CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC BVMT TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG VEN BỜ BIỂN TỈNH NGHỆ AN

Thứ ba - 22/09/2020 04:25 396 0
Nghệ An là một tỉnh nằm ở ven biển miền Trung có bờ biển dài 82 km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc biển có 6 cửa lạch (Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội) được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ven biển với nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Lò, Nghi Thiết, Cửa Hiền, các điểm du lịch ven biển như Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu), Diễn Thành (Diễn Châu), Nghi Thiết (Nghi Lộc) và các khu du lịch sinh thái: Bãi Lữ - Nghi Tiến, Bãi Chùa - Đảo Ngư… Ngoài ra, Nghệ An có rất nhiều thế mạnh để phát triển thủy, hải sản, khu Công nghiệp, kinh tế, cảng biển...Nhìn chung, kinh tế vùng biển và ven biển đã có sự đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong những năm qua.
Việt Nam có vùng biển rộng lớn, bờ biển dài trên 3.200 km và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ. Điều đó thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển và vùng  ven bờ, đồng thời cũng đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn để quản lý và bảo vệ môi trường.
Nghệ An là một tỉnh nằm ở ven biển miền Trung có bờ biển dài 82 km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc biển có 6 cửa lạch (Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội) được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ven biển với nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Lò, Nghi Thiết, Cửa Hiền, các điểm du lịch ven biển như Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu), Diễn Thành (Diễn Châu), Nghi Thiết (Nghi Lộc) và các khu du lịch sinh thái: Bãi Lữ - Nghi Tiến, Bãi Chùa - Đảo Ngư… Ngoài ra, Nghệ An có rất nhiều thế mạnh để phát triển thủy, hải sản, khu Công nghiệp, kinh tế, cảng biển...Nhìn chung, kinh tế vùng biển và ven biển đã có sự đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong những năm qua.
Trong xu thế phát triển kinh tế biển, ven biển, với mục tiêu phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vùng ven biển sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là vấn đề môi trường. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững vùng ven bờ biển, Nghệ An cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược để vượt qua những thách thức về môi trường và những giải pháp đó phải được cụ thể hoá và được thực hiện thành công trong từng giai đoạn phát triển.
Vùng ven biển Nghệ An bao gồm tất cả các vùng được hưởng lợi và chịu tác động trực tiếp của biển và vùng biển kế cận do tỉnh quản lý. Đây là vùng có địa giới hành chính thuộc 45xã thuộc 5 huyện, thị, thành phố: Thị xã Hoàng Mai 6 xã/phường, huyện Quỳnh Lưu (14 xã), huyện Diễn Châu (9 xã), huyện Nghi Lộc (7 xã), thị xã Cửa Lò (7 phường, xã) và thành phố Vinh (1 xã) với diện tích tự nhiên 32.021,25ha chiếm 1,94% diện tích toàn tỉnh.
          Địa hình vùng ven biển Nghệ An được chia làm 2 phần rõ rệt: phần ven biển huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu thấp, bằng phẳng bị chia cắt bởi những lạch nhỏ. Một phần thấp thường bị ngập mặn khi có bão kết hợp với triều cường. Phần ven biển Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò có địa hình cao hơn, gồm những dải và các cồn cát chạy song song theo hướng Bắc Nam.
Do dải ven biển Nghệ An có địa hình thấp, bị tác động ngăn chặn của dãy núi đồi phía Tây nên ở vùng này chịu ảnh hưởng của hai miền khí hậu: miền khí hậu của vùng Bắc Bộ với tác động gây mưa chính là các hoàn lưu ổn định và miền khí hậu Đông Trường Sơn chịu ảnh hưởng của các nhiễu động khí quyển. Vì vậy, lượng nước mưa trong dải ven biển Nghệ An có sự khác biệt. Mùa mưa ở phía Bắc dải ven biển Nghệ An (như Quỳnh Lưu, Diễn Châu) kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10) chiếm tới 88% lượng mưa trong cả năm, trong đó lượng mưa lớn tập trung trong 3 tháng (8-10) chiếm tới 60%, tháng 9 là tháng có lượng mưa lớn nhất, chiếm tới 24,5% lượng mưa. Còn về phía Nam của khu vực, do chịu tác động của gió Tây khô nóng nên mùa mưa ở đây mang sắc thái của khu vực Trung Trung Bộ. Chế độ mưa ở đây có đặc điểm nổi bật là quá trình mưa trong năm có xu thế tăng dần về cuối năm và có hai đỉnh tách biệt nhau, đỉnh lớn nhất là tháng 9,10 và đỉnh còn lại là các tháng 5,6
Dọc bờ biển Nghệ An có 3.500ha nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối. Hiện trong toàn tỉnh có khoảng 2.500ha mặt nước mặn, lợ chuyên nuôi trồng thuỷ sản (nuôi tôm, cua xuất khẩu). Trong thời gian qua, Nghệ An là một tỉnh sản xuất muối lớn ở miền Bắc, đồng muối Nghệ An có khả năng phát triển 900-1000ha với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm.
Với độ dài bờ biển tương đối lớn và 6 cửa lạch, Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển vận tải biển, trong đó cảng Cửa Lò- Trung tâm dịch vụ Thương mại của vùng (hiện tại tàu loại 6.000 tấn ra vào thuận lợi), đã được nhà nước quyết định đầu tư nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ trong tương lai. Ngoài ra, cách bờ biển Nghệ An 4km có đảo Ngư với diện tích trên 100ha, mặt nước quanh đảo có độ sâu 8-12m, có điều kiện xây dựng thành cảng nước sâu trong tương lai, rất thuận lợi cho việc giao lưu hàng hoá của các nước trong khu vực.
Vùng biển Nghệ An có nhiều bãi tắm đẹp, rất thuận lợi cho việc khai thác phục vụ du lịch như Cửa Lò, Nghi Thiết, Cửa Hiền, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương,…trong đó nổi tiếng là hai bãi tắm Cửa Lò và Nghi Thiết. Các bãi biển độ dốc trung bình 2-30, nền cát mịn, không có các ổ xoáy, độ mặn nước biển không vượt quá 30%o, sóng trung bình khoảng 1,8-2m rất thích hợp cho hoạt động vui chơi giải trí. Bãi tắm Cửa Lò là một trong những bãi tắm đẹp và sạch nhất trong cả nước, hàng năm thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến nghỉ mát và tham quan du lịch. Khu vực Nghi Thiết và Cửa Hiền có Bãi Lữ là một trong những bãi biển đẹp của miền trung, có thể phát triển thành trung tâm dịch vụ cấp quốc gia.
Vùng biển Nghệ An có một số đảo có thể làm công viên du lịch tốt như đảo Ngư, đảo Mắt, đảo Lan Châu. Thiên nhiên ở đây hoang sơ, không khí trong lành, các hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên các đảo ven bờ còn giữ được tính đa dạng sinh học cao rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái biển đảo.

Những thách thức đối với môi trường vùng ven bờ biển Nghệ An trong xu thế phát triển bền vững

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế biển và ven biển nên đã đạt được nhiều thành tựu, kinh tế biển của tỉnh và đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng mở rộng giao lưu với nước ngoài và liên kết với các tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành công đạt được về phương diện kinh tế xã hội đã làm nảy sinh một số vấn đề môi trường. Nhìn chung, những vấn đề môi trường đã và đang tồn tại ở vùng ven biển Nghệ An có phạm vị hẹp mang tính cục bộ và có nguy cơ gây ô nhiễm tiềm ẩn.
Hiện nay, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp nằm rải rác, xen kẽ với các khu dân cư. Các cơ sở sản xuất vẫn ở trong tình trạng công nghệ cũ do chưa có điều kiện đổi mới hoặc thay thế bằng các công nghệ tiên tiến hơn. Lượng chất thải (rắn, lỏng, khí) hiện tại chưa được xử lý triệt để thải trực tiếp ra môi trường, làm cho tình trạng ô nhiễm chất thải công nghiệp ngày càng gia tăng. Lượng nước thải sản xuất công nghiệp, đặc biệt từ chế biến lương thực, thực phẩm rất lớn với hàm lượng chất hữu cơ cao. Phần lớn các cơ sở công nghiệp đều chưa có hệ thống xử lý chất thải công nghiệp, kể các các khu công nghiệp tập trung.
Nghệ An đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 với nhiều khu, cụm công nghiệp đã hoạt động và quy hoạch phát triển đặc biệt là khu kinh tế Đông Nam. Theo đó, áp lực về môi trường cũng được đặt ra. Thực tế cho thấy, những bức xúc về môi trường từ các khu công nghiệp trong thời gian gần đây đã gây không ít khó khăn cho các ngành chuyên môn trong việc khắc phục.
Hoạt động làng nghề cũng gây ra nhiều nỗi lo về môi trường. Tuy lượng chất thải tại các làng nghề không lớn so với các khu công nghiệp, nhưng phần lớn các làng nghề đều nằm trong khu dân cư nên rất khó xử lý chất thải. Qua điều tra khảo sát,  hiện chưa làng nghề nào có hệ thống xử lý môi trường chung.
Ngành du lịch, dịch vụ tuy được xem là ngành “công nghiệp không khói” nhưng thực tế, trong nhiều năm qua cũng tác động đến môi trường không nhỏ. Lượng nước thải từ các nhà hàng, khách sạn , hiện vẫn chưa kiểm soát được. Cùng với nước thải các hoạt động dịch vụ, thương mại thì nước thải tại các khu dân cư cũng là vấn đề bức xúc.
Một điều dễ thấy, hiện nay có khá nhiều khu công nghiệp vì chỉ chú trọng thu hút đầu tư mà lơ là việc xử lý môi trường. Nhiều nhà máy đã đi vào hoạt động vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý hoặc mới tính chuyện xây dựng hệ thống xử lý chất thải nên bị động về diện tích xây dựng và gây tốn kém do nằm ngoài dự tính quy hoạch.
Sự gia tăng dân số gây nguy cơ suy giảm và cạn kiệt tài nguyên, gia tăng đói nghèo.
Theo báo cáo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đến 2020 của Nghệ An, nếu khống chế mức giảm sinh, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ dân số tăng bình quân 1,1% thời kỳ 2006 -2010, 1,05% thời kỳ 2011-2015 và 1% thời kỳ 2016-2020 thì quy mô dân số của vùng đến năm 2010 khoảng 1.230,7 nghìn người, năm 2015 khoảng 1.296,7 nghìn người và năm 2020 khoảng 1.362,9 nghìn người. Trong đó, dân số đô thị chiếm 30% vào năm 2010, 40% năm 2015 và 50% dân số vào năm 2020.    
Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và phát triển kinh tế sẽ tạo nên sức ép ngày càng lớn đến tài nguyên và môi trường. Quá trình đô thị hoá diễn ra đồng thời với quá trình công nghiệp hoá dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng và giảm dần diện tích. Người nông dân có thể rơi vào tình trạng thiếu đất sản xuất, dẫn đến dư thừa lao động nông thôn, nguy cơ nghèo đói ở nông thôn sẽ gia tăng khi người nông dân không có việc làm ổn định.
Nguyên nhân làm cho tình trạng môi trường ở vùng ven biển Nghệ An bị ô nhiễm cục bộ tại nhiều khu vực khác nhau chính là sự yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng BVMT.
Thực trạng cơ sở hạ tầng BVMT hiện nay không thể đáp ứng được công tác BVMT, giảm thiểu ô nhiễm trong tương lai, đây là một thách thức rất lớn đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của vùng ven biển tỉnh Nghệ An theo chiều hướng bền vững.
Công tác quản lý Nhà nước về BVMT ở cấp huyện, phường, xã còn nhiều hạn chế. Phòng TN&MT ở các huyện vẫn còn thiếu nhân lực chuyên môn về môi trường, còn ở cấp phường xã thì cán bộ địa chính kiêm nhiệm thêm công tác BVMT (nhiều xã 01 cán bộ địa chính kiêm về môi trường, giao thông, thuỷ lợi).
Hiện tại các huyện, vẫn chưa có cơ chế chính sách để hỗ trợ công tác BVMT, do vậy công tác quản lý trên địa bàn các huyện, phường xã gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có thiết bị phân tích, đánh giá chất lượng môi trường.
Mặt khác, nhận thức của người dân vùng ven biển về công tác BVMT còn thấp, nhiều thông tin về môi trường và phát triển bền vững chưa đến được từng người dân. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế, ít và hầu như không quan tâm đến công tác BVMT, nguồn lực đầu tư cho BVMT, giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất còn hết sức hạn chế.
Trong tương lai, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển sẽ tạo nên nguy cơ gia tăng chất thải, gia tăng sự suy thoái, cạn kiệt về tài nguyên trong khi những vấn đề môi trường bức xúc của vùng ven biển hiện nay chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, đòi hỏi hoạt động quản lý BVMT phải được đẩy mạnh một cách đáng kể, đặc biệt về năng lực quản lý như: tăng cường đội ngũ cán bộ môi trường có trình độ kinh nghiệm, tăng cường trang thiết bị giám sát và phân tích môi trường để đủ khả năng kiểm soát, đánh giá và đề xuất được những giải pháp giảm thiểu, những vấn đề môi trường nảy sinh trong quá trình phát triển.

QUAN ĐIỂM CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày nay, BVMT đã trở thành vấn đề toàn cầu, các quốc gia trên thế giới, với mức độ khác nhau đều đã đưa vấn đề môi trường trở thành một trong những trọng tâm phải giải quyết của mình. Các quốc gia đang phát triển lại càng có nhiều cơ hội và thách thức trong vấn đề môi trường khi dốc sức vào phát triển kinh tế xã hội.
Cho đến nay, kinh tế vùng biển, ven biển của Nghệ An đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở vùng Bắc Trung Bộ.
Quan điểm chung về BVMT vùng ven bờ biển Nghệ An, trước tiên là những quan điểm phù hợp với đường lối phát triển kinh tế của Đảng và nhà nước, là những quan điểm có mối liên quan chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau, với các ngành khác trong nền kinh tế của tỉnh. Những quan điểm chung đó có thể tóm lược như sau:
- Tài nguyên và môi trường biển có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đất nước, là cơ sở để làm giàu từ biển và đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển.
- Biển và vùng ven bờ là nơi diễn ra nhiều hoạt động đan xen với sự tham gia của nhiều bên liên quan, gắn kết nhiều lợi ích khác nhau. Vì vậy, tiếp cận quản lý tổng hợp và thống nhất là hướng đi tốt nhất để sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và vùng ven bờ  thành công
- Tài nguyên và môi trường biển thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm của toàn xã hội, cần kết hợp nội lực với hợp tác quốc tế trong phát huy tiền năng và lợi thế của biển, bảo vệ môi trường biển
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và vùng ven biển với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên biển, đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường biển, ven biển
- Phát động, phát huy được sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư, nhất là vùng ven bờ cùng tham gia vào việc BVMT.
- BVMT vùng ven bờ phải có sự quản lý chặt chẽ và có hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, có sự phối hợp giữa địa phương và trung ương, giữa nhà nước và các thành phần kinh tế khác, tạo nên một hệ thống nhất.

Tác giả bài viết: Hoàng Hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây