Tác động của chất thải nhựa đối với môi trường biển
Thứ tư - 21/04/2021 21:065450
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội các vùng ven biển đã và đang thải vào môi trường biển một lượng lớn các chất thải. Các chất thải đó tích lũy dần theo thời gian và có nguy cơ gây nên các thảm họa về môi trường biển làm phá hủy hệ sinh thái biển, thiệt hại về kinh tế, đời sống của cộng đồng ven biển. Bên cạnh các ô nhiễm nước thải, ô nhiễm rác thải nhựa vùng ven biển đang là nguy cơ tiềm ẩn và vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Theo nghiên “Plastic waste inputs from land into the ocean” của Jambeck JR, et al năm 2015, trên 50% tổng lượng rác thải nhựa xả thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực Biển Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippine (xem hình). Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới. Khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra Biển Đông dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Chất thải nhựa phát sinh từ tất cả các hoạt động ven biển như sinh hoạt hàng ngày, du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.... Tuy nhiên, người dân chưa thực sự có ý thức về sự nguy hại cũng như các hành động làm giảm thiểu tác động của chất thải này tới môi trường biển
Do đặc điểm cấu trúc của plastic là các polyme tổng hợp nhân tạo nên chất thải nhựa có tốc độ phân hủy trong điều kiện tự nhiên rất chậm. Thông thường phải mất đến hàng trăm năm thậm chí cả hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa bị phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên như vậy, rác thải nhựa đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển. Một số các tác động đến môi trường biển và con người do chất thải nhưạ gây nên: - Đối với môi trường biển: chất thải nhựa sau khi thải vào nước biển sẽ làm chậm các quá trình trao đổi oxy trong nước, tăng lơ lửng, cản trở dòng chảy và sự truyền ánh sáng trong nước làm thay đổi cấu trúc của hệ sinh thái. Điều đó cũng tác động trực tiếp đến sự phát triển của các sinh vật sinh sống ở biển. Ngoài ra, chất thải nhựa sau quá trình phân hủy thành các phần nhỏ hơn sẽ làm cho các sinh vật như cá biển, rùa biển và chim biển sử dụng làm thức ăn do chúng nhầm lẫn những chất thải nhựa đó với các loại rong, tảo biển và sứa biển. Khi các chất thải này đi vào cơ thể sinh vật sẽ gây cản trở và làm tắc hệ tiêu hóa của sinh vật dẫn đến việc giết chết các cá thể này. Hơn nữa, do đặc tính chất thải nhựa không thấm nước nên chúng có khả năng hấp phụ trên bề mặt một lượng lớn các chất ô nhiễm khác như PCBs, PAHs, thuốc trừ sâu ..... Những chất này khi được tích lũy trong cơ thể sinh vật sẽ gây ra những tác hại đối với sinh vật. - Đối với con người: Tài nguyên biển bị suy giảm do sự gia tăng chất thải nhựa trong môi trường sẽ làm giảm những lợi ích về kinh tế của con người khi khai thác các nguồn lợi này. Mặt khác, tại Việt Nam tuy chưa có nghiên cứu chính thức nào về cơ chế gây hại của chất thải nhựa đối với sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn nhưng như đã nói ở trên, chất thải nhựa có thể mang theo những chất độc hại như PCBs, PAHs, .... vào trong cơ thể các loài sinh vật theo đường tiêu hóa và việc sử dụng các loại sinh vật có chứa chất thải nhựa làm thực phẩm có thể gây tích lũy trong cơ thể con người và qua thời gian dài có khả năng gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe. Từ những tác động đã đề cập ở trên cho thấy chất thải nhựa đang là nguy cơ gây các thiệt hại về môi trường, kinh tế trong tương lai không xa và cần có những giải pháp để giảm thiểu các tác động này, cụ thể:
- Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, các loại bao bì nhựa trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Thay vào đó là sử dụng các túi xách, làn, giỏ... làm từ vật liệu thân thiện hơn với môi trường. - Không xả các chất thải nhựa ra sông, biển. Đặc biệt là trong các hoạt động du lịch - dịch vụ biển. Để thực hiện điều này thì sự giáo dục trong gia đình và nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành thói quen bảo vệ môi trường và xả rác đúng nơi qui định. - Chất thải nhựa có khả năng tái chế, do đó cần được phân loại riêng từ trong gia đình và ở các thùng rác công cộng để dễ thu gom và tái chế. - Cần có các nghiên cứu chi tiết về đánh giá hiện trạng và tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển Việt Nam và nguy cơ ảnh hưởng từ ô nhiễm rác thải nhựa sức khỏe người dân thông qua sử dụng hải sản.
Tác giả bài viết: Trần Lam Hồng – Ban QLDA CRSD Nghệ An