Chúng ta nói nhiều về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), không ít người hiểu về NNCNC chỉ là trồng cây trong nhà lưới, nhà kính, tưới nước nhỏ giọt hay tưới phun như ở Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện nay đang thực hiện. Tại Nghệ An đã có nhiều địa phương và trang trại trồng cây trong nhà lưới, nhà màng, tưới nước phun tự động… cũng được gọi là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nói trên chỉ là một trong cả chuỗi giải pháp của NNCNC. Nếu chỉ thực hiện được 1, 2 hay 3 biện pháp trong cả chuỗi giải pháp ứng dụng NNCNC thì sản phẩm tạo ra không thể gọi là sản phẩm đạt chất lượng NNCNC hoàn chỉnh. Vì sản phẩm đạt chất lượng NNCNC phải được sản xuất chuẩn VietGAP, GlobalGAP và phải đăng ký chất lượng sản phẩm tại cơ quan quản lý nhà nước về sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được kiểm tra, kiểm chứng rõ ràng. Ứng dụng NNCNC bao gồm tất cả các biện pháp kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, ít phụ thuộc vào môi trường, đầu tư vốn nhiều và có khả năng gia tăng năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo ATVSTP, không gây ảnh hướng tới môi trường.
NNCNC được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng thế hệ công nghệ thứ 4 để số hóa, hiện thực hóa các trang trại, nông trại, các chuỗi giá trị được kết nối, tập trung và thông minh trong môi trường tương tác thực và ảo, bảo đảm quá trình sản xuất và kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả, bền vững. Trên thế giới, từ những năm 1990 của thế kỷ 20, nhiều nước như: Mỹ, Anh, Phần Lan, Nhật Bản… đã chuyển từ nền nông nghiệp cổ điển, lạc hậu sang nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa, tin học hóa… để sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ở Nghệ An, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở một số khâu của cả quá trình sản xuất nên chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị sản phẩm, nên chất lượng bị hạn chế, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay, mô hình tiêu biểu nhất về ứng dụng NNCNC có Tập đoàn TH cả trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và cây trồng.
Về cây trồng, điển hình nhất và đáng quan tâm nhất hiện nay ở Nghệ An là cây cam, một trong những loại cây trồng đã có thương hiệu lớn trên thị trường trong nước và thế giới “Cam Xã Đoài”. Từ 5.600 ha năm 2019, nay chỉ còn lại 877 ha do cam bị bệnh phải chặt bỏ. Trong khi đó, Tập đoàn TH đã xây dựng thành công vườn cam rộng 70 ha ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn được ứng dụng NNCNC thành chuối khép kín với thương hiệu “Cam tươi FVF”.
Giống cam được trồng là giống CS1, giống cam này được chọn lọc từ giống cam Xã Đoài bản địa sau đó được tiến hành nhân và phục tráng lại giống theo quy trình phục tráng giống cây ăn quả. Kết quả cho ra đời giống cam CS1 có quả to đều, thơm, ngon, ngọt thanh, sạch bệnh, ít hạt, thịt quả có màu vàng óng, giống nguyên bản chất lượng vốn có của Cam Xã Đoài trước đây. Sản lượng vườn cam này mỗi năm có thể cung cấp ra thị trường 1.000 tấn quả đạt tiêu chuẩn cao. Tại thời điểm này (tháng 12/2024) cả vườn cam như một bức tranh đẹp, cây nào cũng trĩu quả, quả chín đều màu vàng sáng trông rất đẹp.
Có được vườn cam như vậy, Tập đoàn TH đã ứng dụng công nghệ cao ngay từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến phân phối để cho ra đời những quả cam tươi, sạch, chất lượng. Toàn bộ vườn cam 70 ha được áp dụng quy trình sản xuất đạt quy chuẩn VietGAP, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh hóa học, sử dụng nước tưới không ô nhiễm và tưới nước bằng công nghệ tưới nhỏ dọt tự động. Sử dụng phân bón được nhập khẩu từ Israrel kết hợp với nguồn phân hữu cơ greenma do Tập đoàn TH sản xuất từ nguồn phân bò sữa. Tất cả mọi chỉ số về dinh dưỡng, độ ẩm, độ PH, ánh sáng, sâu bệnh, tốc độ gió… đều được cập nhật về điện thoại để theo dõi và từ đó người quản lý vườn cam có biện pháp bổ sung đầy đủ theo yêu cầu cây cam. Vì vậy, cam ở đây vừa thơm ngon, vừa sạch, vừa an toàn, vừa không có sâu bệnh, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Chất lượng quả cam đạt độ ngọt từ 11,5 - 14 độ Briz, giàu các loại vitamin.
Sau 5 năm trồng, hiện nay đã có tới 60% số cây cam cho quả từ năm thứ 3 trở đi, năng suất đạt bình quân 50 tấn quả/ha, cao gấp 1,5 - 2 lần so với cam trồng đại trà. Cam FVF đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, được Viện kiểm nghiệm an toàn VSTP Quốc gia (Bộ Y tế) công bố đạt các tiêu chí về ATTP theo tiêu chuẩn TCVN 1189-1:2017.
Từ mô hình này, hy vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhiều trang trại, nông trại, gia trại và hộ gia đình tùy theo khả năng của mình để xây dựng và hình thành thêm nhiều vùng sản xuất cam và các cây trồng có giá trị khác được ứng dụng NNCNC nhằm đem lại hiệu quả kinh tế lớn.