Xây dựng nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thứ hai - 05/12/2022 20:56 484 0
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng định hướng rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…”(1). Thực hiện chủ trương trên cần nhận thức rõ nội dung xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh trong thời gian tới.
XÂY DỰNG NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI
Nội dung xây dựng nông thôn hiện đại chính là thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo. Triển khai nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 320/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới, quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Để xây dựng nông thôn hiện đại thì trước hết các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cả hệ thống chính trị phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khai thác mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng nông thôn hiện đại phải có quy hoạch phù hợp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn lâu dài, có các khu chức năng dân sinh, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đảm bảo giải quyết nhiều việc làm có thu nhập cao cho cư dân nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu “ly nông không ly quê”, gắn với bảo vệ tốt môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch có hiệu quả. Khai thác, phát huy mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở văn hóa, thương mại, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư ở nông thôn từng bước đồng bộ, chất lượng, hiệu quả.
Xây dựng nông thôn hiện đại gắn với những tiến bộ trong thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm nghèo đa chiều, có tỷ lệ lao động được đào tạo nghề cao, phát triển đa dạng các mô hình liên kết, mô hình hợp tác xã, khuyến nông, phát triển làng nghề,…để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Xây dựng nông thôn hiện đại phải gắn với phát triển văn hóa - xã hội - môi trường như giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Đồng thời, nông thôn hiện đại rất cần xây dựng cho được hệ thống chính trị vững mạnh với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức có kiến thức, kinh nghiệm, có phẩm chất, đạo đức tốt, gắn bó, gần gũi với nhân dân.
Trên cơ sở đó từng bước phấn đấu đạt được mục tiêu tổng quát của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt tại Quyết định số 263/QĐ-TTg: “Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.
Để đạt được mục tiêu to lớn đó, trước hết các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phải tăng cường tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, quyết định, thông tư, hướng dẫn về xây dựng nông thôn đã ban hành, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên, người dân. Phát huy, khai thác mọi nguồn vốn, bao gồm vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn. Đặc biệt, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, yếu tố tăng thu nhập của người nông dân.
Việc tổ chức lại sản xuất phải gắn chặt chẽ với tổ chức lại xã hội nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng,…
XÂY DỰNG NÔNG DÂN VĂN MINH
Xây dựng nông dân văn minh là vấn đề rất lớn, rất quan trọng như quan điểm của Đảng ta tại nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”(2).
Để người nông dân đạt đến trình độ văn minh, đảm nhận được vai trò chủ thể, vị trí trung tâm thì phải có thời gian, có phương pháp, có bước đi tích cực cụ thể. Theo đánh giá của Trung ương “thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng”(3). Tuy nhiên “đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập, lao động nông thôn có xu hướng già hóa, năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(4).
Người nông dân văn minh trước hết phải là người nông dân được tri thức hóa. Muốn vậy, cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cả hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người nông dân chuyển biến được nhận thức về vai trò chủ thể, có tâm thế tự chủ, có kiến thức, kỹ năng, năng lực, bản lĩnh làm chủ bản thân, làm chủ xây dựng, phát triển cộng đồng dân cư nông thôn.
Các cơ quan thông tấn báo chí là công cụ sắc bén, hiệu quả để thường xuyên cập nhật thông tin, truyền tải đến người nông dân, vì thế, cần tăng cường chỉ đạo và đầu tư xây dựng các cơ quan này vững mạnh, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình.
 
 
Trên cơ sở đó, các ban, bộ, ngành chức năng Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp có các giải pháp đồng bộ, khoa học, sát thực tế với các vùng, miền nông thôn để từng bước thực hiện “tri thức hóa nông dân”. Nhà nước sớm bổ sung cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ máy móc, thiết bị công nghệ,... Có tri thức, người nông dân sẽ tự phát hiện các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, biết nghiên cứu, phân tích và giải quyết các yếu tố liên quan đến năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm,… Có tri thức người nông dân sẽ chủ động hơn trong xử lý các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cũng như biết sử dụng có hiệu quả tiến bộ giống mới, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm,…
Nhà nước tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho sự gắn kết 4 nhà (Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp). Sự gắn kết này càng chặt chẽ, hiệu quả thì tri thức người nông dân được nâng cao, nông nghiệp sẽ phát triển nhanh, bền vững. Cần nghiên cứu để quy hoạch và phát triển các trường đào tạo cho nông dân, con em nông dân, vì muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp phải có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hóa. Muốn có một nền nông nghiệp tri thức, người nông dân phải được tri thức hóa.
Ngoài trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh, về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, cần thiết phải trang bị cho người nông dân văn minh kiến thức về văn hóa để họ chủ động tham gia với cộng đồng tổ chức các hoạt động vui chơi, thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe, xây dựng đời sống tinh thần ở nông thôn. Đồng thời, trang bị kiến thức để người nông dân tự chủ trong đóng góp sức mình bảo vệ, tôn tạo, phát huy các di sản, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em, của các vùng, miền trong cả nước. Người nông dân văn minh là người có ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, xây dựng “tình làng, nghĩa xóm”, ủng hộ, tự nguyện xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng các mối liên kết để phát triển kinh tế, phát triển văn hóa nông thôn.
Xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một trong những chủ trương lớn, nhất quán để góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong công cuộc đổi mới đất nước, định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.
(1) - Văn kiện ĐH XIII, T1, Tr44.
(2) - Văn kiện Hội nghị TW 5 BCHTW, NXB Chính trị quốc gia, Tr93.
(3) - Văn kiện Hội nghị TW 5 BCHTW, NXB Chính trị quốc gia, Tr91.
(4) - Văn kiện Hội nghị TW 5 BCHTW, NXB Chính trị quốc gia, Tr91.

Tác giả bài viết: Đức Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây