KINH NGHIỆM XỬ LÝ CỦ GIỐNG KHOAI TÂY TRƯỚC KHI TRỒNG TRONG VỤ ĐÔNG

Thứ bảy - 19/12/2020 22:50 1.386 0
Trồng khoai tây bằng củ là cách phổ biến của nông dân ngoài ruộng sản xuất vì không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên khi thăm đồng ruộng tại nhiều địa phương cho thấy một số bà con nông dân chưa xử lý củ giống trước khi trồng đúng cách, nhất là kỹ thuật bổ (cắt) củ giống dẫn đến củ bị thối, làm cho cây sinh trưởng phát triển chậm dễ bị sâu bệnh hại
Để cây khoai tây sinh trưởng phát triển tốt, xin chia sẻ một số kinh nghiệm xử lý củ giống trước khi trồng như sau:
1. Nên mua khoai giống ở các cơ sở, công ty cung ứng giống có uy tín để đảm bảo tiêu chuẩn vì củ giống sẽ được bảo quản lạnh, các chất dinh dưỡng cũng như độ tuổi sinh lý của cây được đảm bảo. Khi trồng khoai sau này mầm cây sẽ mập, sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế sâu bệnh gây hại nhất là bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh mốc sương, thối củ,….
2. Sau khi nhận khoai giống về bà con để nơi thoáng mát, tránh ánh sáng (ánh sáng trực tiếp sẽ làm giảm tiêu chuẩn chất lượng củ khoai giống). Khi mầm của củ khoai giống nhú bằng hạt đậu (khoảng từ 5 - 7 ngày sau khi nhận khoai giống về) là có thể đem trồng được.
3. Nếu muốn mầm phát triển nhanh cần để nơi thoáng mát, phủ một lớp rơm rạ có độ ẩm vừa phải sẽ kích thích mầm phát triển nhanh hơn. Không nên ủ rơm rạ ướt quá sẽ làm củ bị thối (củ thối sẽ chảy ra nước lây lan bệnh thối củ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây sau này)
4. Đối với củ giống có kích thước lớn trên 50g thì nên bổ (cắt) củ giống trước khi trồng sẽ tiết kiệm lượng giống trồng, giảm chi phí đầu tư ban đầu.
Thông thường  bà con  tiến hành bổ củ giống sau đó chấm xi măng khô, các bước tiến hành như sau:
Trước khi trồng khoảng 1 ngày cần chọn củ giống đảm bảo về về tuổi sinh lý (củ phải được bảo quản trong kho lạnh đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống theo quy định).
 Nên tiến hành bổ củ giống theo chiều dọc củ để các chất dinh dưỡng được phân bố đều trên củ tạo độ đồng đều của cây khoai tây sau khi trồng. Chấm mặt cắt của miếng khoai tây vào xi măng ngay sau khi bổ (cắt) củ để tránh lây nhiễm bệnh sau này. Sau khi chấm xi măng bà con để khoai nơi thoáng mát, tốt nhất là xếp lần lượt lên giàn
Lưu ý:
- Mỗi miếng bổ phải có ít nhất từ 1-2 mầm trở lên để sau khi bổ củ vị trí mầm được phân bố đều cây sẽ sinh trưởng phát triển cân đối về sau
- Nên cắt đôi củ giống (không nên cắt quá 3 phần củ giống, nếu cắt nhiều phần sẽ tạo thành tiết diện miếng cắt lớn làm cho vi khuẩn hay nấm bệnh tấn công gây thối củ)
- Cần nhúng dao vào nước xà phòng đặc hoặc cồn 900 để tránh lây bệnh từ củ này sang củ khác.
- Sau khi bổ củ giống khoảng 1-2 ngày quan sát thấy vết bổ (cắt) khô thì tiến hành mang đi trồng. Bà con cần trồng các củ giống bổ (cắt) ở các luống riêng để tiện cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại sau này./.
                                                                       

Tác giả bài viết: Trần Quang Hào

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây