Một số kết quả ban đầu về hoạt động du lịch cộng đồng ở Quế Phong Nghệ An

Thứ năm - 12/05/2022 05:31 1.042 0
Huyện Quế Phong có quỹ đất rộng, rừng tự nhiên lớn, có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, ngoài những tiềm năng du lịch hai Khu BTTN Pù Huống và Pù Hoạt; thác Xao Va, Thác 7 cấp ở Quế Phong, Đền chín gian, lòng hồ thủy điện Hủa Na…, Quế Phong còn có tiềm năng du lịch nhân văn rất lớn. Đây là địa bàn sinh sống từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc Thái, với bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo, đây cũng là nơi lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hoá đặc sắc là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn, phù hợp mà chúng ta có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).
Điểm đến Quế Phong, ảnh Văn Chung
Điểm đến Quế Phong, ảnh Văn Chung

Thời gian qua hoạt động du lịch ở đây đã manh nha phát triển, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém, chưa khai thác hết tiềm năng, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chưa được cải thiện còn rất nhiều khó khăn, tình trạng mai một tài nguyên đã và đang diễn ra. Vấn đề hiện nay đang đặt ra cho các cấp chính quyền trên địa bàn là làm thế nào người dân có thêm việc làm chính đáng để giải quyết vấn đề đói nghèo cho cộng đồng.
Việc phát triển du lịch ở Quế Phong đã có bước tiến triển ban đầu như đã hình thành trung tâm du lịch quan trọng của tỉnh là trung tâm du lịch văn hoá - sinh thái Quỳ Châu- Quế Phong. Khi có chủ trương tổ chức các tour du lịch cộng đồng, bà con nơi đây rất thích thú và khẳng định ủng hộ chủ trương đầu tư phát triển du lịch công đồng tại địa phương mình. Với kiến trúc nhà ở độc đáo và có bản sắc riêng đã được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, thỏa mãn nhu cầu tham quan và khám phá của du khách. Du lịch cộng đồng hiện có ở Quế Phong, Nghệ An, hiện nay khách du lịch đã có các tour tham dự lễ hội vào dịp đầu năm.
            Du lịch cộng đồng đã mang lại ít nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho địa phương. Trước hết hoạt động DLCĐ tại đây đã mang lại cho người dân những nguồn thu nhập từ việc cho thuê cơ sở lưu trú, phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán đồ lưu niệm… Những hoạt động từ thiện của khách du lịch khi tới đây đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho người dân nhất là các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn. Bên cạnh đó hoạt động du lịch cộng đồng tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư phát triển, tạo điều kiện huy động vốn cho các kế hoạch phát triển du lịch. Nó còn là nguyên nhân phát triển và mở rộng các lĩnh vực kinh tế khác như khu vui chơi, giải trí khu mua sắm, phát triển làng nghề truyền thống.
           Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, hoạt động du lịch cộng đồng đã giúp người dân hiểu và trân trọng những bản sắc văn hóa của chính cộng đồng mình bởi đó là vốn để phát triển du lịch, tạo điều kiện cho du khách được giao lưu văn hóa của các dân tộc, các vùng miền; bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc mình, được phát huy và bồi dưỡng những giá trị đạo đức sâu sắc. Các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển. Văn hóa giao tiếp của người dân không ngừng được nâng lên. DLCĐ còn góp phần bảo vệ, tôn tạo nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của địa phương. Công tác bảo vệ và phát triển rừng rất được quan tâm bởi rừng là yếu tố làm cho khu vực luôn có được khí hậu trong lành, mát mẻ và khách du lịch không chỉ đến tham quan, thưởng thức mà còn có thể coi đó là nơi nghỉ ngơi tốt cho sức khỏe của mình.
1. Một số hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở Quế Phong Nghệ An
Thực hiện Quyết định số 5299/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh Nghệ An, về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 -2020 và giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2020; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An đã phối hợp các huyện Quế Phong và Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch PhucGroup đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng: bản Long Thắng (huyện Quế Phong), đồng thời từng bước hình thành tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch nội vùng và nội tỉnh.
a. Khảo sát, lựa chọn địa điểm, tuyến triển khai mô hình: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An đã phối hợp các huyện Quế Phong và Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch PhucGroup đã phối hợp khảo sát, lựa chọn xây dựng  mô hình: Tại Bản Ná Sái, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (3 hộ, gồm: Hộ gia đình ông Lô Văn Chiến, ông Lô Văn Thắng, ông Hà Văn Thuận)
            Với các tiêu chí lựa chọn: Địa phương có quy hoạch phát triền du lịch cộng động, hộ gia đình có nguyện vọng, tâm huyết tham gia dự án, đã có hoạt động du lịch cộng đồng; dựa vào tiềm năng, tài nguyên du lịch của địa phương, có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng: Tài nguyên du lịch đặc trưng, có nghề truyền thống, Nhà sàn, Các loại hình nghệ thuật truyền thống, Ẩm thực, có thắng cảnh, có di tích, đã có khách du lịch đến tham quan, bản sắc văn hóa của người Thái qua các hoạt động sinh hoạt, canh tác nông nghiệp, khai thác các sản phẩm từ thiên nhiên....Trình độ dân trí ở mức trung bình, có thể tiếp thu các kiến thức cơ bản và truyền đạt lại cho người khác; Người dân có nguyện vọng thiết tha được học tập các kiến thức mới phục vụ phát triển du lịch cộng động. Có nguồn nhân lực tại địa phương để cùng tham gia hoạt động du lịch cộng đồng;  Các hộ dân có nhà sàn, công trình vệ sinh, khung dệt, nhạc cụ... truyền thống của đồng bào dân tộc Thái còn được bảo tồn và phát triển; Các hoạt động sản xuất, đời sống và hoạt động văn nghệ và có hoạt động du lịch cộng đồng sơ khai tại đại phương.
b. Ban chủ nhiệm dự án phối hợp với UBND xã, Ban quản lý bản dự thảo phương án Thành lập ban điều hành tự quản : Ban chủ nhiệm dự án phối hợp với ban quản lý bản Long ThắngHạnh Dịch, huyện Quế Phong tổ chức họp dân và tham mưu dự thảo phương án Thành lập ban điều hành tự quản trình UBND Hạnh Dịch ra quyết định thành lập ban điều hành tự quản. Ban điều hành tự quản có sự liên hệ chặt chẽ với công ty du lịch, khi có khách tham quan, ban điều hành tự quản sẽ giới thiệu khách tới các hộ gia đình hoặc các hộ gia đình sẽ thông báo lại ban điều hành tự quản khi có khách lưu trú, tham quan. Ban chủ nhiệm Dự án, phối hợp với Công ty TNHHMTV Đầu tư du lịch Phúc Group tư vấn về hoạt động du lịch để đảm bảo sự liên kết, phối hợp với chính quyền địa phương doanh nghiệp, có trách nhiệm tham mưu, hỗ trợ đào tạo nhân lực và tư vấn các công tác khác cho ban điều hành tự quản.
     Ban điều hành tự quản: 5 thành viên, gồm Phó chủ tịch xã, trưởng bản, hội phụ nữ và 2 đại diện người dân. Ban điều hành tự quản điều hành chung bộ máy quản lý Du lịch cộng đồng và giám sát hoạt động.
c. Tập huấn cho người dân về kiến thức du lịch cộng đồng: Ban chủ nhiệm Dự án phối hợp với BQL bản Long Thắng, UBND xã Hạnh Dịch Tập, Trung tâm VHTT Huỵện Quế Phong, Giảng viên trường Đại học Vinh và  Công ty TNHHMTV Đầu tư du lịch Phúc Group tỏ chức tập huấn cho người dân và cán bộ địa phương  về kiến thức du lịch cộng đồng: Số lượng: 01 lớp với 35 học viên, gồm Ban điều hành tự quản, cán bộ xã, bản và các hộ dân.
            + Ban chủ nhiệm dự án thu thập các tài liệu, quy định hiện hành liên quan đến du lịch cộng đồng và tài liệu giảng dạy ở bộ môn Du lịch – Khoa Lịch Sử, Trường Đại Học Vinh; Trường Cao đẳng nghề Du lịch – thương mại Nghệ An và Công ty TNHHMTV Đầu tư du lịch Phúc Group và thống nhất các nội dung tài liệu tập huấn và kỹ năng chung trong hoạt động du lịch cộng đồng, với các nội dung:
             + Du lịch và DLCĐ, tài nguyên du lịch và việc phát huy, bảo tồn, giữ gìn tài nguyên du lịch, nâng cao hiểu biết về khách du lịch; Kỹ năng đón tiếp khách du lịch, kinh doanh du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch...
             + Các quy định liên quan đến hoạt động lưu trú của du khách: phòng cháy chữa cháy, kiểm tra khách du lịch và những quy định cụ thể đối với khách du lịch nhằm tạo điều kiện cho người dân nắm và thực hiện tốt các quy định theo pháp luật.
+ Tìm hiểu văn hóa địa phương; Kỹ năng diễn thuyết/ hướng dẫn; Kỹ năng giao tiếp đa văn hóa, biểu diễn văn nghệ; Văn hóa ẩm thực và nghệ thuật trưng bày món ăn; Vệ sinh an toàn thực phẩm – Các nguyên tắc chủ yếu Các doanh nghiệp du lịch/hộ tham gia làm du lịch tại địa phương....
d. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban điều hành tự quản: Ban chủ nhiệm Dự án phối hợp với BQL bản Long thắngHạnh Dịch, huyện Quế Phong họp dân bàn và tham mưu dự thảo và trình UBND xã Hạnh Dịch quyết định ban hành quy chế hoạt động của Ban điều hành tự quản. với các bước thực hiện:
       Bước 1: Dự thảo quy chế hoạt động du lịch cộng đồng.
       Bước 2: Tổ chức họp dân lấy ý kiến thảo luận góp ý cho bản quy chế
        Bước 3: Tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo trình UBND xã ra quyết định ban hành,  quy chế gồm các nội dung chủ yếu sau: Mô tả các thành viên tham gia và chức năng, nhiệm vụ của các thành viên, các nhóm; Mô tả các dịch vụ du lịch được cung cấp tại địa phương; Trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên; Quy định về khen thưởng và xử phạt; Quy chế, các nội quy du lịch cộng đồng, cơ chế chia sẻ lợi ích.
xây dựng gói sản phẩm, tour du lịch cộng đồng điểm du lịch cộng đồng bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.
Tour 2 ngày, 1 đêm: Vinh - Bản  Long Thắng (Thái cổ), xã Hạnh Dịch, tham quan Thác ba tầng, Bảy tầng, Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt - Lòng Hồ Thủy điện Hủa Na, Đền Chín gian - Vinh.
           Tham quan Bản, làng, Vui chơi, tắm tại thác, chụp ảnh kỷ niệm, du thuyền lòng Hồ Thủy điện Hủa Na, câu cá theo kinh nghiệm của người dân, tham quan Thủy điện Hủa Na, Đền chín gian huyện Quế Phong, thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Thái - Giao lưu văn hóa văn nghệ, uống rượu cần, nhảy sạp với dân bản, dệt thổ cẩm với dân bản, ngủ tại nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái.
2. Hỗ trợ cơ sở vật chất cho xã Hạnh Dịch và các hộ dân để thực hiện mô hình
            Để tổ chức tour thành công, thông qua khảo sát các hộ dân và phòng văn hóa, thể thao và du lịch, trung tâm văn hóa huyện, UBND  xã Hạnh Dịch. Nhiệm vụ hỗ trợ, bổ sung một số hạng mục:
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ và trao cho Bản Long Thắng, xá Hạnh Dịch: 01 biển checkin 2 mặt ( 3*5m), 01 trái tim và 01 lồng chim tạo điểm checkin cho du khách tại thác 7 tầng, bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch; Đối với 3 hộ dân tham gia làm homestay, mỗi hộ 05 bộ chăn, ga, gối, đệm của người thái phục vụ homestay ; 05 chăn bông; Hỗ trợ kinh phí cho 3 hộ dân để trang bị khung dệt thổ cẩm; mỗi hộ 01 bồn nước Tân Á và các trang thiết bị nhà vệ sinh, nhà tắm: Bồn rửa mặt, vòi hoa sen...; mỗi hộ dân 01 biển homestay.
Đối với đội văn nghệ của bản Long Thắng: được hỗ trợ 10 triệu đồng, để tu bổ, sữa chữa nhạc cụ, mua sắm thêm trang phục biểu diễn phục vụ khách du lịch và 3 triệu đồng để tổ chức tập luyện các tiết mục văn nghệ, phục vụ du khách, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của làng bản.
Ngoài các nội dung hỗ trợ trên, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An còn mở các tập huấn nâng cao năng lực trong việc phát triển du lịch cộng đồng cho người dân tại bản Long Thắng, xây dựng phóng sự truyền hình để thực hiện tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng mối liên kết du lịch cộng đồng giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cộng động người dân được các bên tham gia mối liên kết thống nhất ký xác nhận.
Với sự hỗ trợ thiết thực này, phần nào giúp các hộ làm homestay và bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch từng bước hoàn thiện các điều kiện để thực hiện đón tiếp khách du lịch được tốt hơn. Góp phần đưa loại hình du lịch cộng đồng tại Bản cũng như du lịch huyện nhà ngày càng phát triển.

3. Thử nghiệm tour du lịch cộng đồng được xây dựng
Thử nghiệm tour (gói sản phẩm du lịch) của mô hình: điểm du lịch cộng đồng bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, gồm:
Tour 2 ngày, 1 đêm: Vinh - Bản  Long Thắng (Thái cổ), xã Hạnh Dịch, tham quan Thác ba tầng, Bảy tầng, Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt - Lòng Hồ Thủy điện Hủa Na, Đền Chín gian - Vinh.
Ban chủ nhiệm dự án phối hợp với công ty TNHH MTV đầu tư du lịch PhucGroup tổ chức tour du lịch cộng đồng và thử nghiệm tại bản, với dự kiến đoàn khách tham gia tour: 30 khách, 1.400.000đ/ người. Với các hoạt động: homestay du khách ăn, ở, sinh hoạt với đồng bào Thái. Du khách khi đến thăm các điểm du lịch cộng đồng sẽ được người dân dẫn đi tham quan làng bản, thăm nhà sàn Thái, nghe các tích chuyện của bản, của mường, được tìm hiểu về đời sống sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của bà con, tắm tại suối, thác, chụp ảnh kỷ niệm, thả lưới bắt cá trong lòng hồ thủy điện, tham quan Thủy điện Hủa Na, Đền chín gian huyện Quế Phong, Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt.
            Thưởng thức ẩm với các món ăn truyền thống của người Thái: như cơm lam, xôi ngũ sắc, gà nướng, cá nướng,  thịt nướng,  nộm hoa chuối, mọc, các món rau rừng …  Giao lưu văn nghệ hát dân ca Thái, nhảy sạp, múa lăm vông, đánh cồng chiêng, uống rượu cần; được trải nghiệm ngủ nhà sàn của đồng bào Thái. Đến đây, du khách được tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ, được trải nghiệm lao động, sản xuất cùng bà con… được hòa mình trong điệu nhảy sạp, khắc luống rộn ràng và ngây ngất trong men rượu cần nồng nàn
4. Kết quả đạt được
Với mô hình du lịch cộng đồng nói trên dự án đã tăng cường hỗ trợ cộng đồng phát triển du lịch, hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và du lịch, nâng cao trình độ dân trí, nhất là trình độ chuyên môn về du lịch, hỗ trợ cộng đồng các trang, thiết bị cơ bản về vật chất, kỹ thuật du lịch để tạo điều kiện ban đầu phục vụ du khách.
a. Về phát triển Du Lịch cộng đồng
Tại điểm du lịch bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, Quế Phong, hiện tại đã có hệ thống các homestay, điểm nghỉ, các nhà gỗ, phục vụ cho nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách, ban đầu có 3 hộ tham gia nay đã phát triển lên 7 hộ tham gia homestay. Đặc biệt, sau khi nhận được hỗ trợ từ nhiệm vụ khoa học, tư vấn của Ban chủ nhiệm dự án người dân đã mạnh dạn đầu tư thêm cơ sở vật chất như: chăn, đệm, màn, tu sửa công trình vệ sinh, sân, vườn, sơn sửa lại nhà cửa… để phục vụ DLCĐ, các hộ dân cũng đã mạnh dạn cải tạo nhà ở khu vệ sinh đảm bảo yêu cầu, 2 hộ đã tu sửa nhà cửa với kinh phí  150 triệu đồng/ hộ, hoạt động DLCĐ được coi như là 1 ngày hội của bản, mỗi khi có đoàn khách du lịch đến điểm DLCĐ này. Ban quản lý bản đã tổ chức các buổi vệ sinh thôn bản sạch đẹp, điểm dựng biển checkin đẹp, thoáng  có không gian cả bản, chỉ dẫn cụ thể và sinh động. Cảnh quan làng bản được vệ sinh sạch đẹp hơn.
Ông Hà Thanh Long – Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết: Hiện tại, xung quanh khu vực thác đã có thêm một số homestay được xây dựng, và được ngành du lịch lựa chọn thành điểm đến trong hành trình khám phá miền Tây Nghệ An. Để đảm bảo cảnh quan xung quanh khu vực thác, xã chỉ cho phép các hộ dân làm lán, nhà bằng gỗ và tre, việc đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch cũng được ưu tiên hàng đầu. Homestay Lâm Khang, đã chỉnh trang, nâng cấp và làm mới cơ sở vật chất, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan, điểm check in.
Ngoài ra, UBND huyện Quế Phong cũng phát triển thêm các điểm du lịch cộng đồng trải nghiệm khác: mô hình du lịch cộng đồng bản Cọ Muồng để xây dựng; Farmstay Nhật Minh
b. Về khách du lịch và hoạt động du lịch cộng đồng
Tại điểm du lịch bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, Quế Phong các Homestay đã thường xuyên đón bình quân 1 tháng 4 đoàn với gần 100 lượt khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, trải nghiệm; Tham gia trải nghiệm, du khách được cùng ăn, cùng ở với người dân tộc Thái thông qua các hoạt động uống rượu cần, nhảy sạp, đốt lửa trại, bắt cá, mò ốc, leo đồi hái rau rừng... và nhiều dịch vụ thú vị khác
Đến đầu năm 2022, điểm nghỉ dưỡng Homestay Lâm Khang đã thường xuyên đón bình quân 1 tháng 4 đoàn với gần 100 lượt khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, trải nghiệm; Farmstay Nhật Minh đón bình quân 1 tháng 5 đoàn với gần 100 lượt khách. ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tài nguyên du lịch, tận dụng các cơ hội thuận lợi sẵn có của địa phương, tạo bước phát triển mạnh mẽ về KT-XH nói chung và phát triển du lịch huyện nhà nói riêng, UBND huyện Quế Phong ban hành “Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Quế Phong, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến Quế phong đón tiếp khoảng 8.000 lượt khách/năm.
Một số hoạt động du lịch cộng đồng
Tên sản phẩm Mục đích Mô tả Yêu cầu cơ sở vật chất/năng lực
Homestay Khách du lịch ở trong nhà dân để trải nghiệm cuộc sống gia đình và văn hóa dân tộc Thái Khách ăn, ở, ngủ sinh hoạt trong gia đình
Các dịch vụ bổ sung như đi tham quan làng bản, các mô hình hinh tế trong bản,  xem biểu diễn văn nghệ tại nhà; nghe các câu chuyện kể dân gian về nguồn gốc bản làng
Nhà sàn rộng, sạch sẽ và thoáng mát; có đủ chăn, ga gối, đệm, màn sạch sẽ. Nhà vệ sinh, nhà tắm và bồn rửa mặt.
Tham quan làng bản Tìm hiểu về tổ chức bản làng, các ngành nghề truyền thống, ngắm cảnh quan và giao lưu với dân làng Các hoạt động của khách bao gồm: đi bộ 1 vòng quanh bản, tham quan một số mô hình kinh tế trong bản.., nghe giới thiệu về nhà sàn, tổ chức bản làng, xem dệt thổ cẩm, đan lát khách có thể ngồi vào khung cửi và chụp hình, nói chuyện với bà con, trẻ em, …); Đi bộ tham quan bản làng, chụp ảnh, tắm ở thác bảy tầng Thôn xóm sạch sẽ, Đường đi thuận lợi, đảm bảo về sinh môi trường
Tìm hiểu học nấu ăn/Thưởng thực Ẩm thực truyền thống Thái Tìm hiểu về các món ăn và phong cách ẩm thực của người Thái Tổ nấu ăn tổ chức. Hoạt động bao gồm:
Hướng dẫn cho khách nấu 1 món đặc trưng của Thái, ngon miệng mà dễ làm. Cách làm vía và ý nghĩa của việc làm vía…
Phục vụ đoàn khách Ăn trưa hoặc tối.
Biết giới thiệu cách chế biến món ăn, trình bày mâm âm thực, nguồn gốc và tác dụng của món ăn
Biểu diễn văn nghệ truyền thống Tìm hiểu văn nghệ dân gian và giao lưu giữa khách và cộng đồng Khoảng 1h đến 1h30 phút, với 5-7 tiết mục kết hợp giữa hát mời rượu, múa, đàn. Giới thiệu nội dung ý nghĩa từng bài hát, điệu múa về một số nhạc cụ truyền thống; Khách chụp hình trong trang phục truyền thống, học đánh chiêng, buộc chỉ cổ tay, làm vía
Mời khách giao lưu hát và múa
 
Dệt vải truyền thống, Đan lát Xem và học quy trình dệt vải, đan lát Giới thiệu về nghề dệt truyền thống của phụ nữ.
Các sản phẩm dệt, đan lát:  Giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm truyền thống, nguồn nguyên liệu…
Dịch vụ bổ sung: chụp hình lưu niệm và mua các sản phẩm dệt
Các sản phẩm truyền thống: Khăn, chân váy, ghê mây, giỏ đựng…
 
c. Nhận thức của người dân:
Người dân đã tiếp cận và nắm bắt được cơ bản các kỹ năng tiếp đón khách du lịch; bảo tồn, giữ gìn tài nguyên du lịch, nâng cao hiểu biết về khách du lịch; Các quy định liên quan đến hoạt động lưu trú của du khách: bố trí chỗ ng, vệ sinh nhà cửa và sắp xếp chăn, ga, gối đệm…, công tác phòng cháy chữa cháy, chế biến món ăn, giới thiệu món ăn và cách trình bày mâm ẩm thực; người dân đã mạnh dạn hơn và tự mình thuyết trình giới thiệu các điểm đến, các điểm chụp ảnh cho du khách, bước đầu tham gia dẫn đoàn đi tham quan các điểm đến trong bản, Giới thiệu về nghề dệt truyền thống của phụ nữ; Với các tiết mục văn nghệ giới thiệu nội dung ý nghĩa từng bài hát, điệu múa về một số nhạc cụ truyền thống; giao lưu chụp hình trong trang phục truyền thống, đánh chiêng, buộc chỉ cổ tay, làm vía…mời khách giao lưu hát và múa.
Các thành viên trong Ban quản lý bản cho đến người dân đã nhận thức rõ về vị trí, chức năng và nhiệm vụ của DLCĐ, thành lập được ban điều hành tự quản DLCĐ, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động DLCĐ. Cách tổ chức các hoạt động DLCĐ có quy cũ và hiệu quả hơn. Ban quản lý bản, ban điều hành tự quản DLCĐ đã xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong hoạt động DLCĐ tham gia tổ chức các đợt tập huấn; công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước ở địa phương về hoạt động di lịch cộng đồng. Người dân đã mạnh dạn hơn trong việc tiếp đón các đoàn khách, du khách đến với bản và giới thiệu về cảnh quan, mô hình kinh tế ở bản.
Đội văn nghệ có được trang phục đẹp hơn, mới hơn, các tiết mục văn nghệ được luyện tập và đa dạng hơn, nhiều bài hát, điệu múa được sưu tầm phục dựng. Đội văn nghệ không chỉ phục vụ tại các điểm DLCCD của bản mà còn tham gia biểu diễn ở các sự kiện khác khi có đặt hàng, hay các dịch vụ: phục vụ đám cưới, các cuộc thi và hoạt động lẽ hội… góp phần khôi phục và lưu giữ các truyền thống văn hóa, văn nghệ và tăng thu nhập cho người dân. Tăng thu nhập cho người dân thông qua việc: hướng dẫn điểm du lịch địa phương; nấu nướng, đón tiếp phục vụ nhu cầu ăn uống và lưu trú của khách du lịch, bán đồ lưu niệm; biểu diễn văn nghệ, các loại hình nghệ thuật truyền thống; vận chuyển khách du lịch, khuân vác đồ đạc...
Kết luận
Hoạt động DLCĐ góp phần bảo vệ, tôn tạo nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của địa phương. Xuất phát từ việc giữ gìn và bảo tồn các tiềm năng để phát triển DLCĐ bao gồm: sự đa dạng sinh thái, phong tục tập quán, di tích văn hóa- lịch sử, làng nghề truyền thống...  Góp phần nâng cao giá trị văn hóa cộng đồng thông qua việc bảo tồn, tôn tạo các tài nguyên nhân văn của cộng đồng dân tộc, bản sắc văn hóa của các dân tộc, đảm bảo tính bền vững của việc phát triển du lịch cộng đồng.
 Người dân đã hiểu và trân trọng những bản sắc văn hóa của chính cộng đồng mình bởi đó là vốn để phát triển du lịch, tăng cường sự trao đổi văn hóa của các dân tộc, các vùng miền, xây dựng tình đoàn kết; cộng đồng địa phương được bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc mình, được phát huy và bồi dưỡng những giá trị đạo đức sâu sắc, các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển. Văn hóa giao tiếp của người dân không ngừng được nâng lên.

Tác giả bài viết: Đậu Quang Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây