NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG SẠT LỞ ĐẤT Ở MIỀN NÚI

Thứ tư - 30/10/2024 23:08 799 0
Sau cơn bão số 3 vừa qua, mưa lớn trút xuống do hoàn lưu sau bão gây ra, những nỗi đau ập đến vì sạt lở đất ở miền núi Tây Bắc, kéo theo hàng trăm người chết và mất tích, có những nơi cả làng bị xóa sổ. Số người tử vong do sạt lở đất cao gấp nhiều lần so với bão Yagi. Đơn cử như làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có 37 nóc nhà với 158 nhân khẩu. Vậy mà sau 1 trận lở đất xẩy ra đã làm cho 54 người chết, 13 người mất tích, 16 người bị thương, chỉ còn lại 87 người an toàn. Toàn bộ nhà cửa, tài sản của dân làng bị vùi lấp. Có thể nói các vụ lở đất xẩy ra vừa qua ở các địa phương miền núi Tây Bắc thật kinh hoàng, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng chưa từng có ở nước ta.
Nguyên nhân dẫn đến sạt lở
Sạt lở đất đá thường dễ xảy ra, chủ yếu ở các địa phương thuộc khu vực miền núi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, tập trung mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan cho biết, bão số 3 mang theo hoàn lưu của nó như một quả bom nước. Thực tế là trong vòng 02 ngày 8 và 9 tổng lượng mưa ở vùng miền núi và trung du phía Bắc lên đến 350 – 400 mm, thậm chí có nơi lên đến 500 – 600 mm. Vì vậy nơi nào địa hình đồi núi càng dốc, nơi đó sẽ là thảm họa. Việc sạt lở đất ở các địa phương miền núi và trung du vốn dĩ có nền đất dốc lại ngậm no nước từ các trận mưa lớn trước, tiếp đến lại thêm nước các trận mưa sau làm cho đất không thấm thêm nước được nữa (bão hòa nước) mà thấm thêm chỉ làm đất nhão hơn, nặng hơn dễ xảy ra sạt trượt đất bất ngờ rất khó chống đỡ. Thậm chí khi mưa đã ngớt vẫn tiếp tục có những điểm sạt lở xảy ra.
Theo TS Nguyễn Quốc Khánh – Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc mới đây chủ yếu do mưa lớn. Ngoài ra còn được bồi thêm bởi các yếu tố khác, như: Độ dốc lớn, phá rừng, khai thác khoáng sản, khai thác đất núi làm đường giao thông, các công tringh thủy lợi ... và cắt dốc không đúng cách.
Ngoài những ý kiến trên, còn có những nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, đó là: Cấu trúc đất hay còn gọi là liên kết đất yếu hoặc đã xảy ra hiện tượng nứt nẻ đất, hoặc địa tầng khác nhau. Thí dụ, các sườn núi dốc bị mất thảm thực vật do con người đốt cháy hoặc chặt phá để khai thác lâm sản, lấy đất làm nương rẫy ... chính thảm thực vật trên mặt đất làm cho đất không bị xói lở và nếu không có hệ thống các rễ cây, bụi rậm ... đất đá dễ bị trôi trượt, sạt lở khi có mưa to, mưa kéo dài làm cho kết cấu đất không còn, mưa kéo dài làm cho kết cấu đất không còn bền vững.
Sạt lở đất có thể gây ra tỷ lệ tử vong và thương tích cao do nước, đất đá tuôn trào chảy xiết. Nguyên nhân gây tử vong trong các vụ lở đất chủ yếu là do bị chấn thương hoặc bị ngạt thở gây ra. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận hàng ngàn người chết do sạt lở đất. Riêng tại Mỹ, theo cơ quan Khí tượng Thủy văn Hoa Kỳ cho biết, trung bình mỗi năm có từ 25 - 50 người chết và hàng trăm người bị chấn thương do sạt lở đất. Tại Việt Nam vừa qua cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại về kinh tế sơ bộ được đánh giá trên 81.503 tỷ đồng, làm 334 người chết và mất tích, trong đó có 318 người chết và 26 người mất tich do sạt lở đất, lũ quét, 1.976 người bị thương. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 282.000 căn nhà; 3.755 trường học bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, bị vùi lấp do sạt lở đất. Về nông nghiệp thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 30.800 tỷ đồng. Trong đó khoảng 285.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 289.982 ha rừng; 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi và khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết. Rất nhiều công trình hạ tầng bị đổ sập, hư hỏng như đường dây truyền tải, trạm biến áp, cột viễn thông, tuyến cáp quang, trạm BTS bị mất liên lạc. Về giao thông và thủy lợi có 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở; 3.517 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thiên tai làm cho tăng trưởng GDP giúp quý III của cả nước có thể giảm 0,35%; quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3 ... Ước cả năm 2024 GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt từ 6,8 – 7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05%; dịch vụ giảm 0,22%.
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở 26 tỉnh, thành miền Bắc nước ta. Tại cuộc hội nghị phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 – bão Yagi vào sáng ngày 28/9 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: “Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề. Thiệt hại về người rất lớn, nhiều người mất tích vẫn chưa tìm thấy. Sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân là rất nặng nề. Nhiều gia đình vẫn phải ở tạm, nhiều bản làng vẫn phải rất lâu mới có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Trong thực tế hiện nay không riêng gì ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, mà ngay cả các huyện miền núi cao ở tỉnh ta, như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp ... tại những địa phương này, ở đâu có núi cao nhiều, độ dốc sườn núi lớn, cây cối thưa thớt, thảm thực vật trên bề mặt đồi núi ít hoặc bị đốt cháy, khe suối hẹp và sâu ... thì ở đó sau mỗi trận mưa lớn, mưa kéo dài rất dễ xẩy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.
Không những trong mùa mưa bão năm nay, mà năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa bão lớn từ tháng 9 đến hết tháng 11 hằng năm lại xảy ra ngập úng, sạt lở đất. Điển hình như trên quốc lộ 7, đoạn đường từ huyện Anh Sơn lên cửa khẩu Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn mùa mưa bão nào cũng xẩy ra sạt lở đất gây ách tắc giao thông. Đặc biệt trên đoạn đường này tại điểm dốc Chó thuộc xã Lạng Khê, huyện Con Cuông chỉ cần có 1 trận mưa to là sạt lở đất, đá vùi lấp mặt đường. Ngay chiều và đêm ngày 20/9 vừa qua sau trận mưa lớn đã có cả một khối lượng lớn đất đá tuôn trào xuống vùi lấp mặt đường.
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện trên địa bàn các huyện miền núi có tới 449 điểm nguy cơ sạt lở núi, 54 điểm ngập úng cầu tràn.
Vẫn biết nguy cơ và hậu quả của sạt lở đất đá, lũ quét, ngập úng; nhưng tại sao rất khó chống đỡ? Bởi vì biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, thiên tai quá cực đoan vượt mọi sự chịu tải của hạ tầng.
Đề phòng và phòng chống sạt lở
Đề phòng và phòng chống sạt lở là việc làm thường xuyên, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay và hiện tượng thiên tai ngày càng cực đoan khó lường. Vì vậy, phải luôn luôn trong tư thế đề phòng và phòng chống sạt lở đất, nhất là trong khu vực có nguy cơ cao sạt lở. Trong nhiều biện pháp đề phòng và phòng chống sạt lở, cần lưu ý thực hiện một số biện pháp sau đây:
Một: Cần tiến hành điều tra khảo sát lập bản đồ hiện trạng, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở vùng miền núi trung du. Về vấn đề này, ngày 27/10/2023 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1262/QĐ-TTB phê duyệt đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét ở khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Đề án đặt mục tiêu: Đến năm 2023, Việt Nam cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ cao; hoàn thiện hệ thống thông tin cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp 2 chiều giữa cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu để cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các địa phương miền núi, trung du.
Hai: Trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét trong mùa mưa bão phải thương xuyên lắng nghe xem có âm thành (tiếng động) bất thường xẩy ra từ trong lòng đất cho thấy các mảnh vụn đang di chuyển trong đất hay tiếng gãy đổ của cây cối hoặc đất đá va chạm vào nhau.
Nếu ở gần một dòng chảy sông, khe suối thì phải cảnh giác trước sự tăng hoặc giảm đột ngột của dòng nước chảy và chú ý sự thay đổi màu nước từ trong sang đục. Nếu có sự thay đổi màu nước, đó là dấu hiệu của sự sạt lở đất đá xảy ra.
Ba: Quản lý và nghiêm cấm vấn nạn chặt phá rừng lấy gỗ, đốt phá rừng lấy đất làm nương rẫy, nhất là các cùng có nhiều đồi núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông ...
Bốn: Đẩy mạnh phong trào trồng rừng, trồng cây xanh phải phủ kín đồi núi trọc càng nhiều càng tốt. Trồng rừng nên chú trọng trồng rừng gỗ lớn vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo có độ che phủ tốt và kéo dài thời gian từ khi trồng đến thu hoạch.
Năm: Hạn chế khai thác đất đá dưới chân núi, nhất là ở những quả đồi núi ít cây xanh, thảm thực vật thưa thớt, độ dốc mái núi có góc nhỏ hẹp rất dễ xẩy ra sạt lở đất khi có mưa to, mưa kéo dài. Khai thác đất đá ở dưới chân núi phải có quy trình đảm bảo không làm ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của cả quả núi khi có mưa to.
Đặc biệt ở những đoạn đường giao thông lớn, như đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ ... đi dưới chân núi khi có nhu cầu mở rộng đường cần khoét sâu vào chân núi thì phải đảm bảo từ chân núi lên mái núi có độ dốc trượt lớn, không thẳng đứng hoặc góc thẳng đứng nhỏ hẹp. Kinh nghiệm một số địa phương ở Trung Quốc, những đoạn đường giao thông đi qua dưới chân núi có độ dốc dù lớn hay  nhỏ thì ở phía trên mái núi đều được trồng cây thân gỗ lớn, phía dưới mái núi gần đường được lát các tấm bê tông dày, nặng ghép lại thành mặt phẳng cho nước chảy trượt trên đó xuống hệ thống mương tiêu thoát nước bên mép đường.
Sáu: Cần có kế hoạch diễn tập sơ tán dân ở những khu vực có thể xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét khi có mưa to, gió mạnh.

Tác giả bài viết: HL-KH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây