Giải pháp quảng bá các đặc sản, sản phẩm truyền thống ở huyện Tân Kỳ, gắn với phát triển du lịch

Thứ năm - 09/12/2021 04:36 565 0
Trong những năm lại đây du lịch nông thôn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đa ngành và gắn chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cao cho người nông dân góp phần tiêu thụ và phát triển, nâng tầm các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm OCOP. Nghệ An có diện tích vùng nông thôn miền núi chiếm hơn 83% và dân số sống ở nông thôn chiếm tỷ trọng trên 65% dân số, nên việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới có tiềm năng rất lớn, vai trò của du lịch nông thôn đã được thể hiện rõ trên các khía cạnh: góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP và phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền.
Thời gian qua ngành Du lịch Nghệ An đã tham mưu triển khai có hiệu quả một số nội dung trong lĩnh vực du lịch theo tinh thần thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị xác định xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 04/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2017-2030; Kế hoạch số 62/KH-UBND 31/01/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về Triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 55-CTr/TU của BTV Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của BCT về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Triển khai Chỉ thị số 31/CT-UBND ngày 17/9/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành và lưu trú du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh quy định cụ thể một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025. Ngành Du lịch chú trọng đến phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn dựa trên khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh. Cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, địa phương quan tâm đến hoạt động phát triển các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, đồng thời khuyến khích hình thành các mô hình trang trại, homestay nghỉ dưỡng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước.
Tân Kỳ là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh 80km về hướng Tây Bắc, phía Ðông giáp huyện Nghĩa Đàn, phía Tây giáp huyện Anh Sơn, phía Nam giáp huyện Đô Lương, phía Bắc giáp huyện Quỳ Hợp. Diện tích tự nhiên 725, 814 km2, dân số 148.457 người (31/12/2019) với 36.483 hộ. Toàn huyện có 22 đơn vị hành chính, gồm 21 xã và 01 thị trấn. Người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm 21,6% (31.999/148.457), với 03 thành phần dân tộc anh em sinh sống là: Kinh, Thái, Thổ cùng sinh sống.
Huyện Tân Kỳ có các lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đối với du lịch văn hóa lịch sử, điểm nhấn là điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 - đường Hồ Chí Minh; khu di tích lịch sử thành Lê Lợi, đình Làng Dụng, đình Làng Sen, đền Song Đồng Ngọc Nữ…; Đối với du lịch sinh thái, huyện có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: hệ thống hang Mó ở xã Tiên Kỳ, thác Bồn ở xã Tân Hợp, cụm hang Thung Khiển, khe Xanh ở xã Nghĩa Phúc, xã Tân An; hệ thống hồ đập phong phú và dòng sông Con thơ mộng....; Du lịch cộng đồng là điểm đến hấp dẫn du khách với việc khám phá các giá trị bản sắc văn hóa bản địa vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, như lễ hội Bươn Xao gắn với làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Thái ở xã Tiên Kỳ, làng nghề đan võng gai của đồng bào Thổ ở Long Thọ, xã Giai Xuân; lễ hội đình Làng Dụng gắn với các tín ngưỡng thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các; các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ (múa cồng chiêng, hát dạ ời, các làn điệu đu đu điềng, tập tình tập tang).
Đến nay, trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao  gồm sản phẩm Cam sông Con; Trứng gà Nghĩa Hoàn, Mật ong Nghĩa Bình; Mật mía Tân Hương, Rượu cần Tiên Đồng, Rượu men lá Tân Hợp. Kế hoạch trong thời gian tới huyện triển khai xây dựng 04 sản phẩm, gồm Nấm Tân Kỳ; viên hoàn Hà thủ ô mật Ong, viên hoàn tinh bột Nghệ mật Ong Thiên Ân; Mật mía Phú Sơn. Các sản phẩm trên địa bàn huyện đã từng bước được đưa vào các siêu thị và giới thiệu quảng bá tại các Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm, một số lễ hội, sự kiện, festival… các sản phẩm địa phương được giới thiệu và quảng bá cho người dân và khách du lịch, một số sản phẩm được dùng làm quà tặng cho các đại biểu tại địa phương và phục vụ khách du lịch cộng đồng tại thôn bản huyện Tân Kỳ.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm truyền thống thành hàng hóa gắn với xây dựng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên toàn địa phương.
2. Xác định thế mạnh sản phẩm nông - lâm nghiệp của địa phương để tiếp tục xây dựng các sản phẩm OCOP phù hợp với thị hiếu và sự tiêu dùng của người dân và du khách.
3. Quy hoạch các điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại các điểm tập trung đông người qua lại và tại các điểm tham quan du lịch trọng điểm của địa phương. Tập trung công tác đào tạo, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương tại thị trường trọng điểm và tại các Hội chợ trong tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin, các mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm.
4. Ban hành các chính sách, tạo cơ chế động lực, ưu tiên và khuyến khích phát triển các Hợp tác xã, các làng có nghề đăng ký và phát triển các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ vay vốn, quỹ tín dụng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
5. Quan tâm kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện để tiếp cận các điểm sản xuất và giới thiệu bán các sản phẩm OCOP cho khách du lịch. Tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.

Tác giả bài viết: Hoàng Đức Chung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây