PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC ĐÔ THỊ VEN BIỂN TỈNH NGHỆ AN

Thứ ba - 22/09/2020 04:27 533 0
Vùng ven biển nước ta rộng lớn và có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, bãi biển đẹp, thời tiết ôn hòa, có vị trí chiến lược trên tuyến đường biển quốc tế. Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47% - 48% tổng GDP của cả nước, trong đó GDP kinh tế “thuần biển” chiếm khoảng 20%-22% GDP.
Trên thế giới, vùng ven biển luôn tập trung đông dân cư hơn những vùng khác. Trong 20 thành phố lớn nhất thế giới có 13 thành phố nằm ven biển. Vùng đất cách bờ biển dưới 100 dặm tập trung 13% dân số thế giới với chỉ 2% diện tích.
Vùng ven biển nước ta rộng lớn và có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, bãi biển đẹp, thời tiết ôn hòa, có vị trí chiến lược trên tuyến đường biển quốc tế. Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47% - 48% tổng GDP của cả nước, trong đó GDP kinh tế “thuần biển” chiếm khoảng 20%-22% GDP.
Đây chính là những thuận lợi để các tỉnh thành ven biển phát triển đô thị du lịch, đô thị sinh thái, đô thị ngư nghiệp và đô thị cảng biển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của các hoạt động kinh tế gia tăng về dân số và bị tác động do biến đổi khí hậu đang làm thay đổi bộ mặt của các đô thị ven biển. Điều đó tạo ra thách thức đối với công tác quy hoạch đô thị ven biển, vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, vừa tránh những tác động tiêu cực gây suy thoái môi trường.
Nghệ An có 82 km bờ biển, vùng ven biển gồm các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh với 45 phường/xã/thị trấn và có 6 đô thị là TP Vinh, TX Cửa Lò, thị trấn Quán Hành, thị trấn Diễn Châu, thị trấn Cầu Giát và thị xã Hoàng Mai.
Vùng biển Nghệ An chiểm 1423,54 Km2 với 1510,830 người theo Bảng 1:
Bảng 1. Diện tích, dân số vùng ven biển Nghệ An
       
TT Địa phương Diện tích (km²) Dân số (Người)
1 TX Hoàng Mai 169,75    105.105
2 Huyện Quỳnh Lưu 442,16       312.000
3 Huyện Diễn Châu 331,62       284.300
4 Huyện Nghi Lộc 347,70    205.847
5 TX Cửa Lò 27,81      58.398
6 TP Vinh 104,50    545.180
  Cộng 1423,54    1.510.830

Trong đó, các đô thị chiếm 309,60 km2 với 728967 người (Bảng 2)
Bảng 2. Diện tích, dân số các đô thị ven biển Nghệ An
TT Địa phương Diện tích (km²) Dân số (Người)
1 Thị xã Hoàng Mai 169,75 105.105
2 Thị trấn Cầu Giát 2,82 9.598
3 Thị trấn Diễn Châu 0,82 5.572
4 Thị trấn  Quán Hành 3,90 5.114
5 TX Cửa Lò 27,81 58.398
6 TP Vinh 104,50 545.180
  Cộng 309,60 728.967

Các đô thị ven biển đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, đây là vùng lõi của kinh tế thương mại, du lịch dịch vụ; đồng thời cũng là vùng an ninh quốc phòng trọng yếu của quốc gia và địa phương. Phát triển bền vững các đô thị ven biển có ý nghĩa tiên quyết cho phát triển kinh tế xã hội vùng, địa phương và quốc gia.
Tuy nhiên, các đô thị ven biển phải đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác đông mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trong đó điển hình là thiên tai lũ lụt.
Theo  báo cáo của tổ chức CRED năm 2002, tổn thất về kinh tế do lũ gây ra đối với những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt ước tính lên tới 2/3 tổng thiệt hại do các thiên tai khác gây ra và bằng 1/3 đối với cả nhân loại nói chung, tăng từ khoảng 3 tỷ US$/năm vào thập kỷ 70 lên khoảng 25 tỷ US$/năm vào thập kỷ 90. Xét về phạm vi ảnh  hưởng, mức độ nghiêm  trọng,  số lần xuất hiện, thiệt hại gây ra cho nền kinh tế, môi trường và xã hội, lũ lụt là thiên tai được xếp hàng đầu ở Việt Nam. Theo các tài liệu thống kê đã công bố, tại Việt Nam trong những năm gần đây bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác gây ra thiệt hại kinh tế hàng năm tương đương với 1,5% GDP. Trong đó, thiệt hại do thiên tai đối với ngành nông nghiệp chiếm 54,03% giá trị so với tổng thiệt hại trong GDP, tác động đến nguồn sống của trên 70% dân số (những người làm nông nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với rủi ro thiên tai).
Chỉ tính riêng thiệt hại do lũ lụt ở khu vực miền Trung, vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã xảy ra thiên tai lũ lụt ở các lưu vực sông với qui mô và cường độ lớn. Lũ lụt đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, như tổn thất về người, hạ tầng bị phá hủy, ngập lụt gây nên dịch bệch phát triển sau những trận lũ, hàng ngàn hộ dân phải di dời khỏi các vùng sạt lở, ngập lụt, hệ sinh thái môi trường các vùng cửa sông ven biển bị hủy hoại nghiêm trọng. Trong hai thập kỷ qua thiên tai đã cướp đi mạng sống của 13.000 người và làm mất đi 6,4 tỷ USD cho giao thông, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, mùa màng bị gián đoạn, thương mại và dịch vụ bị ngưng trệ. Đặc biệt là khu vực Miền Trung, các trận lũ lịch sử vào tháng XI và tháng XII năm 1999 và tháng X năm 2007 đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương hàng ngàn người, nhiều công trình dân sinh kinh tế, bị đổ sập, hư hỏng nặng, tổng thiệt hại hàng nghìn  tỷ đồng; 2 đợt lũ tháng 9 đến đầu tháng 11-2009 do bão số 9 và số 11 gây ra đã khiến 302 người chết, 10 người mất tích, 1.287 người bị thương, hàng trăm ngàn ngôi nhà, phòng học, bệnh viện, công trình công cộng bị đổ sập, cuốn trôi và hư hại nặng nề. Ước tính thiệt hại khoảng 21.748 tỷ đồng. Trong 2 đợt lũ trong tháng 10-2010, từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đã có 144 người chết (đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh có 51 người chết), 25 người mất tích, 181 người bị thương. Ước thiệt hại khoảng 8.021 tỷ đồng (riêng Hà Tĩnh 6.374 tỷ đồng). Thiên tai đã gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung ước tính trung bình gần trên 5% tổng GDP và vào những năm mưa lũ lớn, thiệt hại có thể lên đến 18 - 20% GDP.
Thiệt hại do thiên tai đã ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của khu vực và của từng địa phương. Ngoài tổn thất về kinh tế, hậu quả của lũ lụt còn tác động tới các yếu tố tổn thương về tinh thần, văn hóa, lịch sử và môi trường rất khó có thể định lượng được chính xác bằng tiền. Đặc biệt, khi rủi ro thiên tai xảy ra, các tổn thương/thiệt hại/các tác động, khả năng phục hồi sẽ khó khăn vì không dự báo được hết mức độ thiệt hại/mức độ tác động, không đánh giá được ưu thế và các khả năng nội tại của các đối tượng bị tác động,… điều đó dẫn đến phục hồi sau thiên tai mất nhiều thời gian hơn, đặc biệt tại các khu vực điều kiện phát triển kinh tế không thuận lợi. Mức độ thiệt hại do lũ lụt gây ra phụ thuộc vào nguyên nhân gây lũ (thiên tai), khả năng điều tiết của lưu vực, khả năng ứng phó/ chống đỡ, khả năng phục hồi của các đối tượng chịu tác động và khả năng quản lý rủi ro của con người.
Đô thị ven biển là những hệ thống phức tạp và cũng như mọi hệ thống khác, phụ thuộc nhiều vào sự vận hành suôn sẻ của từng cấu phần và cơ cấu tổ chức chung mà đô thị là một thành phần trong đó. Khả năng thích ứng của thành phố vì vậy chịu ảnh hưởng từ khả năng thích ứng của những hệ thống cả chung và riêng này. Xáo trộn trong những dịch vụ cơ bản mà thành phố cung cấp có thể gây ra những ảnh hưởng dây chuyền vượt ra ngoài khuôn khổ của bản thân nó. Sự phức tạp cũng dẫn đến việc xây dựng khả năng thích ứng là một thách thức rất lớn.
Nếu chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà không tính đến những yếu tố khác có thể dẫn tới những kết cục không mong muốn. Vì thế, để phát triển bền vững các đo thị ven biển, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã đề xuất một số giải pháp như sau:
- Xây dựng chiến lược ứng phó với rủi ro thiên tai, rủi ro môi trường và biến đối khí hậu. Chiến lược cần phải chú trọng khả năng ứng dụng sau khi ban hành, gắn kết các hoạt động chống chịu vào các chương trình phát triển của đô thị, hỗ trợ xây dựng các hướng đột phá để đô thị có thể phát triển mạnh mẽ bất chấp các cú sốc và áp lực.
- Rà soát các đồ án quy hoạch chung, thực hiện quy hoạch môi trường đối với các đô thị ven biển, lên phương án lồng ghép các giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trong quá trình điều chỉnh quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
- Lồng ghép các giải pháp ứng phó BĐKH trong Nghị quyết đảng bộ các cấp, chương trình, dự án phát triển đô thị, đây là mục trọng tâm phát triển bền vững của đô thị.
- Nghiên cứu mô hình quản lý xây dựng đô thị đặc thù đối với các đô thị ven biển đảm bảo tốt công tác quản lý thực hiện đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt.
- Tăng cường năng lực thể chế và khung pháp lý để có cách tiếp cận hiệu quả trong lồng ghép phòng chống nguy cơ lũ lụt.
- Nâng cao năng lực quản lý xây dựng đô thị đối với các phòng, ban và chính quyền đô thị là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa địa phương với tỉnh và các bộ ngành trung ương.
- Tăng cường thu thập, chia sẻ, sử dụng dữ liệu về tài sản công, công trình, dân số và nguy cơ. Dữ liệu là nền tảng của công tác lập kế hoạch thích ứng hiệu quả. Dữ liệu này cần được coi là cơ sở để hoạch định tăng trưởng cho các đô thị ven biển, đặc biệt cho việc quản lý quy hoạch xây dựng tại các đô thị.
- Tăng cường quản lý tài chính nhằm nâng cao tính bền vững trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng cường công tác lập kế hoạch đầu tư cơ bản để hỗ trợ tốt hơn việc xác định ưu tiên, giám sát, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
- Thành lập ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch chương trình hành động trong việc thích ứng với BĐKH tại các tỉnh, thành phố ven biển, trong đó chú trọng đến quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, thực thi các chương trình giảm thiểu để có hiệu quả về mặt năng lượng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, xử lý tái chế rác, cải tạo mặt nước, tăng cường mạng lưới y tế hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền đô thị cần phối hợp với Ngân hàng trong việc huy động nguồn lực tài chính xây dựng các phương thức hoạt động để tăng cường nâng cao năng lực thích ứng với tác đọng của BĐKH. Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ kinh nghiệm, công nghệ và tài chính của các quốc gia trong lĩnh vực BĐKH.
Phát triển bền vững là một yêu cầu tất yếu, rủi ro thiên tai, rủi ro môi trường là một hiện thực khách quan, không thể loại bỏ hoàn toàn mà chỉ có thể hạn chế, ứng phó một cách  hiệu quả. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang thật sự đáng báo động đối với hệ thống đô thị Việt Nam nói chung và đô thị ven biển Nghệ An nói riêng, các nhà hoạch định cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn trong vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị, môi trường để ứng phó với tình trạng BĐKH - được coi là một trong những vấn đề cấp thiết của quá trình phát triển. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược phát triển đô thị của tỉnh hợp lý; đẩy mạnh quy hoạch đồng bộ các đô thị ven biển; đổi mới phương pháp, mô hình quản lý phát triển đô thị phù hợp tình hình mới; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị; quy hoạch môi trường; xây dựng cơ chế đặc thù phát triển cho các đô thị ven biển nhằm phát triển bền vững đô thị ven biển, vùng ven biển và kinh tế xã hội Nghệ An.
 

Tác giả bài viết: Hoàng Xuân Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây