Phòng trừ bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn

Thứ hai - 19/07/2021 23:59 468 0
Sau đợt nắng nóng kéo dài, thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay nắng nóng và mưa gió xen kẽ nên bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn đã xuất hiện và gây hại trên lúa HT, mùa. Tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) bệnh phát sinh cục bộ tại các xã Diễn Quảng, Diễn Thắng, Diễn Hoa, Diễn Cát, Diễn Bình, Diễn Hạnh, Diễn Trường, Diễn Xuân…, với tổng diện tích nhiễm hơn 550 ha. Các xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Diễn, Quỳnh Giang, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng… của huyện Quỳnh Lưu cũng có 740 ha lúa nhiễm. Bệnh cũng phát sinh rải rác từng điểm nhỏ tại các xã Nhân Thành, Vĩnh Thành, Phú Thành, Hồng Thành…, của huyện Yên Thành. Và nhiều nơi trong cả nước như lúa trong giai đoạn đòng - trỗ ở xã Hồ Đắc Kiện của huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Cả hai đối tượng trên đều do vi khuẩn gây nên, bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae và bệnh đốm sọc do vi khuẩn Xanthomonas oryzicola.
 Biện pháp phòng trừ gặp nhiều khó khăn, vì thực tế hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh do vi khuẩn gây bệnh thực vật nói chung. Đối với bệnh bạc lá, triệu chứng ban đầu thường phía bìa lá, chóp lá chuyển vàng trước (nên có nơi gọi bệnh cháy bìa lá), sau đó phần chóp vàng và hóp lại như mo cau, vết bệnh lan dần vào trong theo đường gợn sóng màu vàng. Phần lá bị bệnh chuyển màu xanh tái, vàng lục. Giữa phần lá bị bệnh và chưa bị có ranh giới rõ ràng, giới hạn theo đường gợn sóng màu vàng, có khi chỉ một đường viền màu nâu đứt quãng. Khi phần mô lá nhiễm bệnh bị chết, chúng ta thấy lá bạc, khô và xơ xác. Nếu ẩm độ cao, tế bào trương nước ít bắt gặp giai đoạn lá chuyển vàng và chỉ thấy lá bị khô trắng lúc nắng lên.
Đối với bệnh đốm sọc triệu chứng là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc theo các gân lá. Lúc đầu vết sọc xanh trong giọt dầu, chuyển màu nâu, xung quanh sọc màu nâu có các quầng vàng. Nếu lá bị nhiều đốm sọc tập trung thì các quầng vàng liên kết nhau làm lá lúa bị vàng và khô cháy như bệnh bạc lá. Vi khuẩn gây bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc phát sinh phát triển trong điều kiện nhiệt độ 26 - 31 độ C và ẩm độ 80 - 90%, bệnh thường gây hại nặng vào giai đoạn lúa đòng - trỗ. Vi khuẩn xâm nhiễm vào cây chủ yếu qua vết thương cơ giới, lan truyền nhờ nước, mưa, gió và tiếp xúc cọ xát giữa các lá, các cây trong ruộng.
Hiện miền Bắc và miền Trung thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi, mưa rào, mưa giông và gió giật. Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên lúa cao, đặc biệt là các diện tích lúa HT.
Để phòng trừ hiệu quả bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc do vi khuẩn cần thực hiện tốt công tác sau: Đối với các vụ tiếp nên lựa chọn các giống kháng, xử lý hạt giống khi ngâm ủ với nước 54 - 55 độ C (2 sôi 3 lạnh) vì nguồn bệnh được xác định chủ yếu từ hạt giống, vi khuẩn gây bệnh bạc lá chết ở nhiệt độ 53 độ C. Khi bệnh chớm xuất hiện, nếu điều kiện thủy lợi thuận tiện nên rút nước khô ruộng 2 - 3 ngày, có thể giảm tốc độ phát triển và lây lan của bệnh. Bình thường nên để mực nước 5 - 10 cm, bón phân cân đối, tăng cường kali giai đoạn bón thúc đòng. Sau mỗi trận mưa gió nên phun phòng bằng nước vôi trong ngay sau khi tạnh mưa. Tuy nhiên cần lưu ý phạm vi pH thích hợp của VK rộng, từ 5,7 - 8,5 nên cần chú ý đến nồng độ pha chế. Liều pha khoảng 1 kg gram vôi tôi - Ca(OH)2 với 20 lít nước thì pH > 9. Biện pháp hóa học có thể sử dụng thuốc sát khuẩn hoặc kháng sinh. Thuốc sát khuẩn như Xantocin 40WP, Totan 200WP,  Xanthomix 20WP… Đối với thuốc kháng sinh có thể sử dụng các thuốc có chứa kasugamycine,… Nếu phải phun phòng trừ khô vằn, vàng lá do nấm giai đoạn đòng - trỗ thì nên chọn các loại thuốc có chứa propiconazole như Nevo 330EC, Tilt Super 300EC..., ngoài phòng trừ nấm bệnh còn có thể hạn chế sự xâm nhiễm của vi khuẩn.
 

Tác giả bài viết: Phan Thế Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây