nhộng (kén) màu nâu đỏ, sang ngày thứ 3 kén chuyển sang màu nâu đậm, sắp vũ hóa kén có màu nâu đen.
Theo dõi sự phát triển của sâu đục quả trong điều kiện phòng thí nghiệm (nhiệt độ: 26 - 33oC và ẩm độ: 80%) ghi nhận vòng đời của chúng kéo dài 24 - 28 ngày, trung bình 25,3 + 0,92 ngày, trong đó giai đoạn trứng kéo dài 5,07 + 0,25 ngày, giai đoạn sâu non kéo dài 10,70 ± 0,75 ngày, giai đoạn nhộng 8,37 ± 0,49, giai đoạn trước đẻ trứng 1,17 ± 0,38 ngày.
Sau khi vũ hoá trưởng thành sâu đục trái có thời gian dinh dưỡng thêm 1 - 2 ngày, thời gian đẻ trứng kéo dài 2 - 4 ngày, trung bình 3,2 ± 0,63 ngày. Khả năng đẻ trứng của con cái khá cao, trung bình một con cái có thể đẻ 249,5 ± 72,8 trứng. Tỷ lệ trứng nở cao (85,92 ± 12,17), tỷ lệ sâu non làm nhộng và tỷ lệ nhộng vũ hoá đều rất cao (95,51 ± 0,47; 97,70 ± 0,70%), tỷ lệ đực cái là 47:53.


2. Mức độ gây hại của sâu đục quả cà tím L. orbonalis
Tại xã Xuân Hòa, ghi nhận thấy sâu đục quả cà tím bắt đầu xuất hiện trên đọt từ 20 ngày sau khi trồng (NST) với mật độ thấp 0,07 con/cây, tỷ lệ đọt bị hại 2,38%. Giai đoạn từ 20 - 30 NST sâu chỉ gây hại trên đọt cà, tỷ lệ đọt bị hại lên 2,38 - 3,7% (hình 2).


Hình 2. Mức độ gây hại của sâu đục quả Leucinodes orbonalis Guenee
trên cà tím tại xã Xuân Hòa, Nam Đàn, Nghệ An

Giai đoạn 30 - 95 ngày sau trồng, cây cà tím phân cành mạnh, hoa và trái xuất hiện nhiều, tỷ lệ đọt bị hại ít biết động (1,43 - 3,01%) nhưng tỷ lệ quả bị hại và mật độ sâu hại gia tăng. Quả cà tím bị hại từ giai đoạn 35 NST. Trong giai đoạn 35 - 65 NST tỷ lệ quả bị hại gia tăng, trong đó tỷ lệ quả bị hại là 40 - 45 NST (5,71 - 5,26%) và đến 55 - 60 NST tỷ lệ quả bị hại là 6,35 - 6,415%. Giai đoạn cà tím 65 NST tỷ lệ quả bị hại giảm xuống chỉ còn 3,45%, sau giai đoạn này tỷ lệ quả bị hại gia tăng liện tục đến 95 NST (hình 2).
Giai đoạn 100 - 150 NST, sâu đục quả gây hại ngày một gia tăng, tỷ lệ đọt bị hại, quả bị hại và mật số sâu hại/cây cao nhất, trong đó giai đoạn 125 - 130 NST bị sâu đục quả gây hại nặng nhất. Trong thời điểm này tỷ lệ đọt bị hại 6,62 - 7,14%, tỷ lệ quả bị hại lên tới 27,34 - 29,79% và mật độ sâu lên 4,67 - 5,07 con/cây. Đây có thể là giai đoạn cây cà có nhiều trái và trái chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất, thuận lợi cho sâu hại phát triển. Giai đoạn 155 NST đến cuối vụ (180 ngày sau trồng), mức độ gây hại của sâu đục quả giảm. Tỷ lệ đọt, tỷ lệ quả bị hại và mật độ sâu hại giảm xuống (hình 2).
Tại xã Nam Anh, ghi nhận sâu đục quả cà tím bắt đầu xuất hiện từ 25 ngày sau trồng với mật độ trung bình 0,07 con/cây, tỷ lệ đọt bị hại 1,89%. Giai đoạn 30 ngày sau trồng mới ghi nhận được sâu gây hại trên quả. Tỷ lệ quả bị hại còn thấp (4,55%) (hình 3).
Giai đoạn 35 - 85 NST sâu đục quả gây hại chưa cao, tỷ lệ đọt bị hại biến động từ 1,54 - 4,19%, tỷ lệ quả bị hại 2,38 - 6,67%, mật độ 0,2 - 1,13 con/cây. Giai đoạn từ 90 - 165 NST sâu gây hại nặng cho cây cà tím, trong đó gây hại nặng nhất là giai đoạn 110 - 115 NST. Tại đây tỷ lệ đọt bị hại lên 6,67 - 7,67%, tỷ lệ quả bị hại 27,81 - 30,46% và mật độ sâu hại 4,48 - 5,47con/cây. Từ 120 - 165 NST mức độ gây hại của sâu đục quả từ từ giảm xuống. Mức độ gây hại của chúng giảm nhanh hơn từ giai đoạn 170 NST đến cuối vụ (hình 3).


Hình 3. Mức độ gây hại của sâu đục trái Leucinodes orbonalis Guenee
trên cây cà tím tại xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An

Như vậy, trên 2 địa điểm điều tra ghi nhận, sâu đục quả cà tím bắt đầu xuất hiện và gây hại từ 20 - 30 NST. Sâu đục quả bắt đầu gây hại trái từ giai đoạn 30 - 40 NST. Sâu đục quả gây hại nặng trên cây cà tím từ giai đoạn 90 - 165 NST và gây hại nặng nhất ở giai đoạn từ 110 - 130 NST.
Qua kết quả theo dõi sự phát triển của sâu đục đọt, đục quả cà tím trong điều kiện phòng thí nghiệm cho thấy, cà tím là loại thức ăn ức thích của Leucinodes orbonalis Guenee và sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển của chúng.
III. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
1. Biện pháp canh tác:
- Chọn những giống ít bị sâu đục quả gây hại đưa vào sản xuất.
- Làm đất kỹ đặc biệt lưu ý công tác vệ sinh đồng ruộng tiêu hủy sạch tàn dư, cỏ dại nơi cư trú của trưởng thành sâu đục quả cà.
- Bón phân cân đối hợp lý tạo điều kiện cho cây cà sinh trưởng phát triển khỏe tăng khả năng chống chịu.
- Không để ruộng cà bị cỏ dại lấn át, tốt nhất là dùng màng phủ nilon (phủ luống cà bằng nilon) vừa hạn chế cỏ vừa hạn chế sâu hóa nhộng trong đất.
- Thăm đồng thường xuyên tỉa bỏ những cành, quả bị sâu đục, cành già thu gom và tiêu hủy (không vứt bừa bãi trên ruộng), đặc biệt khi cây ra hoa rộ (35-40 ngày sau trồng).
2. Biện pháp hóa học:
Sau trồng 15-20 tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện trưởng thành sâu đục quả ra rộ cần phun thuốc hóa học Match; Vertimex; Ammate, Radiant ... theo hướng dẫn trên bao bì, nhẫn thuốc.
IV. KẾT LUẬN
Tại Nam Đàn - Nghệ An sâu đục trái cà tím bắt đầu xuất hiện và gây hại từ 20 - 30 ngày sau trồng, gây hại trái từ 30 - 40 ngày sau trồng, gây hại nặng trên cây cà tím từ giai đoạn 90 - 165 NST và nặng nhất ở giai đoạn từ 110 - 130 NST.
Trong điều kiện phòng thí nghiệm, vòng đời của sâu đục trái Leucinodes orbonalis Guenee khoảng 25,30 ± 0,92 ngày, trong đó giai đoạn trứng kéo dài 5,07 ± 0,25 ngày, giai đoạn sâu non 10,70 ± 0,75 ngày, trải qua 5 lần lột xác, giai đoạn nhộng 8,37 ± 0,49 ngày và giai đoạn tiền đẻ trứng 1,17 ± 0,38 ngày.
Khả năng phát triển của sâu đục trái Leucinodes orbonalis Guenee rất cao. Tỷ lệ sâu non làm nhộng 95,51 ± 0,47%, tỷ lệ nhộng vũ hoá 97,70 ± 0,70%.
Áp dụng các biện pháp canh tác tỉa bỏ, thu gom quả, cành bị sâu đem tiêu hủy (sau trồng 35-40 ngày), che phủ bằng nilon để hạn chế sâu hóa nhộng trong đất là biện pháp tích cực hạn chế sự gây hại của sâu đục quả cà.
Sau trồng 15-20 tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện trưởng thành sâu đục quả ra rộ cần phun thuốc hóa học Match; Vertimex; Ammate, Radiant, ... theo hướng dẫn trên bao bì, nhẫn thuốc.        
Hình ảnh về sâu đục quả cà tím

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây