Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc khu vực miền núi Nghệ An

Thứ tư - 21/04/2021 20:58 4.284 0
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỉ 21. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Tỉnh Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước với 21 huyện, thành phố, thị xã. Khu vực miền núi Nghệ An bao gồm 10 huyện: Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông, Tân Kỳ, Kỳ Sơn, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và 01 thị xã Thái Hòa với tổng diện tích 1.375.154,2ha, chiếm 83,4% diện tích của tỉnh. Dân số vùng miền núi có 1.197.628 người, chiếm 40% dân số toàn tỉnh trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 442.787 người bao gồm dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ đu... chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi. Miền núi của tỉnh là khu vực thường xuyên xảy ra nhiều thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong những năm gần thời tiết có những biến đổi rất bất thường. Sinh kế của người dân nơi đây chủ yếu vẫn là nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Hoa màu của bà con xã biên giới xã  Keng Đu (Kỳ Sơn) đã bị hư hại hoàn toàn  do băng tuyết
Hoa màu của bà con xã biên giới xã Keng Đu (Kỳ Sơn) đã bị hư hại hoàn toàn do băng tuyết
Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai lên các khu vực này ngày càng nghiêm trọng. Đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Nghệ An còn nghèo và trình độ nhận thức còn thấp.Nông lâm nghiệp là ngành chủ đạo, tăng trưởng kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Khu vực này dễ bị tổn thương với thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai thường xẩy ra tại khu vực này bao gồm: Tình trạng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá, lốc xoáy, nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại và băng tuyết..Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông, mưa đá xuất hiện ngày càng nhiều và khó dự báo. Các thiên tai về thời tiết đã tác động nhiều tới kinh tế và đời sống của đồng bào khu vực miền núi Nghệ An. Các lĩnh vực kinh tế bị tác động nặng nề bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp.
* Trồng trọt: Các yếu tố khí hậu thời tiết bất thường như hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy, rét đậm, rét hại... đã làm giảm sinh trưởng, năng suất, phân bố của cây trồng; làm gia tăng các loài sâu bệnh, đặc biệt là nhiều loài dịch bệnh mới như lùn sọc đen, sâu cuốn lá, chồi cỏ mía....
Đặc biệt, thiên tai do hạn hán, rét đậm, rét hại, băng tuyết ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Các loại hình thiên tai do thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người, gia súc, vật nuôi...
* Chăn nuôi: BĐKH tác động tới nguồn nước và nguồn cung cấp thức ăn cho chăn nuôi; làm gia tăng dịch bệnh vật nuôi như bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng, bệnh cúm gia cầm. Các đợt dịch xuất hiện ngày càng nhiều hơn và có diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn.
* Lâm nghiệp: Các đợt hạn hán xuất hiện ngày càng nhiều, nhiệt độ, độ ẩm tăng kéo theo các đợt cháy rừng và các loại bệnh hại gia tăng; đặc biệt là xuất hiện các loài sâu mới khó kiểm soát và phòng ngừa hơn trước; chất lượng rừng suy giảm và việc bảo vệ nguồn đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn. Nhiều loài động, thực vật rừng quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học sẽ bị suy giảm trầm trọng do các loài kém chịu hạn hán, ngập lụt gây ra nguy cơ tuyệt chủng của một số loài, làm mất đi nhiều gen quí hiếm.
Ngoài tác động tới kinh tế, biến đổi khí hậu còn tác động nhiều tới đời sống của đồng bào khu vực nơi đây. Thiên tai diễn ra ở vùng núi cao và trung du ngày càng diễn ra với tần suất cao hơn và cường độ nặng hơn như: Sạt lở đất, nhà cửa, ruộng vườn bị nước cuốn trôi, thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, mất mùa, bệnh dịch, bệnh tật, người chết và mất tích do thiên tai. Thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, tình trạng nguồn tài nguyên này lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và khí hậu. Hiện nay, khu vực miền núi Nghệ An tập trung phần lớn dân số ở vùng nông thôn và gần 40% là đồng bào các dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, đời sống còn thực sự khó khăn. BĐKH không chỉ gây thiệt hại về người,  ảnh hưởng đến sức khỏe do dịch bệnh phát sinh hoặc tăng cường trong và sau khi thiên tai xảy ra. Ngoài ra còn gây mất đất canh tác; thiệt hại về tài sản; chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu ăn (thiếu ăn 3 tháng/năm) thiếu nhà ở, điều kiện y tế, giáo dục chưa bảo đảm và môi trường bị ô nhiễm. Những khó khăn do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc vùng sâu vùng xa.Trong những năm gần đây, khu vực này cũng là nơi có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai.. BĐKH đang tác động rất mạnh mẽ đến kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống.
  Các thiệt hại về kinh tế do các cơn bão lớn, các trận lũ ống, lũ quétgây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trung bình hàng năm, tại các huyện vùng núi tỉnh Nghệ An có trên 2.500 nhà cửa bị đổ sập, bị trôi và tốc mái, gia súc, gia cầm bị chết. Ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền lớn. Một số các trận lũ điển hình gây thiệt hại lớn không chỉ về kinh tế và thiệt hại nhiều mặt trong đời sống của đồng bào nơi đây.
  - Lũ quét vào ngày 12/8/2005 ở huyện Kỳ Sơn đã cuốn trôi 8 ngôi nhà ở bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn và 8 nhà dân cùng hai ngôi trường (tiểu học và mầm non) của bản Sốp Phe, xã Mường Típ cũng bị cuốn trôi. Hiện nay, bản Sốp Phe phải di dời toàn bộ đến nơi khác.
- Năm 2007: Tiêu biểu là trận lũ quét xảy ra tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, làm chết 13 người, làm sập 10 ngôi nhà, phá hủy toàn bộ hoa màu của dân trong phạm vi 100 – 300ha, dài 7km dọc sông Nậm Giải, thiệt hại nặng nề nhất là bản Pục, bản Piêng. Hiện nay, 2 bản này phải di dời toàn bộ đến nơi khác.  Đây là trận lũ lớn nhất trên sông Nậm Giải và cũng là đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử lập làng.
- Ngày 26/5/2009, lũ quét tại các xã: Yên Na, Yên Hoà, Yên Tĩnh, Yên Thắng làm 6 người bị chết và 2 người bị thương.
- Ngày 23/7/2011 xảy ra lũ quét trên địa bàn xã bắc Lý, huyện Kỳ Sơn làm 13 nhà dân bị trôi và sập, phòng học bị trôi 4 phòng, hư hỏng 5 phòng và một số thiệt hại khác.
- Trận lũ quét vào ngày 26/6/2011 xảy ra thị trấn Mường Xén và nhiều đoạn dọc Quốc lộ 7 từ Mường Xén đến Cửa Rào. Tại thị trấn Mường Xén, nuớc lũ ngập đường Quốc lộ 7 hơn 1m, ngập kéo dài trong thời gian 1 ngày, sau khi để lại một lượng bùn đất, rác dày 0,3-0,5 m.
  Cộng đồng dân tộc thiểu số ngày càng nhìn nhận rõ hơn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đời sống hàng ngày tại các địa phương. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, kinh nghiệm sản xuất hay tập quán canh tác bị thay đổi, nguồn nước ngầm, nước ở các khe suối ngày càng ít đi, lũ ống, lũ quét kéo theo sỏi, đá, nhà cửa, gia súc, làm mất diện tích đất ở, đất canh tác, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, môi trường ô nhiễm sau thiên tai. Các hồ chứa, sông, suối, nước ngầm bị cạn kiệt.
            Nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào khu vực miền núi tỉnh Nghệ An, cần ưu tiên tập trung thực hiện một số giải pháp như:
            - Ban hành các chính sách mới và hoàn thiện các chính sách hiện có về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. Đặc biệt cần có chính sách đặc thù về ứng phó với biến đổi khí hậu đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
            - Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, lồng ghép với nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu.
            - Thực hiện quy hoạch các điểm dân cư ở những nơi có điều kiện và những nơi thường xảy ra thiên tai và nâng cao hiệu quả đầu tư.
            - Cần nâng cao nhận thức về BÐKH cho cộng đồng dân tộc khu vực vùng núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
            - Cần đầu tư cho các nghiên cứu khoa học có hệ thống về kiến thức bản địa, thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
            - Lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào các chương trình đầu tư phát triển của nhà nước hiện tại và trong tương lai (đặc biệt về cơ sở hạ tầng, sinh kế nông lâm ngư nghiệp và xây dựng năng lực).
            - Cần tư liệu hóa , đầu tư phát triển và hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến khả thi về thích ứng và giảm thiểu của người dân.
            - Khuyến khích sử dụng các giống cây con bản địa, hệ thống canh tác hỗn hợp thích ứng với các loại hình thiên tai và biến đổi khí hậu tại địa phương.
            - Lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chương trình phát triển với vốn vay ODA.
            - Hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế dựa trên tri thức bản địa nhằm giúp người dân vùng núi thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo tại khu vực miền núi tỉnh Nghệ An.

Tác giả bài viết: Lê Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây