Một số địa phương gặp khó trong lựa chọn sản phẩm OCOP

Thứ tư - 01/02/2023 04:32 895 0
Việc thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần nâng cao đời sống người dân, tăng thu nhập, tạo sản phẩm đặc trưng vùng miền. Dù vậy, hiện vẫn còn một số địa phương đang loay hoay trong việc chọn lựa để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Xã Nam Anh là vùng đất màu nổi tiếng trên địa bàn huyện Nam Đàn. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Tận dụng những lợi thế đó, xã cơ cấu cây trồng trên địa bàn rất đa dạng, phong phú với nhiều loại hoa màu, cây ăn quả, dược liệu…
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, xã Nam Anh đã vận động, khuyến khích các hợp tác xã, hộ dân tham gia xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương và đạt được nhiều thành quả. Đến nay, toàn xã đã có 11 sản phẩm OCOP, nằm trong tốp đầu của huyện, các sản phẩm đạt chất lượng cao và được thị trường đón nhận.
HTX Nông nghiệp xanh Đại Huệ trên địa bàn xã Nam Anh có 8 thành viên, trước đây, các thành viên sản xuất nông nghiệp đơn thuần, riêng lẻ, giá trị kinh tế không cao. Tuy nhiên, thực hiện chương trình OCOP, các thành viên đã liên kết để cùng nhau sản xuất, chung tay kết nối tiêu thụ sản phẩm. Với sự đầu tư bài bản, tâm huyết, đến nay HTX đã có 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Ông Trần Đình Sơn – Giám đốc HTX xanh Đại Huệ cho biết: "Chương trình OCOP đã tạo động lực cho chúng tôi đầu tư máy móc, nhân lực, sản xuất các sản phẩm đạt các quy chuẩn theo quy định để đưa ra thị trường. Từ khi các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra cũng được đảm bảo khi có nhiều bạn hàng từ khắp các tỉnh, thành liên hệ, thu nhập của các thành viên cũng tăng lên. Hiện nay, ngoài nguyên liệu sắn dây sẵn có trên địa bàn, chúng tôi phải nhập thêm nguyên liệu từ các địa phương khác để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng phải thuê thêm các lao động ngoài để đảm bảo tiến độ".
Xã Diễn Ngọc là địa phương có thế mạnh về đánh bắt hải sản trên địa bàn huyện Diễn Châu, trong đó tôm nõn là sản phẩm đặc trưng. Năm 2021, sản phẩm tôm nõn được công nhận OCOP 3 sao, từ đó, giá trị của mặt hàng được nâng lên đáng kể.
Ông Lê Minh Tuấn, đại diện tổ sản xuất tôm nõn trên địa bàn xã cho biết: "Từ khi được công nhận OCOP, sản phẩm tôm nõn đã được một số siêu thị, nhà hàng liên hệ và đặt hàng, số lượng bạn hàng không chỉ nằm ở trong tỉnh mà mở rộng thêm nhiều tỉnh, thành khác, giá thành cũng tăng lên so với thời điểm chưa được công nhận. Đó cũng là động lực để chúng tôi nỗ lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, nếu như ngày trước chỉ sản xuất từ 1,5 – 2 tấn/tháng vì lo ngại đầu ra không đảm bảo thì nay trung bình mỗi tháng sản xuất từ 2 – 3 tấn tôm nõn và đều được tiêu thụ khá tốt".
Từ đầu năm đến nay, Nghệ An triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh, thời tiết… Tuy nhiên, các địa phương, HTX, hộ sản xuất đã nỗ lực vượt khó và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Đã có thêm 58 sản phẩm của 36 chủ thể dự đăng ký đánh giá phân hạng đợt I/2022 gồm: 7 công ty chiếm 20%; 9 HTX chiếm 25%; 4 tổ hợp tác chiếm 11%; 16 tổ hợp tác, hộ kinh doanh chiếm 45% đạt hạng 3 sao trở lên (vượt 11,6% so với kế hoạch năm 2022 đề ra 58/50 sản phẩm). Điển hình như: Nam Đàn 10 sản phẩm; Đô Lương 12 sản phẩm; Yên Thành 6 sản phẩm…
Loay hoay tìm sản phẩm OCOP
Thực tế cho thấy, nếu như có những địa phương có thế mạnh về tự nhiên, dồi dào cây trồng, vật nuôi hay có sẵn tổ sản xuất, làng nghề, dễ dàng chọn lựa các sản phẩm OCOP thì trái lại, nhiều địa phương vẫn đang loay hoay chưa thể tìm ra sản phẩm đặc trưng.
Xã Nghi Quang đăng ký về đích NTM nâng cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc trong năm 2022, theo đó phải có một sản phẩm OCOP, tuy nhiên đến nay, địa phương vẫn chưa thể xác định được sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Đình Thanh – Chủ tịch UBND xã Nghi Quang cho biết: “Bà con nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp đơn thuần, không có sản phẩm nào nổi trội, một số diện tích đất nông nghiệp đang để hoang do không có nhân lực, con em đi làm ăn xa. Do đó, việc tìm ra sản phẩm để xây dựng OCOP rất khó".
Tương tự tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu, địa phương cũng chưa xác định được sản phẩm OCOP để tập trung xây dựng. Toàn xã có trên 300ha đất nông nghiệp, trong đó có 120ha lúa, còn lại là đất màu với những cây trồng đơn thuần như lạc, ngô, đậu… không có sự nổi bật. Về chăn nuôi, xã có thế mạnh về nuôi gà, tuy nhiên chưa có thương hiệu, các hộ nuôi và tiêu thụ chưa có sự liên kết để nhân rộng thành sản phẩm đặc trưng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: "Tại những xã chưa có sản phẩm và những xã đăng ký về đích hàng năm, chúng tôi đều ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực để định hướng, hướng dẫn lựa chọn sản phẩm, triển khai các mô hình để xây dựng. Ngoài ra, các ban ngành, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho tầng lớp nhân dân hiểu được vai trò của chương trình Mỗi xã một sản phẩm, từ đó cùng với chính quyền các xã chung tay xây dựng sản phẩm OCOP bền vững cho địa phương mình".
Đến nay, Nghệ An đã có 249 sản phẩm OCOP được đánh giá công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 40 sản phẩm đạt 4 sao, 208 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá phân hạng cấp Quốc gia là “Đèn lồng treo Mây tre đan” .

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây