Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Thứ năm - 05/10/2023 03:20 69 0
Trong khoảng 3 thập kỷ qua, cũng như nhiều nơi khác, kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An đang phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình phát triển đó, ghi nhận vai trò vô cùng to lớn của những người phụ nữ. Họ vừa tham gia trực tiếp vào các hoạt động thị trường, vừa đóng góp to lớn vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Ảnh: Nguyễn Đạo

Tham gia chủ đạo các hoạt động kinh tế thị trường
Trong bức tranh chung về phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số, chúng ta dễ dàng nhận diện được vai trò to lớn của những người phụ nữ. Họ là lực lượng chủ yếu tham gia vào các hoạt động buôn bán, trao đổi và các dịch vụ trên thị trường. Xin điểm qua một số hoạt động thị trường cơ bản để thấy rõ điều đó.
Trong lĩnh vực thương mại, tham gia buôn bán các nông lâm sản hay đồ thủ công nghiệp ở các chợ vùng, chợ huyện chủ yếu là những người phụ nữ. Họ tham gia thu mua các sản phẩm cả miền ngược lẫn miền xuôi rồi đi bán lại để tìm kiếm lợi nhuận. Làm chủ các quán tạp hóa, các cửa hàng buôn bán chủ yếu là phụ nữ. Họ trực tiếp hoạch định phát triển, đi nhận hàng và thu gom hàng rồi trực tiếp bán cho khách. Họ trở thành những người trung gian để lưu thông các loại hàng hóa trên thị trường, bao gồm mua cái hàng dưới xuôi lên bán cho bàn con trong làng bản, rồi thu mua các đặc sản, hàng hóa truyền thống ở các làng bản để bán lại cho các thương lái miền xuôi.
Trong lĩnh vực du lịch cũng chủ yếu do phụ nữ phụ trách. Khảo sát các điểm phát triển du lịch cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số Nghệ An đều cho thấy điều đó. Chủ yếu là những người phụ nữ đi tham gia tập huấn, về hoạch định kế hoạch và trực tiếp thực hiện các công việc để đón tiếp khách du lịch. Như ở bản Nưa (xã Yên Khê, Con Cuông) thì 5 hộ gia đình hoạt động du lịch cộng đồng thì có 4 gia đình giao hết cho vợ, chỉ có một gia đình là hai vợ chồng cùng tham gia nhưng người phụ nữ vẫn tham gia chủ yếu. Các hoạt động khác như nấu nướng, tổ chức trải nghiệm hay biểu diễn văn nghệ  phục vụ du khách đều do phụ nữ tham gia.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thủ công nghiệp hàng hóa thì phụ nữ cũng có vai trò to lớn. Trong đó, có một số hoạt động thị trường quan trọng mà người phụ nữ đảm nhiệm như dệt may thổ cẩm, làm rượu cần. Một người phụ nữ cao tuổi làm nghề dệt may trang phục truyền thống ở bản Nưa để bán cho người dân trong vùng có thu nhập cao không thua gì những người thanh niên đi làm xa nhà. Hay ở bản Văng Môn (xã Nga My, Tương Dương), nơi mà những người phụ nữ Thái về làm dâu dân tộc Ơ Đu ở đây là những người phụ trách sản xuất trang phục truyền thống bán cho cả người Ơ Đu và người Thái quanh vùng. Và nổi tiếng nhất có lẽ là bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), một bản người Thái có nhiều người phụ nữ tham gia dệt may thổ cẩm và đã tạo ra được thương hiệu. Cùng với đó là việc làm rượu cần để bán cho người dân trong vùng.
Kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số phát triển còn chậm, mới chỉ một số lĩnh vực tham gia tích cực vào thị trường như các hoạt động về du lịch cộng đồng, thủ công nghiệp và buôn bán nông lâm sản… Và trong các hoạt động này thì ngời phụ nữ giữ vai trò quan trọng nhất. Nhìn rộng ra cả nước thì người phụ nữ cũng là nhân tố quan trọng nhất trong kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển

Lâu nay, người ta đều nhận thấy phụ nữ có vai trò đặc biệt trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của các cộng đồng. So với đàn ông đi ra nhiều hơn, giao lưu và tiếp xúc văn hóa nhiều hơn, thì phụ nữ là một thành trì để giữ gìn các nét đặc sắc của văn hóa truyền thống. Họ không chỉ lưu giữ mà còn thực hành các nét văn hóa cộng đồng. Từ trang phục, nghệ thuật truyền thống, biểu diễn dân gian đến các kinh nghiệm sản xuất, các tri thức dân gian về dược học, các nghề thủ công truyền thống… đều chủ yếu đặt lên vai người phụ nữ. Nhiều trường hợp, bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ trở thành dấu hiệu quan trọng để nhận diện cộng đồng, tộc người đó. Bởi người phụ nữ đã đưa các giá trị tốt đẹp của văn hóa cộng đồng vào các hoạt động, các sản phẩm của mình làm ra. Và bản thân các sản phẩm đó cũng chứa đựng các phẩm chất tốt đẹp của người tạo ra nó. Cũng vì vậy mà ở các cộng đồng, những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ tốt nhất hầu như gắn với người phụ nữ của cộng đồng đó.
Khi tham gia vào hoạt động kinh tế thị trường, những người phụ nữ thường lựa chọn các lĩnh vực dựa vào nguồn văn hóa của mình. Họ ít khi tìm đến các nguồn lực hiện đại vốn quá xa lạ với họ. Thay vào đó là lựa chọn các hoạt động từ vốn văn hóa để tối ưu hóa đầu tư rồi tìm kiếm lợi nhuận qua việc đa dạng các hoạt động. Đó là sự lựa chọn mang tính an toàn của người phụ nữ. Thế nên họ tập trung vào các hoạt động như du lịch cộng đồng, thủ công nghiệp hay buôn bán nông lâm sản. Cũng vì thế mà tham gia vào kinh tế thị trường, người phụ nữ lại góp phần quan trọng vào việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế. Những người phụ nữ Thái đã đưa sản phẩm dệt may truyền thống ra thị trường làm cho nhiều người biết đến hơn và tăng thu nhập cho gia đình. Những người phụ nữ ở nhiều làng bản làm du lịch cộng đồng cũng biết cách làm cho những cảnh quan làng bản, những ngôi nhà truyền thống, những món ẩm thực hay các điệu múa hát truyền thống tham gia vào các hoạt động kinh tế để tạo ra giá trị. Qua đó, không những giúp người dân nhận thức lại giá trị của văn hóa truyền thống mà còn phát huy các giá trị đó vào phát triển kinh tế.

Ảnh: Nguyễn Đạo

Nhân tố quan trọng để bình đẳng giới

Trước đây, vùng dân tộc thiểu số được coi là những địa bàn mà sự bất bình đẳng giới phổ biến nhất. Và công cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới đã quan tâm nhiều đến các địa bàn này làm cho giới ngày càng được bình đẳng hơn. Bên cạnh các chính sách tuyên truyền, hộ trợ từ các cơ quan nhà nước và các khóa tập huấn của các tổ chức phi chính phủ, thì có vai trò của sự phát triển kinh tế thị trường. Những người phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế thị trường, tạo ra được nhiều giá trị kinh tế hơn và qua đó cũng nâng cao vị thế của họ trong xã hội khi quyền về kinh tế của họ được nâng lên.
Trong các gia đình buôn bán hàng hóa, tham gia du lịch cộng đồng hay phát triển thủ công nghiệp hàng hóa thì sự bình đẳng trong gia đình được đảm bảo hơn. Người phụ nữ được tham gia quyết định các vấn đề lớn trong gia đình, đặc biệt là các quyết định quan trọng đến sinh kế gia đình bởi vì họ tham gia trực tiếp và tạo ra nguồn thu nhập. Các cuộc điều tra xã hội học ở vùng dân tộc thiểu số cho thấy: Hầu hết các hộ gia đình tham gia kinh tế thị trường đều có sự bình đẳng giữa vợ chồng nhiều hơn so với các hộ gia đình sống dựa vào hoạt động kinh tế truyền thống. Ở đó, người phụ nữ được tham gia bàn bạc với chồng về những việc như xây nhà, sửa sang nhà cửa, bán trâu bán bò, mua bán các đồ đạc quan trọng, tham gia hay không tham gia các hoạt động kinh tế mới,... Họ cùng thảo luận, trao đổi và đi đến quyết định khi cả hai cùng thống nhất. Thậm chí, trong một số hoạt động, người chồng còn để cho vợ quyết định bởi vì vợ là người trực tiếp thực hiện những công việc đó.
Nói tóm lại, sự tham gia phát triển kinh tế thị trường là một con đường giúp cho người phụ nữ cải thiện vị thế của họ trong xã hội. Theo ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thì: “Các hoạt động kinh tế thị trường không chỉ giúp người phụ nữ tạo thêm thu nhập cho bản thân và gia đình, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống khi các hoạt động của họ dựa vào vốn văn hóa là chủ yếu”. Hay như PGS.TS Nguyễn Thu Hương, một chuyên gia Nhân học về Giới ở Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Quá trình trải nghiệm thị trường giúp người phụ nữ chủ động hơn khi tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, xã hội và kinh tế khác cả trong gia đình cũng như ngoài xã hội”. Cũng vì thế mà tham gia hoạt động kinh tế thị trường trở thành một nhân tố quan trọng để thực hiện bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số./.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây