ĐỂ ĐẢM BẢO MỘT CUỘC SỐNG MẠNH KHỎE, HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Thứ tư - 10/03/2021 21:32 370 0
Tuổi tác càng cao, người già càng trở nên "khó chiều", không những về sức khỏe mà cả vấn đề về tâm lý. Vậy làm sao để người già luôn vui vẻ, khỏe mạnh trong cuộc sống hàng ngày? Đó là mục tiêu chung của thế hệ con cái, mà bất cứ ai cũng cần phải hiểu để chăm sóc tốt hơn ông bà, cha mẹ của mình.

Khủng hoảng tâm lý người lớn tuổi:

Sau khi nghỉ hưu, phần lớn người già có cảm giác mình không còn giá trị, bị lãng quên, không còn được người khác tôn trọng. Họ cảm thấy như mình bị mất đi tất cả: công việc, mối quan hệ, quyền lực... Trong khi mọi người xung quanh vẫn bận rộn với công việc thì người già "quanh quẩn với bốn bức tường", những mối quan hệ giao tiếp trước kia hầu như bị cắt đứt. Ngoài việc cơ thể lão hóa, tinh thần của người lớn tuổi cũng sẽ sa sút theo. Vì thế người già dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý, thường thấy như: cô đơn, hoài cổ, lo lắng bi quan, nóng nảy, đa nghi...
Lời khuyên:
Hãy để người già có cơ hội tiếp xúc nhiều với xã hội, nhiều đối tượng ở mọi lứa tuổi khác nhau và khuyên họ dành thời gian tập luyện thể dục thể thao, kiểm tra sức khoẻ định kỳ... Hơn hết hãy quan tâm tới đời sống tinh thần của người già, cố gắng cùng luận bàn về những thay đổi xã hội, về những vấn mà họ quan tâm, tạo tâm lý thoải mái khi ở cùng con cháu.

Dễ mắc các bệnh về dinh dưỡng:

Ở người cao tuổi, khả năng nhai nghiền thức ăn và chức năng tiêu hoá đều giảm, quá trình tiêu hóa hấp thu chất đạm cũng kém đi. Bên cạnh đó, những bệnh lý khác hay gặp phải như cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa, tai biến... ít nhiều đều liên quan đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của người lớn tuổi.
Lời khuyên:
Người lớn tuổi nên ăn ít trong mỗi bữa ăn và chia thành nhiều bữa trong ngày. Mặt khác, cần đa dạng hoá món ăn để cơ thể có đủ nguồn dinh dưỡng đồng thời dễ tiêu hoá, hấp thụ. Thức ăn dành cho người lớn tuổi có độ mặn, nhạt vừa phải, không nóng quá, không lạnh quá, và không nhiều dầu mỡ, tăng cường các loại rau củ quả, dùng dầu thực vật. Ngoài ra, người già cần tập thể dục thường xuyên với những động tác đơn giản như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga...Thường xuyên rối loạn giấc ngủ, tiểu đêm
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi thường do các nguyên nhân: do tuổi tác bởi thể trạng và chức năng cơ thể bị suy giảm đáng kể; do bệnh lý; do tác động của môi trường xung quanh... Các rối loạn giấc ngủ thường gặp như khó ngủ, ít ngủ về đêm, dễ tỉnh giấc...
Người cao tuổi thường gặp chứng tiểu đêm nhiều lần khiến họ đã ít ngủ càng khó ngủ lại hơn sau mỗi lần đi vệ sinh. Chứng mất kiểm soát đường tiểu trong lúc ngủ cũng thường gặp phải ở người già.
Lời khuyên:
Hãy tập cho người cao tuổi những thói quen như ngủ và dậy vào những giờ nhất định; không gian ngủ yên tĩnh, thông thoáng, tránh tiếng ồn, ánh sáng; tránh đọc sách hoặc xem TV quá khuya; tránh suy nghĩ, lo âu, nóng giận; không ăn quá no và hạn chế uống nước nhiều trước giờ ngủ.
Đối với người lớn tuổi hay đi tiểu đêm hoặc bị rối loạn kiểm soát đường tiểu, nên sử dụng tã giấy người lớn hoặc tấm lót để vừa có thể ngủ tròn giấc, vừa đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, vừa tiết kiệm thời gian và công sức thay giặt.

Những lưu ý khi chăm sóc người cao tuổi:

Người cao tuổi có các đặc điểm sinh học như: Giảm trọng lượng cơ xương, giảm chuyển hóa cơ bản, thoái triển chức năng các bộ phận, cơ thể thiếu ôxy, huyết áp tăng dần theo tuổi, lưu lượng tim giảm, hệ tiết niệu có nhiều thay đổi, hệ thần kinh lão hóa rất sớm…
Tới tuổi 60, đã có nhiều sự thoái hóa trong cơ thể. Gan còn lại 1.000 g (gan người trưởng thành nặng 1.500 g); thận từ 170 g còn 100 g; các bắp cơ mất tính đàn hồi và sức co; trong cơ tim có hiện tượng mỡ hóa các thành mạch máu, lắng đọng cholesterol gây nhiều rối loạn về huyết động; mô phổi mất tính đàn hồi, khả năng hô hấp giảm và thông khí giảm.

Bình thường não nặng khoảng 1.400 g, ở người 85 tuổi chỉ còn 1.180 g. Tình trạng hưng phấn giảm làm mất cân đối giữa 2 quá trình ức chế và hưng phấn, khiến tính tình người già thay đổi, ít thích hoạt động, dễ bị rối loạn giấc ngủ, số lượng nước trong cơ thể mất nhanh…

Do đặc điểm của cơ thể khi có tuổi nên bệnh tật thường có nhiều diễn biến khó lường và tiên lượng xấu. Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh cao tuổi có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó cần lưu ý:

– Bệnh về hô hấp: Người bệnh khó thở nhiều nên phải đặt ở tư thế thuận tiện nhất cho việc thông khí. Để ngồi hoặc nửa nằm nửa ngồi ở chỗ mát, thoáng khí cho dễ thở. Mặc đủ ấm. Nếu người bệnh ho không khạc đàm ra được, cho uống thuốc long đờm như Acetylcysteine, Bromhexin. Cần lưu ý tầm quan trọng của chế độ ăn uống, cho ăn nhiều bữa nhỏ, bảo đảm đủ nước uống. Sau khi khỏi bệnh, cần tập thở dưỡng sinh (thở bụng) hay thở đều, sâu.

– Bệnh tim mạch – thận: Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi về thể chất cũng như tinh thần. Đặt nằm đầu gối cao, cho ăn nhẹ, dễ tiêu, tránh táo bón bằng chế độ ăn nhiều chất xơ như rau củ, khoai lang… và uống nhiều nước. Khi bị táo bón có thể dùng thuốc nhuận tràng như Duphalac theo chỉ định của bác sĩ. Đối với bệnh thận, cần giữ cho cơ thể được cân bằng nước – điện giải. Theo dõi nước tiểu về lượng, màu sắc.

– Bệnh về tiêu hóa: Cho ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ; cho ăn nóng. Chống táo bón và đi lỏng. Khi đi ngoài phân lỏng cần bồi phụ nước – điện giải bằng uống Oresol. Cho ăn thức ăn dễ tiêu.

– Bệnh cơ – xương – khớp: Luyện tập bằng cách vận động là biện pháp hàng đầu. Sử dụng vật lý liệu pháp như hồng nhiệt, suối nóng, tắm khoáng, xoa bóp… Do người bệnh bị loãng xương ít nhiều nên có nguy cơ gãy xương, nhất là gãy cổ xương đùi, vì vậy cần phải để phòng té ngã. Trong trường hợp bị gãy xương, sau giai đoạn liền xương nên tập luyện lại ngay.

Đối với các bệnh lý cơ, cần xoa bóp đều đặn để tránh teo cơ cứng khớp. Nói chung, đối với bệnh lý cơ-xương-khớp cần có chế độ luyện tập phù hợp.

– Bệnh lý buộc phải nằm lâu: Nằm lâu rất dễ gây loét mục ở các vị trí tì đè xương. Nên dùng nệm mềm; rửa da sạch sẽ, giữ da khô ráo. Cần đổi tư thế (trở mình) sau 30 phút.

Nguyên tắc dùng thuốc cho người cao tuổi:

Ngày nay, nhờ những tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là y tế và chăm sóc sức khỏe nên tuổi thọ của con người không ngừng được tăng cao.

Tuy nhiên, song song với tuổi thọ tăng cao lại kéo theo những bệnh của người cao tuổi. Đây là bệnh lý có những đặc thù riêng, cả về chẩn đoán, theo dõi và điều trị, do đặc điểm về tâm sinh lý của người già có nhiều thay đổi so với các lứa tuổi khác.

Chính vì vậy, việc hiểu biết về một số đặc điểm sinh – bệnh lý và một số những điểm đáng lưu ý khi dùng thuốc cho những người cao tuổi là hết sức quan trọng.


Những đặc điểm ảnh hưởng tới việc dùng thuốc:

– Theo thời gian, một số các cơ quan tổ chức đã suy giảm chức năng đáng kể, do vậy dễ dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng rồi lại đáp ứng quá mạnh (nghĩa là liều điều trị rất gần với liều độc).

– Thường mắc nhiều thứ bệnh phối hợp; dùng thuốc điều trị bệnh này, có thể làm nặng thêm bệnh kia. Hơn nữa, việc điều trị nhiều loại bệnh sẽ dễ dẫn đến tương tác thuốc có hại.

– Hấp thu thuốc: bộ máy tiêu hoá của người cao tuổi có nhiều thay đổi do giảm số lượng các tế bào hấp thu kèm theo giảm nhu động ruột cũng như giảm lượng máu tuần hoàn đến ruột dẫn đến việc hấp thu trở nên khó khăn và chậm chạp hơn, trong khi thuốc lưu lại trên đường tiêu hoá lâu hơn lại dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hoá.

– Phân phối thuốc: người già khối lượng các mô giảm, do vậy khối lượng nước giảm mà khối lượng mỡ nói chung lại tăng lên. Do vậy các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ; còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm khởi đầu, nhưng lại tăng thời gian tác dụng, dễ dẫn đến tích lũy gây độc.

– Chuyển hoá và thải trừ thuốc: thuốc được thải trừ qua gan và thận là chủ yếu, nhưng ở người già, khối lượng gan và thận đều giảm; lượng máu đến cũng giảm do vậy ảnh hưởng tới chuyển hoá của thuốc; dễ dẫn đến tích lũy và gây độc.

Một số nguyên tắc chung dùng thuốc cho người cao tuổi:

– Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi; tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được cho là “thuốc bổ”.

– Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc và hiệu quả cao.

– Liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan – thận. Không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác.

– Phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc. Với các loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ, để tránh hiện tượng tích luỹ thuốc.

Tác giả bài viết: Ánh Ngân – TH TTTT-GDSK tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây