VÌ SAO DỊCH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI KHÓ DẬP TẮT TRIỆT ĐỂ

Thứ tư - 30/10/2024 23:10 96 0
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên ở Nghệ An vào ngày 12/3/2019 tại gia đình ông Hoàng Văn Lan ở xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu đã làm chết đàn lợn gồm 2 con lợn nái và 20 con lợn con. Chi cục Chăn nuôi Thú y Nghệ An đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi. Sau đó, chiều ngày 13/3/2019 ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh họp khẩn để triển khai biện pháp phòng chống và giao UBND huyện Quỳnh Lưu công bố dịch trên địa bàn huyện.
Từ năm 2019 lại nay, hầu như chưa có năm nào loại bệnh dịch này không xuất hiện với những mức độ khác nhau gây thất thiệt không hề nhỏ cho người chăn nuôi.
VÌ SAO KHÓ DẬP TẮT
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn lợn đạt 1,1 triệu con, là một trong số các tỉnh có đàn lợn nhiều nhất cả nước và được nuôi theo các hình thức trang trại, gia trại, nông hộ. Trong đó chăn nuôi theo hình thức nông hộ chiếm trên 65% tổng đàn lợn.
Chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng đang là một nguồn thu nhập lớn, chiếm tới 35 - 40% tổng thu nhập mỗi năm của các hộ nông dân. Vì vậy, mỗi lần xuất hiện dịch bệnh trên đàn lợn là điều khiến bà con nông dân rất lo lắng, nhất là hiện nay  khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến tết nguyên đán mà bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát mạnh. Theo thống kê sơ bộ từ năm 2021 đến tháng 9 năm 2024, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở hầu hết 21 huyện, thành, thị trên địa bàn toàn tỉnh, buộc phải tiêu hủy 63.200 con lợn với tổng trọng lượng trên 3.550 tấn. Riêng 9 tháng đầu năm 2024 hiện nay đã xảy ra 206 ổ dịch tả lợn Châu Phi, buộc phải tiêu hủy 6.700 con với tổng trọng lượng 360 tấn, các địa phương có số lượng ổ dịch tả lợn Châu Phi nhiều là: Anh Sơn, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương...
Thực tế bệnh dịch tả lợn Châu Phi khó dập tắt là vì:
Thứ nhất: Vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi (Asfarviridae) có sức đề kháng cao với môi trường, cho dù lợn đã khỏi bệnh vẫn còn khả năng mang vi rút trong thời gian dài. Do vậy, nếu chúng ta thấy bệnh đã hết mà buông lỏng phòng chống bệnh thì rất dễ tái xuất hiện dịch trở lại ngay tại nơi đã xảy ra bệnh trước đó.
Thứ hai: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh có thể xảy ra quanh năm, lợn đã bị bệnh có tỷ lệ chết lên tới 100%. Loại vi rút gây bệnh này tồn tại trong máu, trong các cơ quan của cơ thể lợn, trọng dịch bài tiết từ những còn lợn đã bị bệnh. Vi rút gây bệnh có thể sống lâu trong môi trường bình thường, trong dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt nấu chưa chín hoàn toàn.
Thư ba: Con đường lây truyền bệnh chủ yếu qua hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo có nhiễm vi rút và những người tiếp xúc với lợn đã bị bệnh mang theo mầm bệnh phát tán ra ngoài. Hoặc từ cả những sản phẩm đã chế biến có mang mầm bệnh dễ gây ra bệnh. Ngoài ra còn có các vật chủ trung gian như: ve mòng, côn trùng, gậm nhấm... cũng là những tác nhân gây bệnh.
Thứ tư: Công tác triển khai phòng chống dịch tả lợn Châu Phi về mặt chủ trương thì quyết liệt nhưng chưa liên tục, chưa triệt để, chưa có sự phối hợp chặt chẽ về các biện pháp phòng chống giữa các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất và người chăn nuôi để cùng đồng loạt thực hiện vì mục tiêu chung. Trong đó, khó quản lý triệt để nhất là việc vận chuyển, mua bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm thịt diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau; nếu không có biện pháp kiểm tra liên tục, chặt chẽ thì khó ngăn chặn được tình trạng nói trên. Đó là chưa kể đến các trường hợp khác, như: khi có hiện tượng lợn bị bệnh, vội vàng bán tháo lợn hoặc làm thịt để bán nhằm thu lại chi phí đã đầu tư cho chăn nuôi. Thậm chí khi lợn chết không khai báo, rồi âm thầm vứt xác lợn chết ra sông suối, ao hồ, bãi rác...
Thứ năm: Ý thức của người chăn nuôi về việc tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa cao, tỷ lệ đàn lợn được tiêm phòng vắc xin chỉ đạt ở mức thấp (từ 30 - 35%) và nguyên nhân theo người chăn nuôi là do giá thuốc cao (trên 65 ngàn đồng/liều)
MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
Một: Tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở mỗi địa phương cần phải kịp thời, đồng bộ, liên tục, triệt để cả trước, trong và kéo dài sau khi đã hết dịch từ 3 - 4 tháng. Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả, UBND các xã trong vùng có dịch cần thành lập một tổ công tác làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh gia súc. Tổ có nhiệm vụ thành lập chốt kiểm tra, giám sát việc mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ trong vùng có dịch ra ngoài và ngược lại. Phát hiện sớm những gia đình có lợn ốm, lợn chết để kịp thời tiêu hủy ngay theo hướng dẫn của ngành thú y. Đồng thời cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương tuyên truyền vận động tất cả mọi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo phổ biến của cán bộ chăn nuôi thú y, cụ thể là: Không dấu dịch khi thấy  lợn bị ốm hoặc bị chết; không mua bán, vận chuyển lợn bị bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn trong những ngày còn dịch và chưa qua 21 ngày sau khi hết dịch; không vứt xác lợn bị chết ra sông suối, ao hồ, bãi rác, lề đường, bờ bụi; không sử dụng thức ăn thừa lấy ở nhà hàng, khách sạn về cho lợn ăn khi chưa được nấu lại sôi ở nhiệt độ cao; không lấy nước ao hò, kênh mương chưa qua xử lý sát khuẩn để tắm hoặc cho lợn uống.
Đối với các trang trại, nông trại, gia trại có quy mô chăn nuôi lớn cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột hoặc phun dung dịch sát khuẩn cả trong và quanh vùng nuôi nhốt lợn. Đồng thời cấm người ngoài ra vào chuồng trại. Người phục vụ chăn nuôi mỗi lần đi vào chuồng trại phải thay quần áo, chân phải đi bốt và phải dẫm qua vôi trước khi vào chuồng. Trường hợp nghi ngờ có lợn bị bệnh thì phải báo cáo ngay với cơ quan thú y tỉnh, huyện để lấy mẫu xét nghiệm nhằm ngăn chặn sớm bệnh bùng phát thành dịch.
Hai: Khi phát hiện các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết hoặc hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh cần báo ngay cho UBND xã, thị trấn xử lý nghiêm theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.
Ba: Lợn giống mua về để nuôi chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, lợn khỏe mạnh. Trước khi nhập đàn cho vào chuồng trại cần nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.
Bốn: Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh và các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị cần phối hợp với các đia phương tiến hành tiêm vắc xin phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi bằng 1 trong 2 loại vắc xin dịch tả lợn Châu Phi đã được Bộ NN&PTNT cấp phép sử dụng tại Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023, đó là vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVET CO nghiên cứu sản xuất và vắc xin AVEC ASF LIVE của Côn ty CP AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.
Năm: Ngành chăn nuôi thú y cần xây dựng một số mô hình về chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy trình của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) để làm cơ sở cho việc tuyên truyền, hội thảo, tham quan... để từ đó nhân và mở rộng quy mô chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên phạm vi cả tỉnh.
Sáu: Đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, huyện, thành, thị) tuyên truyền mạnh các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và đưa tin những địa phương thực hiện tốt hoặc chưa tốt công tác phòng chống dịch bệnh này. Đây là một biện pháp rất thiết thực để từ các đại phương và người dân nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay.

Tác giả bài viết: HL-TN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây