Hội thảo khoa học Bàn giải pháp phát triển, khai thác chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Gừng Kỳ Sơn”

Thứ hai - 29/11/2021 04:45 878 0
Chiều ngày 28/10, UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức Hội thảo khoa học Bàn giải pháp phát triển, khai thác chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Gừng Kỳ Sơn”
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo UBND huyện, các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, ban tuyên giáo huyện ủy và đại diện một số hợp tác xã, công ty doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ đóng trên địa bàn,... Đồng chí Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội thảo.
Với điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu mang nhiều nét đặc trưng, tạo nên tính đặc thù nên cây gừng được trồng từ những năm 60 - 70 thế kỷ trước, tập trung chủ yếu ở các xã đồng bào dân tộc Mông của huyện Kỳ Sơn, hàng năm sản xuất ra hàng ngàn tấn gừng được tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước như Sài Gòn, Hà Nội và một phần xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Pakistan, Banglades, các nước tây, trung Á khoảng 1.000 tấn thông qua các công ty như Cổ phần đầu tư và phát triển Hợp tác xã và Doanh nghiệp nhỏ (CSECO), công ty DRAGON Việt Nam, Công ty Nafood,..  
Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Kỳ Sơn" cho sản phẩm Gừng củ của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Theo đó, diện tích đất trồng gừng theo quyết định là 919,10 ha, bao gồm 15 xã, thuộc huyện Kỳ Sơn: Na Ngoi: 295,5 ha; Bảo Thắng: 10 ha; Đoọc Mạy: 100 ha; Mường Lống: 50 ha; Huồi Tụ: 120 ha; Tây Sơn: 150 ha; Nậm Cắn: 50 ha; Nậm Càn: 30 ha; Mường Ải: 20 ha; Mường Típ: 15 ha; Keng Đu: 25 ha; Na Loi: 10 ha; Bắc Lý‎: 13,6 ha; Mỹ  Lý: 10 ha; Bảo Nam: 20 ha. Bao gồm 2 giống gừng chủ yếu: Gừng Dé: 436,0 ha; Gừng trâu: 483,10 ha.
Trong những năm gần đây gừng được người dân trên địa bàn huyện trồng với diện tích ngày càng được mở rộng. Diện tích cây gừng toàn huyện năm 2021 khoảng 853,03 ha, tăng thêm 300 ha so với năm 2017 (tăng 58,6%). Tuy nhiên năm 2021, cây gừng bị nhiễm bệnh thối củ do vi khuẩn và nấm gây ra là do sau khi xây dựng được thương hiệu CDĐL, giá trị của cây gừng Kỳ Sơn được nâng lên trên thị trường, theo đó giá bán cao, nên người dân mở rộng diện tích, trong khi đất canh tác không được xử lí, nguồn giống không bảo bảo chất lượng… làm cho nguồn bệnh  tồn tại trong đất, củ giống có điều kiện phát sinh và gây hại mạnh.
Các đại biểu tham gia hội thảo có những ý kiến trao đổi, thảo luận để phát triển, khai thác tốt “chỉ dẫn địa lý” cho sản phẩm Gừng, UBND huyện cần chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về Chỉ dẫn địa lý Gừng Kỳ Sơn, cụ thể quy định rõ trách nhiệm của các phòng, ban ngành, UBND các hộ dân, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gừng; Tổ chức thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh “gừng Kỳ Sơn” trên địa bàn huyện vào vụ sản xuất gừng hằng năm. Kiểm tra chất lượng sản phẩm gừng (dư lượng thuốc BVTV, các độc tố khác). Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng tem nhãn, lô gô sản phẩm.
Đối với các vùng không nằm trong phạm vi được công nhận chỉ dẫn địa lý mà có diện tích trồng gừng cần phải có giải pháp cụ thể để hạn chế xâm phạm, làm dụng bản quyền thương hiệu gây ảnh hưởng sản phẩm “Gừng Kỳ Sơn”; tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền, quảng bá về chỉ dẫn địa lý gừng Kỳ Sơn.  Đặc biệt đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, làm tốt công tác quản lý chất lượng đầu vào: giống gừng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản gừng. Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất và kinh doanh gừng sử dụng logo, tem nhãn. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sản phẩm gừng nên mua các sản phẩm đã được gắn logo và được bán tại các địa điểm uy tín.
Kết luận tại hội thảo, đồng chí Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện ghi nhận sự đóng góp ý kiến của các thành viên tham dự hội thảo, đồng thời giao cho các phòng ban liên quan tham mưu xây dựng các giải pháp để phát huy chỉ dẫn địa lý sản phẩm gừng với mục tiêu: Nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu Gừng Kỳ Sơn trở thành thương hiệu OCOP, “Gừng hữu cơ”. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh Gừng Kỳ Sơn tích cực, chủ động xây dựng, phát triển thương hiệu, tạo dựng uy tín doanh nghiệp, HTX trên thị trường. Phát triển thương hiệu “Gừng Kỳ Sơn” gắn với phát triển các sản phẩm chế biến từ gừng. Tiến tới xây dựng, phát triển thương hiệu “Gừng Kỳ Sơn” là sản phẩm thương hiệu quốc gia.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây