Làng cổ ở Nghệ An là làng duy nhất của Việt Nam có tới 3 nhà khoa bảng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám
Thứ ba - 12/09/2023 23:305950
Không chỉ là một làng khoa bảng nổi tiếng, Trung Cần cũng là ngôi làng cổ duy nhất có đến 3 người giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Làng Trung Cần xưa, nay thuộc xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An),...
Không chỉ là vùng đất học nổi tiếng “Làng ta khoa bảng thật nhiều/Như cây trên núi, như diều trên không” - Trung Cần còn là ngôi làng duy nhất có tới 3 người giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Làng Trung Cần xưa, nay thuộc xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) từng được lưu danh với câu châm ngôn “quan Trung Cần, dân Dương Liễu” (Trung Cần là đất nhiều quan, Dương Liễu dân kiên cường). Thế nhưng có lẽ, ít ai biết ngôi làng nhiều quan ấy còn có một điểm “độc nhất vô vị” - có tới 3 vị Tế tửu. Huyền tích Tiến sĩ khai khoa Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, làng Trung Cần vào cuối thế kỷ 15 có tên là Trang Cần Cung, thuộc Nam Hoa Thượng, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương. Đến cuối thế kỷ 19, tổng Nam Hoa đổi thành tổng Nam Kim, lúc này Trung Cần vẫn thuộc tổng Nam Kim nhưng sáp nhập vào huyện Nam Đàn vào năm 1910. Trước đó, vào khoảng đầu thế kỷ 16, vùng đất Trang Cần Cung nổi tiếng có nhà khoa bảng Tống Tất Thắng. Theo các tài liệu đăng khoa lục, ông đỗ Tiến sĩ năm 1505 khi vừa tròn 18 tuổi, là người khai khoa cho vùng đất này dưới thời Lê. Ông làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư. Sau khi đánh giặc thắng trận trên đường trở về, ông lâm bệnh nặng và qua đời khi mới 35 tuổi.
Trung Cần là làng cổ duy nhất của Việt Nam có 3 người giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám thời phong kiến. Ảnh minh họa: INT.
Một số nguồn dã sử truyền rằng, họ Tống vốn ở Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay. Khi Nghía Quận công Tống Tất Thắng đánh trận trên đường trở về, một mình một ngựa đi dọc sông Lam thì gặp một cụ già gánh nước. Ngựa dừng chân, tướng quân hỏi: Thưa cụ, xưa nay có ai bị chém, đầu chưa lìa khỏi cổ mà sống tiếp được không? Cụ già trả lời: Già này sống gần trăm tuổi, chưa thấy ai như thế mà sống được. Liền đó, tướng quân mới phóng ngựa xuống bờ sông, tuốt kiếm chém đứt hẳn đầu mình. Đầu của ngài nằm lại bờ sông phía Bắc, sau dân làng đem đắp thành một ngôi mộ. Ngựa liền lao xuống dòng nước chảy, cõng theo thân xác ngài, trôi theo dòng Lam rồi dạt vào một con lạch nhỏ, dân làng nơi đây vớt được liền đem táng bên bờ sông. Thực ra, chuyện bị chém đầu vẫn sống chỉ là những giai thoại người xưa thêu dệt để giải thích cho một huyền thoại. Như ở đền Vua Rộc thôn An Điềm xã Vũ An (Kiến Xương - Thái Bình) lưu truyền câu chuyện đầy chất liêu trai về Vua Rộc - người bị chém đứt đầu nhưng vẫn không chết. Hay vào thời Lý, có tướng quân Đoàn Thượng người Hồng Châu (Hải Dương) làm đến chức Thái úy. Khi nhà Lý bị tiếm ngôi, ông đóng binh giữ Hồng Châu chống lại nhà Trần. Nguyễn Nộn đem đại binh đánh úp, đang mải chống Nguyễn Nộn thì quân Trần từ mặt Văn Giang ập đến. Đoàn Thượng bị một nhát đao từ sau chém vào gáy. Ngài liền cởi thắt lưng quấn lấy cổ, nổi giận phóng ngựa về phía Đông. Ngựa tới An Nhân, thấy một cụ già mũ áo nghiêm chỉnh đứng bên đường, chắp tay nói: “Đức Thượng đế biết tướng quân là người trung liệt, nghĩa khí, đã chọn cho tướng quân cái gò bên kia làm chỗ đất ngàn năm hương lửa”. Tướng quân xin vâng lời tới chỗ gò ấy, xuống ngựa nằm gối lên đầu giáo, côn trùng đùn đất phủ kín thi thể thành một ngôi mộ lớn. Ở xứ Nghệ, nếu như làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nổi danh có nhiều người đỗ đạt, thì làng Trung Cần cũng không kém. Sách “Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919)”, tác giả Đào Tam Tỉnh thống kê rằng: Quỳnh Đôi chiếm 17% toàn tỉnh, Trung Cần cũng chiếm đến hơn 11%.
Hầu hết, các vị Tế tửu người làng Trung Cần (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) làm việc tại Quốc Tử Giám Huế.
Có 3 người một làng làm Tế tửu Không chỉ là một làng khoa bảng nổi tiếng, Trung Cần cũng là ngôi làng duy nhất có đến 3 người giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Đầu tiên là Tế tửu Hồ Yên Ninh được ghi chép là người làng Trung Cần, hiện chưa rõ năm sinh năm mất và hành trạng khoa bảng. Một số tư liệu chính sử ghi ông là Giám sinh Quốc Tử Giám. Sau làm quan đến Quang tiến Vinh lộc Đại phu, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Người thứ hai là Lê Nguyên Trung vốn tên là Lê Tráng Lượng - danh sĩ đời Gia Long. Vì học giỏi nên được vua nhà Nguyễn đổi tên cho là Nguyên Trung (với ý là trung thành). Theo sách “Thoái thực kí văn” của Trương Quốc Dụng, ông còn có tên khác nữa là Lê Nguyên Huệ. Năm Quý Dậu (1813), ông đỗ Hương cống, khoa này có 12 người. Giám thí trường Nghệ là Phạm Quý Thích. Đầu bài Văn sách là Công đức như thiên sinh vạn vật. Bài làm của Lê Nguyên Trung có câu: “Nguy nhiên thần võ thánh văn chi thịnh mĩ, cửu công thất đức bất tận hình dung; Uyển nhược thái hòa nguyên khí chi lưu hành thứ loại vạn ban hàm tư phát dục”. Nghĩa là: Lớn lao vậy võ thần văn thánh chín công bảy đức không đủ hình dung, Lưu hành nhưng uyên khí thái hòa, muôn vật mọi loài đều nhờ sinh dục. Đoạn văn trên được Phạm Quý Thích khen ngợi: “Từ khí người này hơn cả”. Một số tài liệu khác có ghi về ông: Tính lỗi lạc, có khí tiết, trải thờ 4 triều làm quan khắp trong ngoài, có tiếng là một người thanh cần. Ông làm quan trải qua các chức Thự Tuần phủ Hưng Hóa, thăng Tổng đốc Bình Định, sau được triệu về kinh bổ nhiệm làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông là người nổi tiếng thanh liêm, khi còn làm Thự Tuần phủ Hưng Hóa ông dâng sớ xin phong kín mỏ vàng, có người đem số vàng to đến cầu cạnh nhưng ông không động lòng, được vua khen là liêm khiết. Ông làm việc công bằng, giản dị, được lòng dân, có tiếng là chính trị giỏi. Con ông là Lê Nguyên Thứ đỗ Cử nhân, cháu là Lê Bá Đôn đỗ Giải nguyên, tằng tôn là Lê Bá Hoan đỗ Tiến sĩ đều là những danh sĩ đương thời. Người thứ ba là Lê Bá Đôn đậu Giải nguyên khoa Đinh Mão niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), là cháu nội của Lê Nguyên Trung. Năm Tự Đức thứ 29 (1876), ông làm Tri huyện An Định. Gặp năm đói kém, ông cố sức trù liệu phát chẩn giúp dân, được triệu về kinh bổ nhiệm chức Chủ sự bộ Lễ, thăng chức Lang trung. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), triều đình sung ông làm Đổng lý sở Tu thư, được thụ hàm Thị độc học sĩ, trải lĩnh chức Đốc học Quảng Trị, Bình Định. Năm Ất Dậu niên hiệu Đồng Khánh (1885), ông lĩnh chức Tư nghiệp rồi thăng Tế tửu Quốc Tử Giám, đổi thụ hàm Hồng lô tự khanh. Đầu thời Thành Thái, ông nhiều lần được điều đi làm Đốc học tỉnh Bình Định và Thanh Hóa. Lê Bá Đôn làm quan liêm cần, học rộng, thông biết nhiều những lời của nhà địa lý, trước tác có tập “Địa lý tiệp yếu” nổi tiếng. Con trai đầu của Lê Bá Đôn là Lê Bá Hoan đỗ Cử nhân, rồi Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892), làm quan đến Phó đô Ngự sử. Con trai Lê Bá Hoan là Lê Nguyên Khái đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918). Nơi địa linh nhân kiệt, đất phát nhiều quan
Nơi phụng thờ Tế tửu Lê Nguyên Trung tại làng Trung Cần, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Làng Trung Cần ngày nay còn lưu giữ được nhiều di tích lẫn sự tích khoa bảng. Trong làng, vẫn lưu danh tên tuổi các vị đại khoa và những dòng họ có nhiều cống hiến. Trong đó, dòng họ Nguyễn Văn, tự hào “tam thế kế đại khoa” (3 đời đỗ đại khoa), nổi tiếng có Thám hoa Nguyễn Văn Giao. Nguyễn Văn Giao thi đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834), đời Minh Mạng. Vì bị nghi oan dính líu đến chuyện thi cử ở trường thi Nghệ An nên ông và một vài người khác phải chịu án “chung thân bất đắc ứng thí”. Khoảng 18 năm trở về quê dạy học, ông viết nhiều tác phẩm cả về lịch sử Trung Quốc và lịch sử Việt Nam như: Sử luận, Nam sử lược thuyết. Năm 1852, ông thi đỗ Giải nguyên và năm sau 1853, Nguyễn Văn Giao thi Hội đỗ Hội nguyên, tiếp đó dự thi Đình ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám hoa). Bên cạnh là dòng họ Nguyễn Trọng “tam thế ngũ hoàng hoa” (3 đời, 5 lần đi sứ), với 3 cha con, ông cháu gồm: Lại bộ Thị lang - Hầu quận công Nguyễn Trọng Thường, Hữu Thị lang - Nguyễn Trọng Đương, Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Trọng Đường. Cả 3 vị Tiến sĩ đều được cử đi sứ nhà Thanh. Dòng họ Nguyễn Nhân nổi tiếng với tên tuổi Trụ quốc Thương trật Trung Quận công Nguyễn Nhân Mỹ - người có công lớn trong việc “phù Lê diệt Mạc”. Làng Trung Cần cũng giữ được hệ thống nhà thờ họ của các danh nhân. Nhà thờ họ Nguyễn Nhân được các triều đại ban cấp sắc phong, hiện còn 2 sắc phong của triều Nguyễn. Tại nơi thờ Lê Nguyên Trung, dòng họ còn lưu giữ được nhiều di vật như 6 bia đá, nhiều đại tự, câu đối, sắc phong. Đặc biệt có bức biểu “Long Phi” sơn son thếp vàng do vua ghi năm Tự Đức thứ nhất (1840) khắc lời nhà vua ca ngợi đức nhân nghĩa của Tế tửu Lê Nguyên Trung. Theo thống kê chưa đầy đủ, Nghệ An có 10 người từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám từ triều Lê đến triều Nguyễn. Hầu hết trong số họ là những nhà đại khoa bảng nức danh một thời, là những bậc văn thần trụ cột triều đình. Có những trường hợp cha là Tế tửu, con là Tư nghiệp - như Nguyễn Phùng Thời (cha, Tế tửu) và Nguyễn Bá Quýnh (con, Tư nghiệp). Hay bố vợ và con rể cùng làm Tế tửu - như của Cao Xuân Dục (Thượng thư Bộ học, kiêm quản Quốc Tử Giám) và con rể là Đặng Văn Thụy (Tế tửu). Trong số 10 vị Tế tửu Quốc Tử Giám thì 3 vị thuộc triều Lê - tức Tế tửu Quốc Tử Giám Thăng Long, và 7 vị triều Nguyễn - tức Tế tửu Quốc Tử Giám Huế.