Một số giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An
Thứ năm - 18/06/2020 23:243720
Trong những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Đề án số 11-ĐA/TU ngày 07/9/2009 ”Về củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội xã hội – nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; Công văn số 2893-CV/TU ngày 15/9/2010 chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW của Bộ chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Công văn số 758/UBND–VX, ngày 15 tháng 02 năm 2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An; Quyết định số 6364-QĐ/TU ngày 19/6/2015 thành lập Đảng đoàn và chỉ định Bí thư, Ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Quyết định 60/2014/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 “về Quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Nghệ An”...
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan, cộng với sự nỗ lực cố gắng của tập thể Ban lãnh đạo, các Hội thành viên, hội viên trong hệ thống, tổ chức bộ máy và hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An đã có những bước phát triển đáng kể. I. Kết quả đạt được 1. Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức
Xác định việc củng cố, phát triển tổ chức, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, sau hơn 34 năm hoạt dộng, Liên hiệp hội Nghệ An đã có bước phát triển nhanh chóng về tổ chức và hội viên Khi thành lập, Liên hiệp hội chỉ có 4 Hội thành viên thì đến nay đã có 26 Hội thành viên, trong đó: có 05 hội hoạt động trong lĩnh vực y tế; 10 hội hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, dịch vụ, xây dựng, kinh tế, quy hoạch; 10 hội hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và 01 Liên hiệp hội cấp huyện. Một số hội thành viên có số lượng hội viên và mạng lưới phân hội, chi hội được phát triển mở rộng đến phường, xã, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp như: Hội Đông y, Hội Làm vườn, Hội Luật gia, Hội Tâm lý giáo dục, Hội Xây dựng, Hội Khoa học lịch sử…Ngoài ra, Liên hiệp hội Nghệ An còn có 06 trung tâm, 01 viện, 01 câu lạc bộ trực thuộc, thu hút 95.599 hội viên, trong đó số hội viên có trình độ cao đẳng trở lên là gần 20.000 người.
Hầu hết các tổ chức Hội thành viên khi hết nhiệm kỳ được Liên hiệp Hội kiểm tra, đôn đốc đại hội đúng quy định. Các hội thành viên, các trung tâm trực thuộc hoạt động tốt và phát triển được tổ chức về cơ sở, thành lập được các huyện hội, chi hội. Một số hội được tỉnh cấp trụ sở, biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động như: Hội Đông y, Hội Châm cứu, Hội Luật gia, Hội Làm vườn, Hội Kế hoạch hóa Gia đình, Liên hiệp các Hội KH&KT huyện Tân Kỳ. Một số hội hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp như: Hội Thuỷ lợi; Liên hiệp các Hội KH&KT huyện Tân Kỳ; Hội Luật gia; Hội Đông y; Hội KH&KT Lâm nghiệp; Hội KH&KT Nông nghiệp; Hội Làm vườn; Hội Tâm lý - Giáo dục; Hội Vật lý; Hội Sử học; Hội Giống cây trồng… Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp hội Nghệ An trong quá trình hoạt động luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo củng cố, kiện toàn kịp thời để đáp ứng được yêu cầu của công tác Hộitrong tình hình mới. Chức danh Chủ tịch Liên hiệp hội Nghệ An do Thường trực Tỉnh ủy giới thiệu 01 Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy để đại hội bầu. Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019 – 2024 đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Liên hiệp hội. Nhân lực cơ quan Liên hiệp hội Nghệ An trong thời gian gần đây đã có sự tăng cường, bổ sung hết sức quan trọng. Tính đến 31/12/2012, cán bộ chuyên trách của Liên hiệp hội chỉ có 03 biên chế thì hiện nay đã có 06 biên chế. (Năm 2013 được bổ sung tăng 02 biên chế; Năm 2019 được bổ sung tăng 01 biên chế do điều chuyển 01 đ/c là PGĐ một đơn vị trực thuộc Sở KHCN sang làm PCT Thường trực Liên hiệp hội). 2.Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Được sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tổ chức bộ máy được kiện toàn, củng cố, xây dựng được khối đại đoàn kết, thống nhất trong hệ thống, nội dung và phương thức hoạt động được đổi mới, hoạt động của Liên hiệp hội Nghệ An trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt: tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo; thông tin và phổ biến kiến thức; phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo; động viên phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ; tôn vinh trí thức; hợp tác trong và ngoài nước…đặc biệt, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội ngày càng có vai trò quan trọng, phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đã có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số kết quả hoạt động của Liên hiệp hội trong thời gian qua đã để lại dấu ấn đậm nét như: Phản biện dự án “Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An” tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Hiệu quả của các giải pháp kỹ thuật đem lại rất to lớn về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội, đó là: Bảo vệ được 138ha đất ở và đất trồng lúa, giữ được 585/773 hộ không phải di dời, bảo vệ được 3,3/4km đường quốc lộ 48 và toàn bộ cơ sở kiến trúc hạ tầng của xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Về kinh phí tiết kiệm được so với giải pháp ban đầu gần 200 tỷ VND; phối hợp với Liên hiệp hội Hà Tĩnh, Đại học Vinh và Viện xã hội học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam phản biện toàn diện dự án: “Cống ngăn mặn, giữ ngọt và cải tạo môi trường trên sông Lam” (Dự án Jica 4) bao gồm: tính cấp thiết của dự án; mục tiêu dự án; quy mô dự án; kỹ thuật thiết kế dự án; kỹ thuật thi công dự án; tác động kinh tế, xã hội và môi trường của dự án; kinh phí dự án; hiệu quả của dự án. Đây là dự án trọng điểm, có vị trí địa lý nằm trên sông Lam, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trên cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, bao gồm 11 huyện/thành phố/thị xã, 193 xã/phường/thị trấn; với tổng dân số trong vùng dự án là 1.278.034 người và diện tích tự nhiên là 184.736,7 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến: 2.500.000.000.000 đồng (Hai nghìn, năm trăm tỷ đồng). Kết quả phản biện đã được chủ đầu tư tiếp nhận và là cơ sở khoa học để UBND tỉnh Nghệ An tham khảo khi xem xét phê duyệt hồ sơ dự án của công trình; phối hợp với trường Đại học Vinh, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và chuyên gia Hàn Quốc thực hiện đề tài “Điều tra đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Nghệ An, đề xuất giải pháp bảo vệ”. Kết quả đã phát hiện được 01 loài động vật, 05 loài thực vật mới của Việt Nam, đó là: Một (01) loài cá mới bổ sung cho danh lục cá Việt Nam. Tên Khoa học là Oreoglanis Frenatus Ng et Rainboth, 2001, tên phổ thông là cá Chiên thác, tên địa phương là Pa pẹm (Tiếng Thái); Hai (02) loài Nưa konjac có chứa glucomannan là chất xơ hòa tan trong nước, có tác dụng chữa tiểu đường type 2 và ăn kiêng rất tốt do năng lượng ít; Năm (05) loài thực vật mới bổ sung cho danh lục thực vật Việt Nam: Ét tinh vân nam, gừng lá sáng bóng, riềng nhiều hoa, gừng tím, gừng quả trần… II. Hạn chế, khuyết điểm Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Liên hiệp hội Nghệ An còn những hạn chế, khuyết điểm đó là: chưa tập hợp được đông đảo trí thức khoa học và công nghệ, trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức người Nghệ An ở trong, ngoài tỉnh và ở nước ngoài; nội dung và phương thức hoạt động còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa làm tốt vai trò đầu mối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong hoạt động Hội chưa được nhiều; việc điều hòa và phối hợp hoạt động của các Hội thành viên thực hiện chưa tốt; Liên hiệp hội và một số Hội thành viên còn để chậm đại hội nhiệm kỳ; một số Hội thành viên hoạt động còn mờ nhạt, lúng túng và kém hiệu quả... III. Nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm 1. Nguyên nhân khách quan 1.1. Loại hình tổ chức của Liên hiệp hội được quy định trong văn bản của Đảng và văn bản Nhà nước có những điểm chưa thống nhất. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khẳng định Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làtổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ lại xếp Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là Hội có tính đặc thù và chịu sự điều chỉnh của Nghị định 45. Sau hơn 10 năm được ban hành, quan điểm, nội dung của Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị vẫn chưa được thể chế hóa nên gây khó khăn cho hoạt động của Liên hiệp hội. 1.2. Thiếu cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp hội Nghệ An với các hội thành viên và giữa các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội. Quan hệ giữa Liên hiệp hội với các Hội thành viên không phải là quan hệ cấp trên cấp dưới, Liên hiệp hội không có thẩm quyền quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về tổ chức, hoạt động của Hội thành viên. Các hội thành viên do UBND tỉnh ra quyết định thành lập (cũng như Liên hiệp hội), hoạt động độc lập, có quyền tự chủ, có Điều lệ riêng. Thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các hội thành viên của Liên hiệp hội đối với việc: cho phép thành lập,đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ của các Hội thành viên đều do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hoặc Sở Nội vụ nếu được UBND tỉnh ủy quyền. Hội thành viên tự nguyện tham gia Liên hiệp hội nếu tán thành Điều lệ của Liên hiệp hội, và có thể ra khỏi Liên hiệp hội nếu họ muốn. Liên hiệp hội chỉ có chức năng điều hòa và phối hợp hoạt động của các Hội thành viên; làm đầu mối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong hoạt động Hội. 1.3. Quyết định 60/2014/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 “về Quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Nghệ An” chưa quy định rõ những dự án nào bắt buộc phải do Liên hiệp hội phản biện nên Liên hiệp hội và các Hội thành viên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. V. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới 1. Về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động của Liên hiệp hội Tiếp tục thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Bảy (khoá X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, đặc biệt là phải thể chế hóa quan điểm, nội dung của Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, quy định rõ Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như các tổ chức chính trị - xã hội khác. 2. Về củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức Thiết lập cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở Trung ương và các hội thành viên để từ đó thiết lập cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp hội Nghệ An với các hội thành viên và giữa các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội Nghệ An; tăng cường mối liên kết liên ngành, liên vùng, phối hợp giữa Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các hội thành viên. Xây dựng và phát triển tổ chức bộ máy Liên hiệp hội có các ban chuyên môn gồm: Văn phòng, Ban thông tin phổ biến kiến thức và hội viên; Ban Khoa học, Công nghệ và Tư vấn phản biện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 3. Về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động - Các Hội thành viên phải được củng cố theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên, đảm bảo hiệu quả hoạt động và cung cấp dịch vụ xã hội; các hội thành viên cần thành lập được các tổ chức KHCN trực thuộc theo quy định của pháp luật hiện hành để hoạt động đa chức năng: tư vấn, phản biện, giám định xã hội, dịch vụ đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, sản xuất giống cây, con phục vụ các dự án phát triển, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường…; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cán bộ của Liên hiệp hội, của các Hội thành viên; đặc biệt là cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức đã hết tuổi lao động nhưng có trình độ cao, có năng lực và sức khỏe,thu hút cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt tình công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. - Xây dựng được cơ sở dữ liệu mạng lưới chuyên gia và quy chế sử dụng chuyên gia đảm bảo đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội; tăng cường năng lực cung cấp thông tin và cung cấp chuyên gia thực hiện tư vấn phản biện và giám định xã hội ở cả trung ương và địa phương; chủ động đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh những vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trước hết là những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chính sách đối với trí thức; đề xuất và huy động đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, chuyên ngành tham gia tích cực xây dựng các văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước và góp ý kiến tư vấn, phản biện các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. - Huy động đội ngũ trí thức tham gia tích cực các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng, đưa tri thức KH&CN xuống cơ sở, đến với các tầng lớp nhân dân; tổ chức các hoạt động mạng lưới, tăng cường giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, giới thiệu điển hình tiên tiến để phát huy sức mạnh tổng hợp của các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc; tăng cường lồng ghép các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với hoạt động tuyên truyền, phổ biến và nâng cao kiến thức cho nhân dân; hình thành và phát triển cổng thông tin điện tử của Liên hiệp hội và các Hội thành viên. - Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Tổ chức các nghiên cứu khoa học theo hướng xây dựng các đề án lớn, thu hút, tập hợp nhiều hội thành viên và đơn vị trực thuộc tham gia, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội các vấn đề hệ trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng của tỉnh.Tăng cường năng lực, sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện tốt các dịch vụ công do Nhà nước chuyển giao như cấp chứng chỉ hành nghề, hỗ trợ pháp lý, dịch vụ đo lường, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, v.v... - Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với các tổ chức quốc tế, các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Mở rộng hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, thu hút nguồn lực để phục vụ các hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên. Có thể thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng ta luôn khẳng định: Liên hiệp Hội là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ. Phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Do đó, để tiếp tục củng cố tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên trong thời gian tới cần có sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, sự vào cuộc thực sự của các sở, ban, ngành và đặc biệt là sự nhiệt tình, nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm của bản thân mỗi cán bộ, trí thức, nhà khoa học./. Trần Văn Toản Liên hiệp các hội KH&KT NA