Đa dạng thực vật bậc cao tại vùng núi Puxailaileng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

Chủ nhật - 25/10/2020 21:16 1.516 0
I. Mở đầu
 Pu Xai Lai Leng là vùng rừng núi nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nằm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có độ cao tuyệt đối 2711 m, cao nhất dãy Trường Sơn, chỉ đứng sau ngọn núi Fan Xi Pan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn (3143 m). Trong hệ thống lưu vực Pu Xai Lai Leng còn khá nhiều đỉnh núi khác, có đỉnh cao trên 2.000 m, tiếp theo là các bậc thềm thấp dần với độ cao 100 m đan xen với hệ thống khe suối dày đặc, trong đó Khe Kiền là con suối lớn nhất đầu nguồn sông Cả, nằm trong khu vực địa lý Đông Bắc dãy Trường Sơn, một vùng nổi tiếng phong phú về tính đa dạng sinh học, đan xen có những tiểu khu chịu ảnh hưởng của khí hậu Tây Trường Sơn, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hoành tráng có môi trường sống phong phú, đa dạng nguồn gen, đa dạng giống loài động vật và thực vật, đa dạng hệ sinh thái sinh vật rừng,... (Nguyễn Đình Võ, 2003).
Theo tài liệu đã công bố, diện tích tự nhiên toàn lưu vực Pu Xai Lai Leng là 45.000 ha, trong đó diện tích còn rừng là 26.000 ha, độ che phủ của rừng là 60%, mà rừng nguyên sinh còn khá lớn bao gồm các quần thể rừng mưa nhiệt đới và á nhiệt đới núi cao phân tầng rất rõ (Nguyễn Đình Võ, 2003).
 Hệ thực vật của Pu Xai Lai Leng vừa mang tính chất nhiệt đới vừa mang tính chất ôn đới, vừa mang tính chất thường xanh, vừa mang tính chất rụng lá nên có các kiểu thực vật sau: Ở đai thấp: Rừng rậm nhiệt đới thường xanh, rừng rậm nhiệt đới rụng lá, rừng rậm nhiệt đới rụng lá ưu thế họ bằng lăng. Ở trên núi: Rừng rậm nhiệt đới thường xanh trên núi thấp, rừng rậm nhiệt đới nửa rụng lá trên núi thấp, rừng rậm nhiệt đới rụng lá trên núi thấp. Ở độ cao trên 1.000m: Rừng rậm thường xanh trên núi vừa, rừng rậm nhiệt đới nửa rụng lá trên núi vừa, rừng rậm nhiệt đới rụng lá trên núi vừa.
            Trong khuôn khổ chuyên đề này, chúng tôi trình bày kết quả điều tra thành phần loài thực vật tại khu vực vùng núi Pù Xai Lai Leng trong thời gian từ năm 2012-2014.
I. Địa điểm và phương pháp nghiên cứu
1. Địa điểm nghiên cứu:
Điều tra thống kê và thu mẫu thực vật tại 02 địa điểm xã Nậm Càn và xã Na Ngoi, được chia thành 02 tuyến chính: Tuyến 01: UBND xã Nậm Càn – Đỉnh Puxailaileng và Tuyến 02: UBND xã Na Ngoi – Đỉnh Puxailaileng. Bên cạnh đó, đối một số khu vực đặc trưng, tiến hành lập các tuyến nhỏ để nhằm xem xét và điều tra kỹ hơn về thành phần loài.
2. Phương pháp nghiên cứu:
Điều tra thu mẫu thực vật được tiến hành theo nguyên tắc trong “Phương pháp nghiên cứu thực vật” của R.M.Klein, D.T.Klein (1978) và “Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật” của Nguyễn Nghĩa Thìn (1997).
III. Kết quả nghiên cứu
1. Thành phần loài thực vật bậc cao
            Kết quả điều tra thu thập trong thời gian nghiên cứu đã xác định được 726 loài thực vật thuộc 4 ngành thực vật. Trong đó đa dạng nhất là ngành Ngọc lan với 687 loài, 368 chi và 106 họ, chiếm 94,6% so với tổng số loài điều tra được. Tiếp đến là ngành Dương xỉ với 23 loài, 18 chi và 13 họ, ngành Thông có 10 loài, 9 chi và 8 họ. Ít nhất là ngành thông đất chỉ có 6 loài, 3 chi và 2 họ (Bảng 1).
Bảng 1. Phân bố taxon trong các ngành
Ngành Họ Chi Loài
Thông đất
Lycopodiophyta
2 3 6
Dương xỉ
Polypodiophyta
13 18 23
Thông
Pinophyta
8 9 10
Ngọc lan
Magnoliophyta
106 368 687
Tổng 139 398 726
 
Bảng 2. So sánh các taxon ở 02 xã

Taxon
Nậm Càn Na Ngoi Chung
Ngành 4 4 4
Họ 131 139 131
Chi 294 375 276
Loài 468 657 408
            Tại  02 địa điểm nghiên cứu là xã Nậm Càn và xã Na Ngoi cũng có sự khác biệt về thành phần loài. Mặc dù 02 xã tiếp giáp nhau nhưng xã Na Ngoi với địa hình hiểm trở, giáp biên giới Việt-Lào với nhiều sinh cảnh và môi trường sống đa dạng. Nhiệt độ trong ngày ở xã Na Ngoi thường thấp hơn Nậm Càn từ 1-30C khiến cho hệ thực vật ở 02 xã này có nhiều điểm riêng. Cả 02 xã đều có sự xuất hiện của cả 4 ngành thực vật bậc cao, tuy nhiên ở xã Na Ngoi có đến 139 họ, còn Nậm Càn chỉ có 131 họ, tương tự Na Ngoi có 375 chi, 657 loài còn ở Nậm Càn có 294 chi và 468 loài. Sự khác biệt về địa hình, đặc biệt là khí hậu khiến cho 02 xã chỉ có 408/726 loài chung, có 320 loài mới chỉ phát hiện được có mặt ở 01 trong 02 xã. Trong đó với địa hình có nhiều ngọn núi cao, nhiệt độ trung bình thấp hơn mà xã Na Ngoi có sự xuất hiện của nhiều họ thực vật ôn đới núi cao như họ Cyatheaceae, Pinaceae, Podocarpaceae, Taxaceae, Aceraceae,… (Bảng 2). Khu vực gần đỉnh Puxailaileng và các đỉnh núi lân cận xuất hiện ưu hợp thực vật điển hình của núi cao ôn đới với sự có mặt của các quần thể thông, pơ mu, samu, thích, đỗ quyên,….
2. Các các loài có giá trị kinh tế
 
Dựa trên danh lục các loài đã được phát hiện và định danh, chúng tôi dựa trên các tài liệu hiện hành và thông tin thực tế tại địa bàn nghiên cứu xác định giá trị kinh tế của các loài. Kết quả xác định được nhiều loài có giá trị khác nhau ở nhiều mức độ, trong đó bao gồm giá trị về gỗ, dầu, làm thuốc, thực phẩm và làm cảnh.
Về làm gỗ có các loài: Thông nàng (Podocarpus imbricatus), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Sam lá dài (Amentotaxus sp.), Samu dầu (Cunninghamia konishii), chò chỉ (Cunninghamia konishii), vù hương (Cinnamomum balansae), giổi (Manglietia fordiana), lát hoa (Chukrasia tabularis), sến mật (Madhuca pasquieri).
Lấy dầu, nhựa có các loài: Samu dầu (Cunninghamia konishii), thông (Pinus ssp.), …, lấy tinh dầu có các loài họ Long não (Lauraceae), họ cam (Rutaceae), họ bạc hà (Lamiaceae), họ Na (Annonaceae).
Làm thuốc có nhiều loài cho giá trị như: Đẳng sâm (Codonopsis javanica), Sâm Puxailaileng (Panax sp.), Bảy lá một hoa (Paris hainanensis),.. Lá khôi (Ardisia sylvestris), Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria), Sâm cau (Curculigo latifolia), Bách bộ (Stemona tuberosa), Lan gấm (Anoectochilus setaceus), Trà hoa vàng (Camellia chrysantha), Gi¶o cæ lam n¨m l¸ (Gymnostemma pentaphylla)
Làm cảnh có các loài: Phong lan (Dendrobium ssp.), Mai vàng (Ochna integerrima), Thu hải đường (Begonia hatacoa),…
Làm thực phẩm và được khai thác mạnh hiện nay đó là các loài gừng, riềng (Zingiber sp.), Dong riềng (Phrynium tonkinense), quả trám (Canarium sp.),…
            Các lâm sản ngoài gỗ khác như cũng được người dân khai thác với nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là đem bán cho các chủ buôn khác như: quả óc chó (Engelhardtia colebrookeana), hạt dẻ (Castanea sp.), quả cọ (Livistona sp.),…
Hiện nay trong các cánh rừng tại 02 xã nghiên cứu, cây gỗ lớn còn rất ít. Rừng đa số là tái sinh với thành phần đơn giản,chủ yếu là cây gỗ nhỏ, bụi ưa sáng, ít có dây leo. Một số khu vực núi cao, địa hình hiểm trở còn giữ lại được những quần thể thực vật của khu rừng nguyên sinh ban đầu. Việc khai thác các sản phẩm từ rừng hiện nay cũng không đa dạng, qua những lần điều tra chúng tôi bắt gặp nhiều nhất là việc khai thác hàng tấn gừng dại và quả óc chó.
3. Phân bố của các loài thực vật theo môi trường sống
            Các loài thực vật ở Pù Xai lai Leng có môi trường sống rất phong phú như sống ven rừng, trong rừng sâu, các vùng đồi, núi cao, khe suối, ven đường, trong vườn nhà… Tuy nhiên, chúng tôi đã phân chia theo 3 môi trường sống chính là: Sống ở đồi, nương bãi; sống ở ven suối; sống ở núi cao. Trong đó 1 loài có thể phân bố ở 1 môi trường sống hoặc có thể sống ở 2 môi trường sống như: Thông đất (Lycopodiella cernuua (L.) Franco et Vasc.) sống ở ven suối và còn sống ở Đồi, nương bãi, kết quả được thể hiện qua bảng 3.
Bảng 3. Phân bố môi trường sống của các loài thực vật ở Puxailaileng
Môi trường sống Đồi, nương bãi Ven suối Núi cao
Số lượng loài 590 43 111
Tỷ lệ % 81,27 5,92 15,29
Bảng trên cho thấy, sự phân bố của hệ thực vật Puxailaileng ở trong 3 môi trường sống không đều nhau, các loài chủ yếu phân bố ở đồi, nương bãi với 590 loài chiếm 81,27% tổng số loài được điều tra, các loài điển hình như Chân chin tám lá (Schefflera heptaphylla (L.) Harms), Cúc đại mộc (Vernonia aborea Buch.-Ham.), Trám trắng (Canarium album Rauesch.), Móng bò đài nhọn (Bauhinia oxysepala Gagnep.), Đỏ ngọn (Cratoxylum formosum (Jack.) Benth. et Hook. f. ex Dyer), Đom đóm lá đay (Alchornea tiliifolia (Benth.) Muell.-Arg.),... Điều này cũng hợp lý bởi vì môi trường sống thích hợp của các loài thực vật chủ yếu là môi trường đồi, nương bãi.
Môi trường núi cao với 111 loài chiếm 15,29%, ở khu vực Puxailaileng có độ cao trên 2000 m, tuy nhiên càng lên đai cao thì tính đa dạng và phân bố của hệ thực vật càng giảm dần do điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Phân bố của hệ thực vật chủ yếu là các loài cây gỗ nhỏ và cây bụi thường mọc thuần loài, rất ít các loài dây leo nên tính đa dạng của nó thường thấp hơn so với các môi trường sống khác với các loài chủ yếu Thầu tấu răng cưa (Aporusa serrata Gagnep.), Nhội (Bischofia javanica Blume), Bòn bọt (Glochidion eriocarpum Champ.), Cà ổi (Castanopsis harmandii Hick & A.Cam), Dẻ cau (Quercus acutissima Carruth.),...
Thấp nhất là các loài sống ở ven suối với 43 loài chiếm 5,92% tổng số loài, sở dĩ số lượng loài của môi trường sống này thấp bởi vì đây là môi trường đặc thù với độ ẩm cao nên chỉ có các loài ưa ẩm, ưa nước mới sống được. Một số loài thường gặp là Quyển bá (Selaginella spp.), Ráng lá dừa (Blechnum orientale L.), Dương xỉ mộc lớn (Cyathea gigantea (Hook.) Holtt.), Sổ bà (Dillenia indica L.), Rù rì (Homonoia riparia Lour.), Cao hùng mũi (Elatostema acuminatum (Poir.) Brongn.), Bọ mắm (Pouzolzia zeylanica (L.) Benn.), Thạch xương bồ nhỏ (Acorus gramineus Ait. ex Soland.), Bán hạ xẻ thùy (Typhonium trilobatum (L.) Schott.),…
4. Phân bố các loài theo độ cao
Độ cao quyết định đến sự phân bố của các loài thực vật và ảnh hưởng mức độ đa dạng và phong phú loài. Khi nghiên cứu hệ thực vật Puxailaileng thì chúng tôi phân chia hệ thực vật theo các độ cao khác nhau, kết quả thể hiện ở bảng 4.
Bảng 4. Phân bố các loài theo độ cao
Độ cao (m) Số loài Tỷ lệ %
Dưới 500 571 78,65
500-1.000 10 1,34
500-1.500 4 0,56
500-2.000 4 0,56
Dưới 1.000 82 11,29
Dưới 1.500 23 3,17
Dưới 2.000 4 0,55
Trên 500 20 2,75
Trên 1.000 5 0,69
Trên 1.500 2 0,28
Trên 2.000 1 0,14
Kết quả trên cho thấy, phân bố theo độ cao của các loài thực vật ở Puxailaileng được phân chia làm 14 mức độ khác nhau. Trong đó, đa số các loài phân bố ở độ cao dưới 500 m (D5) với 571 loài chiếm 78,65% tổng số loài. Điển hình ở đai này là các họ Ô rô (Acanthaceae), Na (Annonaceae), Cúc (Asteraceae), Đậu (Fabaceae), Thầu dầu (Euphorbiaceae), Long não (Lauraceae),… 
Các loài phân bố từ 500 m đến 1000 m (D10) với 82 loài chiếm 11,29% tổng số loài, điển hình là các loài thuộc các họ Dẻ (Fagaceae), Chè (Theaceae), Núc nác (Bignoniaceae), Đỗ quyên (Eriaceae),…
Từ 1000 m đến 1500 m (D15) với 23 loài chiếm 3,17% tổng số loài và từ 1500 m đến 2000 m (D20) với 4 loài chiếm 0,55% tổng số loài. Như vậy, số loài phân bố giảm dần theo độ cao. Càng lên cao thì số loài càng giảm. Ngoài ra, còn sự giao nhau giữa các loài ở các đai độ cao khác nhau.
5. Đa dạng về nguồn gen quý hiếm
 Dựa vào 8 cấp tiêu chuẩn đánh giá mức độ quý hiếm của các loài động thực vật của tổ chức bảo vệ thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế (IUCN) thông qua ngày 30/4 năm 1994: Cấp EX -             Tuyệt chủng (Extinct); Cấp EW     Tuyệt chủng ngoài Tự nhiên (Extinct in the wild); Cấp CR      Rất nguy cấp (Critically endangered); Cáp EN          Nguy cấp (Endangered); Cấp VU Sẽ nguy cấp (Vulnerable); Cấp LR          ít nguy cấp (Lower risk)      ; Cấp  DD       Thiếu dữ liệu (Data dificient); Cấp NE       Không đánh giá (Not evaluated)
- Căn cứ vào danh lục thực vật đã điều tra được ở Puxailaileng, chúng tôi tiến hành xác định những loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Sau đây là danh sách các loài cây có nguy cơ bị tuyệt chủng cần có chính sách bảo tồn và phát triển.
Bảng 5.   Các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Puxailaileng
TT Tên Khoa học Tên Việt Nam Tình trạng
  1.  
Acanthopanax trifoliatus (L.) Voss. Ngũ gia bì gai EN A1a,c,d+2c,d
  1.  
Aglaia spectabilis (Miq.) Jain & Bennet. Gội nếp VU A1a,c,d+2d
  1.  
Anoectochilus setaceus Blume Lan kim tuyến EN A1a,c,d
  1.  
Ardisia silvestris Pitard Lá khôi VU A1a,c,d+2d
  1.  
Canarium tramdeanum Dai et Yakovl. Trám đen VU A1a,c,d+2d
  1.  
Chukrasia tabularis A. Juss Lát hoa VU A1a,c,d+2d
  1.  
Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. Đảng sâm VU A1a,c,d+2c,d
  1.  
Cunninghamia konishii Hayata Sa mộc dầu VU A1a,d, C1
  1.  
Cycas pectinata Buch.-Ham. Tuế lược VU A1a,c,d, B1+2b,c,e
  1.  
Dalbergia aff. cochinchinensis Pierre Trắc EN A1a,c,d
  1.  
Fokienia hodginsii (Dunn) A. Henry & Thomas Pơ mu EN A1a,c,d
  1.  
Gymnostemma pentaphylla (Thunb. ex Murr.) Makino Dần toong EN A1a,c,d
  1.  
Hopea hainanensis Merr. et Chun  Sao hai nam EN A1c,d, B1+2b,c
  1.  
Hopea mollissima (Merr.) Hand.-Mazz. Sao mặt quỷ VU A1c,d
  1.  
Lithocarpus hemisphaericus (Drake) Barnett. Sồi bán cầu VU A1,c,d
  1.  
Madhuca pasquieri (Dubard) H. J. Lam Sến mật EN A1a,c,d
  1.  
Michelia balansae (DC.) Dandy Giổi lông VU A1c,d
  1.  
Myrsine semiserrata Wall. Thiết tồn VU A1a,c
  1.  
Quercus langbianensis Hickel & A. Camus Sồi guồi VU A1c,d
  1.  
Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill. Ba gạc VU A1a, c
  1.  
Smilax elegantissima Gagnep. Kim cang nhiều tán VU B1 + 2b, c
  1.  
Sophora tonkinensis Gagnep. Hoa hòe bắc bộ VU B1+2e
  1.  
Strychnos nitida G. Don Mã tiền láng EN B1+2b
  1.  
Vatica subglabra Merr. Táu nước EN A1c,d
 
Bảng 6.  Các loài thực vật nguy cấp được ghi nhận ở Puxailaileng
Cấp nguy hiểm CR EN VU LC DD Cộng
Số lượng 0 9 15 0 0 24
Hệ thực vật trên Puxailaileng nói riêng và Kỳ Sơn nói chung phải chịu nhiều sức ép do các hoạt động dân sinh. Sức ép dân số đã gây ra những hậu quả trực tiếp và gián tiếp đến hệ thực vật. Đó là nạn phá rừng, chặt gỗ làm nguyên liệu sản xuất hoặc làm củi,…mà hậu quả của nó là diện tích rừng giảm đi nhanh chóng đi kèm với các nguy cơ sinh thái. Cuối cùng làm cho số loài bị tuyệt chủng có nguy cơ bị tuyệt chủng ngày càng tăng. Theo “Sách đỏ Việt Nam (2007)”, đã thống kê được 24 loài (chiếm 3,31% tổng số loài của toàn hệ) thực vật trong khu hệ này đang bị đe dọa. Các loài này phân bố chủ yếu ở các khu vực khác nhau của dãy Puxailaileng, các mức độ nguy cơ tuyệt chủng của  chúng được xếp vào các nhóm như sau:
Như vậy, ở Puxailaileng có 24 loài thực vật nguy cấp được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), cần có chính sách ưu tiên để bảo tồn. Trong đó mức đô nguy cấp (EN) với 9 loài và sẽ nguy cấp (VU) là 15 loài. Đây là những loài có thể cho giá trị gỗ, làm thuốc cho nên nó bị khai thác quá mức dẫn đến trong tự nhiên đang bị cạn kiệt dần và có nguy cơ tuyệt chủng.  
6. Kết luận
Kết quả điều tra thu thập trong thời gian nghiên cứu đã xác định được 726 loài thuộc 4 ngành thực vật. nhiều loài có giá trị khác nhau ở nhiều mức độ, trong đó bao gồm giá trị về gỗ, dầu, làm thuốc, thực phẩm và làm cảnh. Sự phân bố của hệ thực vật Puxailaileng ở trong 3 môi trường sống không đều nhau, các loài chủ yếu phân bố ở đồi, nương bãi với 590 loài chiếm 81,27%; núi cao với 111 loài chiếm 15,29%; sống ở ven suối với 43 loài chiếm 5,92%. Đa số các loài phân bố ở độ cao dưới 500 m có 571 loài (78,65%); phân bố từ 500 m đến 1000 m có 82 loài (11,29%). Từ 1.000 m đến 1.500 m có 23 loài (3,17%) và từ 1.500 m trở lên với 4 loài chiếm 0,55%. Có 24 loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng với nhiều cấp độ khác nhau đã được xác định.

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tiến Bân, 1997: Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. 532 tr.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2001 – 2005: Danh lục các loài  thực vật Việt Nam, Tập II, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
3. Phạm Hoàng Hộ, 1999-2000: Cây cỏ Việt Nam (tập 1). Nxb Trẻ, TP HCM.
4. Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997: Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội. 223 tr.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Dũng, Hoàng Xuân Trường, Nguyễn Đức Diện, Đinh Thị Kim Hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây