Nghệ An phấn đấu cung ứng 41 triệu giống cây lâm nghiệp chất lượng cao

Thứ ba - 05/11/2024 04:18 132 0
Nghệ An đang thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024 - 2030" nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 cung ứng 41 triệu giống cây lâm nghiệp chất lượng cao.
Người trồng rừng Nghệ An đang rất thiếu giống keo chất lượng. Ảnh: Văn Trường
Người trồng rừng Nghệ An đang rất thiếu giống keo chất lượng. Ảnh: Văn Trường
Giống cây lâm nghiệp còn nhiều hạn chế
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước, với 180.717 ha. Kết quả khảo sát về tình hình sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tạo giống trên địa bàn tỉnh cho thấy sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đã đạt một số kết quả nhất định. Từ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất giống cây lâm nghiệp đến người trồng rừng đã nhận thức được việc sử dụng giống tốt, giống có chất lượng để đưa vào sản xuất.
Một số cơ sở đã ứng dụng công nghệ trong tạo giống, công nghệ tưới hiện đại trong các vườn ươm. Người trồng rừng nâng cao nhận thức về sử dụng những loại giống tốt, năng suất cao, được đào tạo chuyển giao kỹ thuật trồng rừng, hỗ trợ các tài liệu về gieo ươm, tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng rừng hiệu quả.
Một số tổ chức, cá nhân sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật xây dựng nguồn giống, nắm vững và thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.
Tuy nhiên, năng suất rừng trồng chưa cao, không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân là công nghệ sản xuất mới chỉ tập trung gieo hạt, giâm hom. Các công nghệ tạo giống hiện đại như công nghệ tế bào, công nghệ di truyền phân tử, công nghệ gen chưa được áp dụng.
Chưa kể một số tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh không có Giấy phép đăng ký kinh doanh, không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất dẫn đến chất lượng cây giống không đảm bảo khiến cho một số tổ chức, cá nhân sử dụng cây giống bị thiệt hại.
Một số nguồn giống chưa phát huy tác dụng, có nguồn giống tốt nhưng không có kế hoạch trồng rừng như mỡ, bồ đề, vạng trứng... nên không tạo ra được thị trường giống ổn định, cung cấp cho nhu cầu sản xuất cây con phục vụ trồng rừng.
Giống cây trồng lâm nghiệp chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào các loài mọc nhanh, gỗ nhỏ, chưa phục vụ cho chiến lược trồng rừng gỗ lớn của tỉnh. Hiện tại, một số vườn ươm đã đầu tư công nghệ nhưng số lượng ít, thiếu các rừng giống, vườn giống có chất lượng để cung cấp nguồn hạt giống cho sản xuất.
Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 20/02/2024 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Theo đó, Nghệ An sẽ từng bước xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu, hệ thống vườn ươm lâm nghiệp nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả trồng rừng. Hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu, chọn, tạo sản xuất giống hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác sản xuất giống.
Tập trung hỗ trợ hoàn thiện đưa vào vận hành trung tâm sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao thuộc Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, với các hạng mục đầu tư gồm: Trung tâm Công nghệ cao, Trung tâm Nuôi cấy mô tế bào; Xưởng đóng bầu siêu nhẹ, Khu vườn giống đầu dòng và lưu trữ các nguồn gene; Khu vườn giống lâm đặc sản Bắc Trung Bộ. Xây dựng mới khoảng 10 vườn ươm cố định, phù hợp với quy mô, năng lực và đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, củng cố, cải tạo, nâng cấp khoảng 13 vườn ươm thuộc các đơn vị chủ rừng, Nhà nước hiện đang hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ khoảng 12 triệu cây giống mầm mô chất lượng cao được chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc, huấn luyện phục vụ trồng rừng chất lượng cao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng, công ty lâm nghiệp, với hình thức hỗ trợ sau đầu tư nhằm tiếp cận nâng cao kỹ năng sản xuất cây giống mầm mô chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn.
Xây dựng tiêu chí lựa chọn hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống ngoài quốc doanh, thực hiện một số đề tài nghiên cứu về chọn, tạo khảo nghiệm và phát triển một số loài cây bản địa, cây nhập nội chủ lực làm gỗ lớn. Đến năm 2030, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng di truyền, chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ trồng rừng; tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt từ 95%, sinh khối rừng trồng tăng trưởng đạt từ 20-25m3/ha/năm.

Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất giống để đáp ứng đủ giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng. Đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu về giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 41.500.000 cây giống các loại/năm (gồm cả cây phân tán) và khoảng 1.500.000 - 2.000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ để kết hợp trồng dưới tán rừng.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ gồm: Xác định danh mục các loài cây ưu tiên tại địa phương như nhóm loài cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế, nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ, nhóm loài cây trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước.
Xây dựng hệ thống nguồn giống lâm nghiệp khảo sát, bình tuyển, chọn lọc công nhận khoảng 200-300 cây trội đặc hữu của tỉnh (quế Quỳ, lim xanh, samu, pơ mu, thông nhựa...). Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu, hệ thống vườn ươm lâm nghiệp nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả trồng rừng; Nghiên cứu khoa học về chọn, tạo khảo nghiệm và phát triển một số loài cây bản địa, cây nhập nội chủ lực làm gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có năng suất, chất lượng lợi thế cạnh tranh cao. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giống, chọn tạo bảo tồn nguồn gene quý hiếm.
Nâng cao năng lực quản lý giống cây trồng lâm nghiệp: Rà soát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế thông tin, truyền thông về giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời và minh bạch tới mọi tổ chức, cá nhân có quan tâm. Tăng cường thực thi pháp luật về quản lý và kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.
Tập trung hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống cây trồng lâm nghiệp.
Đồng thời, cung cấp các hình thức hỗ trợ tài chính như khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hay hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và sản xuất giống cây. Tạo các quỹ đầu tư với mục tiêu đầu tư vào các dự án nghiên cứu và sản xuất giống cây mới và cải tiến. Tập trung hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy sớm hoàn thiện Trung tâm Sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đưa vào vận hành để hình thành mạng lưới sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao.
Khuyến khích, các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất hiện có nâng cấp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong xây dựng nguồn giống, cơ sở sản xuất giống có quy mô lớn, cung ứng giống ổn định, lâu dài theo yêu cầu chuỗi sản phẩm, sản xuất và cung cấp giống năng suất chất lượng và thích ứng biến đổi khí hậu...
 

Tác giả bài viết: Văn Trường (BNA)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây