Đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH tới ngành lâm nghiệp Nghệ An
Thứ tư - 06/01/2021 22:091.0790
Rừng Nghệ An mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật rừng Việt Nam. Rừng tập trung ở các vùng đồi núi với hai kiểu rừng phổ biến là rừng kín thường xanh, phân bố ở độ cao dưới 700m và rừng kín hỗn giao cây lá kim, phân bố ở độ cao lớn hơn 700m. Rừng Nghệ An vẫn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho khai thác và phát triển các ngành công nghiệp.
Vườn Quốc gia Pù Mát Trong những năm gần đây dưới tác động của BĐKH toàn cầu, ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và ở Nghệ An nói riêng đã bị thiệt hại rất lớn do thiên tai: bão, lũ, hạn hán, nước biển dâng... * Biến đổi khí hậu làm suy giảm quỹ đất rừng và diện tích rừng BĐKH có nguy cơ tác động làm mất đất canh tác lâm nghiệp tại nhiều vùng của tỉnh Nghệ An. Theo số liệu Niên giám thống kê diện tích rừng giai đoạn 2010 - 2014 thì diện tích rừng của tỉnh Nghệ An có xu hướng giảm đi. Bảng 1: Diện tích đất lâm nghiệp có rừng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2014
Loại đất
Năm 2010
Năm 2011
Năm 2012
Năm 2013
Năm 2014
Đất lâm nghiệp có rừng
972.910
972.425
970.570
963.691
904.642
Rừng sản xuất
501.635
501.163
499.570
492.948
431.139
Rừng phòng hộ
302.068
302.055
301.763
301.263
303.982
Rừng đặc dụng
169.207
169.207
169.238
169.479
163.785
(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An) Đất lâm nghiệp còn bị mất do các nguyên nhân khác như chuyển đổi mục đích sử dụng: xây dựng, giao thông, ....Sự suy giảm diện tích có rừng hay diện tích không gian được che phủ bởi rừng phòng hộ đầu nguồn đã gây xói mòn, sụt lở đất dốc, giảm dòng chảy mặt, cạn nguồn thuỷ sinh, khô hạn lan rộng, gia tăng lũ quét và thiệt hại do thiên tai lũ lụt. * BĐKH làm suy giảm chất lượng rừng Do thời tiết chuyển biến bất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại rừng phát sinh, phát triển mạnh ở Nghệ An đặc biệt là sâu róm thông, chúng phát sinh và gây hại khá lớn cho các lâm phần rừng Thông làm suy giảm chất lượng rừng: Năm 2011, sâu róm thông có 5 thế hệ, thế hệ I xuất hiện và gây hại lớn nhất, toàn tỉnh bị nhiễm sâu róm thông thế hệ I: 13.351,9 ha tại các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương; Năm 2012, diễn biến sâu róm thông khá phức tạp, đã xuất hiện 4 thế hệ thì cả 4 thế hệ đều phát sinh các ổ dịch khác nhau trên địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu… Một số các loài bệnh hại xuất hiện trên các lâm phần rừng: bệnh khô cành ngọn trên keo tai tượng, bệnh phấn trắng … * Gia tăng nguy cơ cháy rừng Biến đổi khí hậu mà cụ thể là sự gia tăng nhiệt độ và số ngày nắng nóng dẫn đến mùa khô hạn kéo dài làm gia tăng khả năng cháy rừng vào mùa khô hàng năm. Nhiệt độ cao hơn, cường độ bức xạ cao hơn thúc đẩy quá trình lục hoá song độ ẩm giảm đi lại kiềm chế chỉ số tăng trưởng sinh khối của cây rừng. Tần số và cường độ gió Tây khô nóng tăng lên, nhiệt độ cao hơn và bốc hơi nhiều hơn chắc chắn gia tăng nguy cơ cháy rừng trong các tháng đầu và giữa mùa hè. Khai phá rừng bừa bãi làm cho nguy cơ cháy rừng trở nên thường xuyên hơn. Tại Nghệ An, theo thống kê của chi cục kiểm lâm (2014), diện tích có rừng bị cháy hàng năm là tương đối lớn: Năm 2001, có 26 vụ cháy và làm mất 172,5 ha rừng; năm 2006, có 28 vụ cháy và làm mất 80,4 ha rừng và năm 2010, diện tích có rừng bị cháy là 191,36 ha với 38 vụ cháy. Trong vòng 13 năm từ 2001 đến 2014, trong toàn tỉnh có 207 vụ cháy rừng và làm thiệt hại 575,22 ha rừng. Theo thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm tại Nghệ An có khoảng 15-25 vụ cháy rừng lớn và nhỏ, bình quân mất rừng mỗi năm là khoảng 50 ha. Các vụ cháy rừng lớn đều thuộc rừng trồng, đặc biệt là rừng Thông. Các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu và Quỳnh Lưu là các huyện trọng điểm cháy của Nghệ An.
2. Giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH trong lĩnh vực lâm nghiệp * Mục tiêu - Mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng, tăng bể chứa và bể hấp thụ, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. * Một số giải pháp chính ứng phó với biến đổi khí hậu - Trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và khả năng tổn thương do biến đổi khí hậu đối với lâm nghiệp, cần xây dựng và lựa chọn các giải pháp ứng phó với BĐKH. Các nội dung gồm: + Quản lý rừng bền vững nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương cho các hệ sinh thái và gia tăng độ che phủ của rừng. Trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; tăng cường công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng. + Nâng cao chất lượng rừng và năng lực phòng hộ của rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển. + Xây dựng và triển khai một số dự án thí điểm ứng phó với BĐKH đối với các vùng, các hệ sinh thái nhạy cảm và dễ bị tổn thương do BĐKH, đặc biệt đối với các vùng, hệ sinh thái dễ bị tổn thương. + Tăng cường bảo vệ và phòng chống cháy rừng: - Điều chỉnh các chính sách giao rừng, khoán quản vĩ mô và xã hội hóa trong trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng, gắn với các chính sách xã hội như giao đất, giao rừng, định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân làm nghề rừng sống được và làm giàu bằng chính nghề rừng. - Xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp bền vững. - Giảm thiểu tình trạng suy kiệt rừng tự nhiên. Bảo vệ tiến tới đóng cửa khai thác rừng tự nhiên. Bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng đất ngập nước huyện ven biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Vinh. * Xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu - Xây dựng danh mục các đề tài KHCN về BĐKH trong từng giai đoạn, kể cả các nghiên cứu về cơ sở khoa học và phương pháp luận; xác định mục tiêu, nội dung, sản phẩm của từng đề tài nghiên cứu. - Xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH phục vụ việc nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH và xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH. - Nghiên cứu các tác động của BĐKH đến KT-XH, môi trường; phân tích và đánh giá khía cạnh kinh tế của các hoạt động thích ứng với BĐKH. - Triển khai các chương trình, dự án về cơ chế REDD, CDM và các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng. * Nâng cao nhận thức, phát triển nguồn lực khoa học công nghệ và tài chính về BĐKH - Xây dựng kế hoạch về thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý ở các cấp, tổ chức, cộng đồng và cá nhân liên quan. - Xây dựng và biên soạn các tài liệu tuyên truyền, giáo dục và đào tạo cho từng đối tượng cụ thể có liên quan; sử dụng các phương tiện truyền thông như sách, báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình để phổ biến kiến thức về BĐKH. - Đánh giá nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực về BĐKH. - Đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan quản lý ở các cấp, các cơ quan nghiên cứu phục vụ các hoạt động về BĐKH.