Mỗi tháng có trên 100 thông báo về thay đổi các biện pháp SPS

Thứ ba - 28/11/2023 00:36 179 0
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, mỗi tháng, đơn vị này nhận được trên 100 thông báo thay đổi biện pháp SPS từ các thị trường, cần được cập nhật, phổ biến đẩy đủ.
Mỗi tháng có trên 100 thông báo về thay đổi các biện pháp SPS

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam: Mỗi tháng, Văn phòng SPS đều nhận được các thông báo, dự thảo về thay đổi biện pháp SPS về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, đối tượng kiểm dịch, quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm. Ảnh: Bảo Thắng.

Đáp ứng tốt các quy định, xây dựng thương hiệu quốc gia

Sáng 23/11, Hội nghị “Phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)” được tổ chức.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hàng tháng, Văn phòng SPS đều nhận được khoảng 100 các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS, gồm: các dự thảo về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm.

Do đó, việc cập nhật và phổ biển thông tin quy định thị trường về các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, UKVFTA, EVFTA, RCEP là rất quan trọng.

Hoạt động này được triển khai rộng khắp từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cho đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có 16 Hiệp định đã ký kết chính thức và 3 Hiệp định đang tiến hành đàm phán.

Theo đó, có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết bắt buộc áp dụng, quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) cần phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand với nhiều cam kết, trong đó có cam kết về SPS mà Việt Nam tham gia.

“Việc cập nhật và phổ biến các quy định về SPS đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân là đặc biệt quan trọng. Bởi quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng, nếu chúng ta vi phạm, sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng, thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Nam nhấn mạnh.

Thông tin về tình nông nghiệp Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, nông nghiệp thành phố đã hình thành nhiều thương hiệu uy tín: Gạo hữu cơ Đông Phú, gạo chât lượng cao Tam Hưng; nếp cái hoa vàng Ðông Anh; rau Vǎn Đức - Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Mê Linh; hoa hồng Mê Linh; hoa ly Phúc Thọ; bưởi Diễn Chương Mỹ; nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai...).

Một số sản phẩm đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như rau Văn Đức xuất khẩu đi Nhật Bản, nhãn chín muộn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thành phố đã đánh giá hơn 2.000 sản phẩm OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm 5 sao, 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao, hơn 1.000 sản phẩm 4 sao và 780 sản phẩm 3 sao.

Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng cho biết, nông nghiệp Hà Nội còn đối mặt với những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập.

Hàng hoá nông lâm thủy sản của có xu thế đối mặt với nhiều rào cản thương mại được các nước nhập khẩu đặt ra để bảo hộ sản xuất trọng nước. Các yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở tiềm năng thị trường nông sản, ông Nguyễn Mạnh Phương đề xuất đẩy mạnh xây dựng các thương hiệu sản phẩm chất lượng, minh bạch, trách nhiệm, giải quyết tốt các rào cản kỹ thuật, thực thi đầy đủ quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, tạo dựng thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội cho biết, nông nghiệp thành phố đã hình thành nhiều thương hiệu uy tín. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội cho biết, nông nghiệp thành phố đã hình thành nhiều thương hiệu uy tín. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhiều quy định mới được cập nhật

Tại hội nghị, quy định về an toàn thực phẩm các thị trường trọng điểm đã được cập nhật. Ông Lò Xuân Quyết, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc đã chia sẻ về xu hướng của thị trường tỷ dân này.

Theo ông Quyết, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Nhóm hàng có tỷ lệ bị cảnh báo cao, gồm: thủy sản, nước trái cây, chưa tính cà phê, sản phẩm sữa, bánh các loại.

Về xu hướng của thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu nhấn mạnh, người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ngoài ra, thị trường Trung Quốc đang có xu hướng quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trước những thông tin cập nhật đó, ông Quyết khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc cần tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và nước nhập khẩu, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường này.

Thông tin về Hiệp định RCEP, ông Đào Văn Cường, Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam nhận định, đây là một hiệp định thương mại khổng lồ, đại diện cho một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Đối với Việt Nam, các nghiên cứu chỉ ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ RCEP.

Ông Cường lưu ý, quy định của một số thị trường trong khu vực RCEP tập trung vào các yêu cầu về kiểm dịch thực vật giúp loại bỏ nguy cơ lây lan dịch hại qua đường thương mại.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây