KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CHO HOA CÚC

Chủ nhật - 05/03/2023 21:51 876 0
Để có một vụ hoa Cúc thắng lợi ngoài kỹ thuật trồng, chăm bón thì bà con cần quan tâm phòng trừ sâu bệnh cho hoa để hoa sinh trưởng và phát triển tốt. Bà con thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh từ đó có các biện pháp phòng trị thích hợp. Để giúp bà con chủ động phòng trừ sâu bệnh hại hoa Cúc, chúng tôi trân trọng giới thiệu kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho hoa Cúc như sau:
1. Các loại sâu thường gây hại trên hoa Cúc:
a. Rệp hại:
+ Rệp sống tụ tập trên bề mặt lá, đặc biệt là trên lá non, đài hoa, nụ hoa và ngọn cây hoa. Giai đoạn cây con chúng thường bám vào ngọn, lá non, búp non sau đó chuyển sang đài hoa, nụ hoa, cánh hoa. Rệp chích hút dịch cây tạo ra những vết nhỏ màu vàng nâu hoặc thâm đen, làm cho cây bị mất dinh dưỡng do đó cây trở nên còi cọc, quăn queo, xoăn đọt, lá biến dạng, mầm không vươn lên được. Rệp hại nụ hoa sẽ làm cho thui nụ, hoa không nở được, cánh hoa úa hoặc nhạt màu.
+ Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên quan sát để phát hiện kịp thời, nếu phát hiện rệp xuất hiện với mật độ thấp thì bà con có thể tiêu diệt bằng tay hoặc dùng hồ bột nếp, keo dính để dính rệp.
Khi rệp xuất hiện với mật độ cao thì bà con nên dùng thuốc hóa học để phun trừ. Bà con có thể sử dụng một trong số các loại thuốc sau: Marshal 200SC, Serpal Supe 600EC, Regent 800WG… Sử dụng theo liều khuyến cáo ghi trên nhãn.
b. Sâu xanh, sâu khoang:
+ Sâu non ăn lá non, nụ hoa, trên lá non chúng ăn khuyết, trên nụ chúng đục nụ ăn vào bên trong. Sâu non tuổi lớn đẫy sức di chuyển xuống đất và hóa nhộng. Sâu trưởng thành hoạt động ban đêm, chúng thích mùi vị chua ngọt, ban ngày ít hoạt động, chúng ẩn nấp trong lá cây, chúng đẻ trứng rải rác trên lá cây hoặc nụ hoa, trứng nở sau khi đẻ từ 3-4 ngày.
+ Biện pháp phòng trừ: Đất trồng Cúc tốt nhất nên luân canh với các cây trồng nước để tiêu diệt nguồn nhộng, trứng, sâu non có trong đất, trong cỏ dại. Dùng một số biện pháp thủ công như dùng bả chua ngọt để dẫn dụ, tiêu diệt trưởng thành, bắt bằng tay diệt sâu vào buổi sáng, ngắt bỏ tiêu hủy ổ trứng .
Sử dụng biện pháp sinh học bằng chế phẩm virus nhân đa diện N.P.V phun vào thời kỳ sâu non rất hiệu quả và an toàn với môi trường.
Sử dụng thuốc hóa học khi mật độ sâu vượt ngưỡng kinh tế. Bà con sử dụng một số loại thuốc như: Sherpa 25EC, Azimex 20EC, Scorpion 36EC phun theo liều khuyến cáo.
c. Bọ Trĩ:
Bọ trĩ còn non có màu vàng, trưởng thành có màu đen, kích thước bọ trĩ rất nhỏ. Bọ trĩ có vòng đời ngắn nhưng khả năng sinh sản cao, khi con non chúng chạy dưới mặt lá, gốc cây hoặc nhảy lên cánh hoa. Bọ trĩ hút mật hoa và nhựa cây làm cho lá, hoa bị mất sắc tố dẫn đến hiện tượng vàng là, cánh hoa quăn queo, nhạt màu, hoa bị lỗi.
+ Biện pháp phòng trừ: Sử dụng một số loại thuốc hóa học như: Marshal 200SC, Serpal Supe 600EC, Ascend 20SP, Regent 800WG… Sử dụng theo liều khuyến cáo ghi trên nhãn.
d. Sâu Vẽ Bùa:
Sâu non nằm dưới biểu bì lá ăn lá non, ăn phần diệp lục màu xanh, để lại phần biểu bì trên tạo thành đường ngoằn nghèo màu trắng, làm hỏng lá.
+ Biện pháp phòng trừ: Sử dụng một số loại thuốc hóa học như Selecron 500EC, Brightin 18EC phun theo khuyến cáo ghi trên nhãn.
2. Bệnh hại hoa Cúc:
a. Bệnh đốm đen:
+ Triệu chứng: Lúc đầu trên lá xuất hiện những chấm nâu đen, sau chuyển thành màu đen, từ mép lá lan vào trong phiến lá, vết bệnh có hình tròn, hình bán nguyệt hoặc hình bất định không đều làm lá rụng dần. Bệnh gây hại trên lá già, lá bánh tẻ.
+ Biện pháp phòng trừ: Làm vệ sinh xung quanh vườn, tránh làm nước đọng trên lá, nên tưới nước vào buổi sáng có ánh nắng. Vặt bỏ lá già, lá bị bệnh. Sử dụng một số loại thuốc hóa học để trị bệnh như: Anvil 5SC, Score 250ND, Ziflo 76WG phun theo liều khuyến cáo.
b. Bệnh gỉ sắt:
+ Triệu chứng: Mặt trên lá xuất hiện những chấm nhỏ nổi màu vàng da cam hoặc màu gỉ sắt về sau các vết này có màu vàng nâu, hơi đỏ, bệnh hại mặt dưới lá, chồi non, cuống lá và đôi khi hại cả trên thân làm cho thân teo tóp lại, bệnh hại nặng làm cho vàng lá, cháy lá và rụng sớm.
+ Biện pháp phòng trừ: Thu gom tàn dư cây bệnh đem đốt, vệ sinh vườn cây tạo độ thông thoáng, bón phân cân đối làm cho cây cứng, khỏe mạnh. Phun phòng trừ bằng các loại thuốc như Viben-C 50WP, Anvil 5SC, Copforceblue 51WP. Thuốc có gốc Lưu huỳnh phun khi bệnh xuất hiện, bệnh nặng phun 5-7 ngày/lần.
c. Bệnh phấn trắng:
+ Triệu chứng: Vết bệnh xuất hiện trên lá non, lá bánh tẻ, trên những phần non của cây đang tăng trưởng, có dạng bột trắng xám như bột phấn, hình bất định. Mặt dưới lá mô bệnh chuyển màu vàng nhạt. Bệnh làm cho lá khô héo rụng sớm, nụ thối, hoa nhỏ không nở được hoặc nở lệch một bên.
+ Biện pháp phòng trừ: Cắt hủy cành lá bị bệnh, bón bổ sung Kali để tăng sức chống chịu cho cây. Dùng một số loại thuốc như: Aliette 800WG, Anvil 5SC, Dupont kocide 53.8DF, Mancolaxyl 72WP phun theo hướng dẫn.
d. Bệnh lở cổ rễ:
+ Triệu chứng: Phần cổ rễ sát mặt đất có màu xám nâu, lở loét, rễ bị thối, thân lá tự nhiên bị héo dần và héo khô, khi nhổ lên gốc dễ bị đứt, chỗ vết đứt bị thối nham nhở, có lớp nấm khô màu trắng.
+ Biện pháp phòng trừ: Đất trồng hoa Cúc phải tơi xốp, thoát nước, hạn chế việc xới xáo tránh làm đứt rễ tạo điều kiện cho nấm xâm nhập. Dùng các loại thuốc phòng trừ như: Fundazol 50WP, Rovral 50WP phun theo liều trên nhãn.
e. Bệnh héo xanh vi khuẩn:
+ Triệu chứng: Đây là bệnh hại rất phổ biến ở vùng nhiệt đới ẩm, bệnh thường xuất hiện vào thời điểm từ lúc cây tăng trưởng mạnh đến có nụ, bệnh làm lá non bị héo khi trời nắng, cây bị héo cả cây sau 1-2 ngày, trong điều kiện khí hậu thuận lợi, cây bị héo hoàn toàn nhưng lá vẫn bị xanh, nếu bệnh diễn biến chậm, rễ bất định xuất hiện nhiều trên thân, chẻ dọc thân mô mạch phần thân dưới và rễ hóa nâu.
+ Biện pháp phòng trừ: Chọn đất trồng sạch, mới, đất tơi xốp, đất tốt nhất được luân canh với cây trồng nước, hạn chế việc xới xáo làm đứt rễ, tạo vết thương cơ giới, nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy để tránh lây lan, diệt trừ cỏ dại và phòng trừ các loại môi giới truyền bệnh như rệp, bọ rầy. Sử dụng giống sạch bệnh.

Tác giả bài viết: Minh Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây