Giải pháp bảo vệ và quản lý nguồn nước cấp sinh hoạt khu vực vùng núi cao tỉnh Nghệ An

Chủ nhật - 12/07/2020 23:25 242 0
Nguồn nước sạch luôn là nhu cầu thiết yếu của con người, nhất là người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các hộ dân ở nông thôn hiện chiếm 67% dân số cả nước nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về môi trường. Trong đó, ô nhiễm nước sinh hoạt đang là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết.
Giải pháp bảo vệ và quản lý nguồn nước cấp sinh hoạt khu vực vùng núi cao tỉnh Nghệ An
Tỉnh Nghệ An có 5 huyện thuộc khu vực miền núi cao bao gồm các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu và Quế Phong. Đây là có địa hình núi cao, phân cắt mạnh. Nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Vùng núi cao là nơi khó khăn nhất về điều kiện khai thác và sử dụng nước sinh hoạt cũng như điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường so với các vùng khác trong tỉnh.
Khu vực miền núi cao hiện nay có 401 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trong đó cả 401 công trình hoạt động theo hình thức tự chảy. Trong 401 công trình có 75 công trình đã ngừng hoạt động.
Mô hình cung cấp nước chủ yếu ở khu vực vùng núi cao là dạng tự chảy nên công nghệ truyền dẫn nước tự nhiên dựa vào chênh lệch độ cao giữa nguồn nước đầu vào (khe suối, nước ngầm, mạch lộ...) và cộng đồng sử dụng nước. Nguồn nước cấp cho trạm là nước mặt được lấy từ khe, suối, hồ. Nước đầu nguồn chảy trực tiếp về các bể tập trung ở từng cụm dân, một số trạm  có bể xử lý sơ bộ lắng, lọc đầu nguồn sau đó chảy về các bể trong bản cung cấp cho dân sử dụng. 
Các công trình cấp tự chảy được xây dựng tại các địa phương vùng núi, vùng sâu vùng xa, địa hình phức tạp, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hàng năm mưa lũ nhiều nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình như: Tình trạng xói lở phá hỏng công trình sau những trận mưa lũ, thời tiết khắc nghiệt đã làm cho tuổi thọ công công trình xuống cấp nhanh. Mặt khác, công tác quản lý công trình chưa được quan tâm, chỉ sau một thời gian sử dụng công trình đã xuống cấp. Rất nhiều công trình hiện nay đã bị hư hỏng nặng, không còn sử dụng được nữa.


Trạm cấp nước sinh hoạt xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An
Các nguồn cấp nước chủ yếu cho khu vực này là các khe, suối, hồ, đập và đang chịu tác động từ con người và tự nhiên. Hoạt động do con người từ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Rác thải ở khu vực này chưa được tổ chức thu gom và xử lý, người dân tự chôn hoặc đốt trong vườn. Rác thải xung quanh trạm chủ yếu là lá cây, thảm thực vật rừng.
Ngoài ra, môi trường nước mặt khu vực này đang chịu ảnh hưởng do trong quá trình chăn nuôi, sản xuất người dân chăn thả gia súc ở đầu nguồn nước; chai lọ, bình đựng thuốc bảo vệ thực vật nhất là ở đầu nguồn sông, suối.
Hiện trạng các trạm cấp nước thường bị thiếu nước vào mùa nắng hạn, chất lượng nước sau xử lý không đảm bảo (bị đục vào mùa mưa); hệ thống xử lý lắng lọc, đập dâng nước đầu nguồn thường bị bồi lấp và bị tắc sau 1 hoặc 2 mùa mưa lũ; áp lực nước không ổn định, cuối mạng đường ống thường bị thiếu nước vẫn xảy ra phổ biến ở khu vực này.
Một số giải pháp nhằm quản lý và bảo vệ nguồn nước cấp cho sinh hoạt khu vực này bao gồm:
- Bảo vệ đầu nguồn các khu vực đầu nguồn khe, suối, hồ đập.
- Huy động các nguồn vốn, tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư được kịp thời tránh tình trạng để lâu ngày dẫn tới hư hỏng lớn, công trình xuống cấp nhanh.
- Xây dựng quy chế hoạt động: Hướng dẫn ban quản lý công trình dự thảo và ban hành quy chế quản lý công trình cấp nước sinh hoạt với mục đích là để người dân dùng nước nhận thức được trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia xây dựng và quản lý công trình cấp nước.
- Thành lập các tổ quản lý, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, phân công quản lý điều tiết kinh phí cho hoạt động quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng hàng năm.
- Các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND các xã cần có biện pháp kiên quyết trong công tác quản lý, đưa công tác quản lý thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Nâng cao công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền về hiệu quả của sử dụng nước sạch và nâng cao nhận thức người sử dụng nước trong công tác quản lý, khai thác và vận hành hệ thống. Khu vực vùng núi của tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế. Công tác truyền thông có ý nghĩa lớn, giúp cho người dân nâng cao nhận thức về sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, từ đó thay đổi hành vi hiện có và tăng nhu cầu dùng nước sạch. Khi họ cảm thấy dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là có ích, họ sẽ tự nguyện đóng góp tài chính để xây dựng công trình  cấp nước sạch và tham gia quản lý bảo vệ công trình đó. Cần thường xuyên mở các lớp đào tạo tuyên truyền viên về sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các địa phương và tổ chức các đợt truyền thông trực tuyến về công tác bảo vệ, khai thác và sử dụng nước sạch.
- Thu phí sử dụng nước của người sử dụng để có kinh phí phục vụ cho công tác duy tu bảo dưỡng công trình.
Công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại khu vực miền núi cao của tỉnh còn có nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, chính quyền và nhân dân địa phương cần thực hiện các giải pháp đảm bảo công tác khai thác tài nguyên nước bền vững và thân thiện với môi trường./.

 

Tác giả bài viết: Lê Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay16,305
  • Tháng hiện tại186,097
  • Tổng lượt truy cập12,353,198
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây